Sau cuộc gặp với bà Svyrydenko, ông Zelensky bày tỏ: "Tôi mong chờ được thấy kế hoạch hành động của chính phủ mới trong tương lai gần".
Yulia Svyrydenko là ai?
Bà Yulia Svyrydenko - một nhân tố chủ chốt đằng sau thỏa thuận đất hiếm và khoáng sản gần đây giữa Ukraine và Mỹ - đã đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán và ký kết thỏa thuận. Với tư cách là Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế, bà đã dẫn đầu phái đoàn Ukraine đến Washington và ký thỏa thuận với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent vào ngày 30/4/2025.
Bà Yulia Svyrydenko - ứng cử viên trở thành Thủ tướng tiếp theo của Ukraine. Ảnh: Văn phòng tổng thống Ukraine.
Theo thỏa thuận, Ukraine và Mỹ thành lập một quỹ đầu tư tái thiết chung, quản lý doanh thu từ các khoáng sản quan trọng - bao gồm các nguyên tố đất hiếm - cũng như dầu khí.
Bà Svyrydenko ca ngợi thỏa thuận này là "cùng có lợi" và là tín hiệu cho thấy cam kết của Mỹ đối với hòa bình lâu dài ở Ukraine. Bằng cách đảm bảo quyền kiểm soát của Ukraine đối với các nguồn tài nguyên, chia sẻ doanh thu công bằng và mối liên kết an ninh-kinh tế tích hợp, bà đã định vị thỏa thuận này là một cột mốc trong hợp tác chiến lược và kinh tế giữa Ukraine và Mỹ.
Sự nghiệp ban đầu và kinh nghiệm quốc tế
Sinh ra tại Chernihiv vào ngày 25/12/1985, Svyrydenko tốt nghiệp loại xuất sắc tại Đại học Thương mại và Kinh tế Quốc gia Kiev năm 2008 và sau đó hoàn thành một số chương trình sau đại học. Cùng năm đó, bà bắt đầu sự nghiệp với tư cách là chuyên gia kinh tế tài chính tại một công ty bất động sản Ukraine - Andorra ở Kiev.
Năm 2011, bà được bổ nhiệm làm Trưởng phái đoàn thương mại thường trực của Chernihiv tại Wuxi, Trung Quốc, nơi bà làm việc để thu hút đầu tư Trung Quốc vào Ukraine. Một trong những kết quả nổi bật của bà trong giai đoạn này là việc thành lập Eko-Vtor - công ty có trụ sở tại Chernihiv được hỗ trợ 100% vốn nước ngoài.
Thăng tiến trong chính quyền khu vực và quốc gia
Svyrydenko bắt đầu làm việc trong chính quyền nhà nước vào năm 2015 với tư cách là cố vấn cho người đứng đầu Cơ quan Quản lý Nhà nước Khu vực Chernihiv (RSA). Cuối năm đó, bà trở thành Trưởng phòng Phát triển Kinh tế Khu vực. Năm 2017, bà được thăng chức Phó Thống đốc thứ nhất, tạm thời giữ chức vụ quan chức cấp cao nhất của khu vực.
Trong thời gian làm việc tại RSA, Svyrydenko được cho là đã thu hút hơn 340 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài - chiếm khoảng 80% tổng số 430 triệu USD mà khu vực này nhận được vào thời điểm đó. Năm 2017, Chernihiv đứng đầu trong số tất cả các khu vực của Ukraine về tăng trưởng đầu tư.
Năm 2019, bà Svyrydenko gia nhập Bộ Kinh tế Ukraine với tư cách Thứ trưởng và được thăng chức lên Thứ trưởng thứ nhất vào năm 2020. Bà phụ trách chính sách lao động, việc làm, công nghiệp và giá cả.
Cuối năm đó, bà được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Tổng thống, phụ trách chính sách kinh tế và quan hệ nhà đầu tư. Bà cũng là Chủ tịch Hội đồng Hỗ trợ Doanh nghiệp của Tổng thống, do Zelensky thành lập.
Bà Svyrydenko đã được trao tặng Bằng khen Danh dự vì những đóng góp cho cộng đồng.
"Svyrydenko là biểu tượng cho sức mạnh kiên cường của người dân Ukraine", Bộ trưởng Thương mại Mỹ lúc bấy giờ là Rina Raimondo đã viết về bà trên Tạp chí Time năm 2023.
"Với những nhà lãnh đạo trẻ tuổi, thông minh và quyết đoán như bà, tương lai hậu chiến của Ukraine đang tươi sáng hơn bao giờ hết", bà Raimondo nói thêm.
Trong những lần xuất hiện trước công chúng không thường xuyên, Svyrydenko ăn nói nhỏ nhẹ nhưng rất lưu loát bằng tiếng Ukraine hoặc tiếng Anh.
Bà Svyrydenko từng chia sẻ rằng phục vụ trong lĩnh vực công là một phần cuộc sống của bà, bởi cả cha và mẹ bà đều làm việc trong chính phủ.
"Tôi đã thấy họ [cha mẹ của bà Svyrydenko –ND] tận tụy phục vụ cộng đồng như thế nào, quê hương và sự phát triển của quê hương là những giá trị cốt lõi của họ", bà chia sẻ với truyền thông Ukraine gần đây.
Song song với việc đề cử bà Yulia Svyrydenko làm thủ tướng, Tổng thống Zelensky cũng đề xuất Thủ tướng đương nhiệm của Ukraine, Denys Shmyhal, đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, mô tả ông là người có đủ năng lực cho một vị trí rất quan trọng.
Việc đề cử, vốn cần được quốc hội phê chuẩn, diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang với Nga, hiện đã bước sang năm thứ tư, đang bị đình trệ và Ukraine đang tìm cách khôi phục nền kinh tế đang gặp khó khăn về tài chính và xây dựng ngành công nghiệp vũ khí trong nước.
Mục tiêu trước mắt
"Chúng tôi đã thảo luận về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy tiềm năng kinh tế của Ukraine, mở rộng các chương trình hỗ trợ cho người dân Ukraine và tăng quy mô sản xuất vũ khí trong nước", ông Zelensky viết trên X.
"Để theo đuổi mục tiêu này, chúng tôi đang khởi xướng một cuộc cải tổ nhánh hành pháp ở Ukraine", ông nói và cho biết thêm rằng việc đề xuất bà Svyrydenko lãnh đạo nội các sẽ mang đến "đổi mới đáng kể công việc của chính phủ".
Ukraine dựa vào viện trợ tài chính từ các đồng minh phương Tây để tài trợ cho các chi tiêu xã hội và nhân đạo vì phần lớn doanh thu nhà nước được dùng để tài trợ cho quân đội và sản xuất vũ khí trong nước.
Các quan chức Ukraine vẫn liên tục kêu gọi các đối tác hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp vũ khí của nước này, bao gồm cả thông qua các dự án quốc phòng chung.
Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẽ tiếp tục "thúc đẩy tự sản xuất vũ khí và phát triển các dự án quốc phòng của riêng mình - của riêng Ukraine và cùng với các đối tác của chúng tôi".
Viết trên X, bà Svyrydenko cho biết bà sẽ theo đuổi việc bãi bỏ quy định, cắt giảm bộ máy quan liêu, bảo vệ doanh nghiệp và giảm chi tiêu không thiết yếu để đạt được "sự tập trung đầy đủ các nguồn lực nhà nước" cho quốc phòng và phục hồi sau chiến tranh.
"Bộ máy nhà nước không có quyền lãng phí nguồn lực và tiềm năng của đất nước chúng ta", bà nói. "Ukraine xứng đáng là một trong những nền kinh tế mạnh nhất châu Âu".
Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: united24media, Reuters, NDTV