11 dự án trọng điểm quốc gia giải ngân thấp hơn trung bình cả nước

11 dự án trọng điểm quốc gia giải ngân thấp hơn trung bình cả nước
6 giờ trướcBài gốc
Bộ Tài chính cho biết, đến nay, các bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết toàn bộ 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải với tổng số vốn là hơn 87.533,1 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 74.538 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là hơn 12.994 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã kịp thời duyệt dự toán để đảm bảo vốn cho các dự án.
Nhiều dự án đi vào khai thác giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua các địa phương, các chủ đầu tư đã nỗ lực cố gắng, chủ động triển khai, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án này vẫn đang chậm. Tính đến hết ngày 31/3/2025, tổng số vốn giải ngân của 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.812,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,5% kế hoạch được giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 3.950,3 tỷ đồng, đạt 5,3%; vốn ngân sách địa phương là 862,5 tỷ đồng, đạt 6,6%.
11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải gồm: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1; Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; Vành đai 3 – TP. Hồ Chí Minh; Đường Hồ Chí Minh; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Như vậy, hết 3 tháng đầu năm, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải tiếp tục thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (9,72%).
Theo Bộ Xây dựng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của 11 dự án thì vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng cần tiếp tục tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Cụ thể, về giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương đã bàn giao thêm mặt bằng để triển khai thi công; tuy phần diện tích còn lại không nhiều nhưng chủ yếu là đất ở nên công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, thường xảy ra khiếu nại, tranh chấp.
Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng tại các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương và di dời hạ tầng kỹ thuật tại các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Về vật liệu xây dựng, nhiều tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai... đã hoàn thành thủ tục cấp mỏ cho các dự án; tuy nhiên, thủ tục chấp thuận cho thuê đất mỏ Ea Kênh cho dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nâng công suất mỏ đá phục vụ thi công dự án Tuyên Quang - Hà Giang (Hà Giang) còn chậm.
Bên cạnh đó là một số khó khăn vướng mắc liên quan đến mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là thiếu nguồn vật liệu đắp trong một thời gian dài trước đây (đến nay đã được giải quyết), cùng với thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến tiến độ chung, nên một số dự án có nguy cơ không hoàn thành như kế hoạch đề ra.
Vân Hà
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/11-du-an-trong-diem-quoc-gia-giai-ngan-thap-hon-trung-binh-ca-nuoc-175612.html