Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp là động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sự quyết tâm
Chính phủ vừa đặt mục tiêu đầy tham vọng là tạo ra thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Bài toán này đang được các chuyên gia nhìn nhận là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn có thể đạt được.
Hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn mang lại nhiều việc làm, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: MP
Thực tế, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp. Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, giai đoạn từ 2017-2024 đã có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Nhìn chung theo từng năm, số doanh nghiệp được thành lập ngày càng cao.
Tuy nhiên, để trong vòng 5 năm nữa có con số 1 triệu doanh nghiệp cũng không phải quá khó, nếu nhìn về số lượng doanh nghiệp thành lập theo từng năm.
Năm 2024, được xem là có số lượng doanh nghiệp thành lập khá tốt với con số hơn 150.000 doanh nghiệp. Giả định số doanh nghiệp gia tăng tương tự năm 2024 và có nhỉnh hơn một chút thì con số 1 triệu doanh nghiệp gần như khả thi.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh mà trong đó có nhiều hộ kinh doanh thu nhập không thua các công ty tư nhân loại vừa, thì chỉ cần 1/3 con số này chuyển lên doanh nghiệp, con số mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp mới sớm hiện thực nhanh hơn.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, nên ưu đãi thuế trong vòng 3 năm. Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết và giảm chi phí không chính thức. Đồng thời, việc đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch sẽ tạo động lực để các hộ kinh doanh nhận thấy việc chuyển đổi thành doanh nghiệp là một bước phát triển tự nhiên và có lợi.
Theo các chuyên gia, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn. Đó là khi số lượng doanh nghiệp tăng lên, sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập của người dân. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nguồn thu ngân sách lớn hơn cho Nhà nước.
Càng có nhiều doanh nghiệp càng tạo ra những ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy họ không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một nền kinh tế năng động với nhiều doanh nghiệp mạnh mẽ sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những nỗ lực lớn hơn
“Nhà nước cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế và cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Cần chú trọng kiến tạo điều kiện để các thị trường phát triển hài hòa, vận hành thông suốt, lành mạnh và bền vững.
Đặc biệt, một ưu tiên hàng đầu là xây dựng cơ chế, chính sách cùng các giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm khuyến khích và hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển, nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ” – Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói về giải pháp thúc đẩy số lượng doanh nghiệp.
Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam về mức độ dễ dàng trong việc thành lập doanh nghiệp, cho thấy còn nhiều việc phải làm để loại bỏ các trở ngại cho việc khởi nghiệp.
Do đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh để đảm bảo niềm tin của công chúng vào hệ thống và loại bỏ các rào cản đối với việc đăng ký kinh doanh và chính thức hóa các doanh nghiệp hiện có.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hội nhập thị trường quốc tế. Ảnh: MP
Tiến sĩ Phil Smith, Đại học RMIT cho biết, nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa và dịch vụ, giúp Việt Nam vươn mình trở thành thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á, qua đó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mới đáp ứng nhu cầu sản phẩm của đất nước.
“Chính phủ có thể tài trợ hoặc trợ cấp các khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp, tài chính, marketing, và các kỹ năng kinh doanh cần thiết khác. Xây dựng mạng lưới các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), trong việc lập kế hoạch kinh doanh, quản lý rủi ro, và tiếp cận thị trường. Xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, ổn định, và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích tinh thần kinh doanh ở mọi cấp độ doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra các mạng lưới hỗ trợ. Bằng cách tập trung vào những lĩnh vực này, Chính phủ có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, góp phần vào mục tiêu hình thành 1 triệu doanh nghiệp” – Tiến sĩ Phil Smith nói.
Theo các chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp Việt đang suy giảm sức cạnh tranh, và rời bỏ thị trường. Việc tăng số lượng doanh nghiệp hiện có sẽ cực kỳ khó khăn nếu có sự sụt giảm ở các doanh nghiệp hiện hữu.
Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước là bảo đảm ổn định vĩ mô, hoàn thiện thể chế pháp luật và cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh. Song song đó, cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho các thị trường phát triển cân đối, hiệu quả và bền vững.
Gia tăng số lượng doanh nghiệp là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, kiên trì từ nhiều phía: sự quyết liệt cải cách của Nhà nước, sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.
Bằng việc thực hiện hiệu quả các giải pháp trọng tâm, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một làn sóng phát triển doanh nghiệp mới, đóng góp mạnh mẽ vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Nhiều cơ hội mới
Câu chuyện tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đang được Nhà nước đặt ra một cách rất mạnh mẽ. Để tạo bệ đỡ cho tăng trưởng doanh nghiệp, Nhà nước cũng đã cam kết nỗ lực tối đa để giảm thiểu các thủ tục hành chính, với mục tiêu cụ thể trong năm 2025 là: Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", kết hợp với việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Chính phủ cũng tập trung vào cải cách hành chính, đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư, và hỗ trợ các doanh nghiệp và dự án để vượt qua những khó khăn và vướng mắc.
Ngoài ra, việc phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số cũng được ưu tiên, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và dịch vụ công một cách thuận tiện và nhanh chóng.
PHƯƠNG MINH