Giải ngân vốn đầu tư công vẫn tắc ở nhiều địa phương, bộ ngành. Ảnh: Hoàng Anh
Bộ Tài chính vừa có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công ba tháng và ước tính bốn tháng đầu năm 2025. Theo đó, lũy kế đến hết tháng 3, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 80.000 tỷ đồng, đạt gần 9% kế hoạch và hơn 9,7% kế hoạch Thủ tướng giao.
Ước tính, 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 128.500 tỷ đồng, bằng hơn 14,3% kế hoạch và hơn 15,5% kế hoạch do Thủ tướng giao. Hai con số này đều thấp hơn so với tỷ lệ thực hiện kế hoạch cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Tài chính, có 10 bộ và cơ quan trung ương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân của cả nước, có thể kể đến Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. 35 địa phương giải ngân cao hơn bình quân, tiêu biểu là Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang.
Ngược lại, có 24 bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân ở mức rất thấp, dưới 5%, thậm chí còn chưa bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công.
Trước đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã chỉ ra lý do khiến tốc độ giải ngân chậm hơn so với năm 2024 xuất phát chủ yếu từ các bộ, cơ quan và địa phương, trong bối cảnh công tác đầu tư công về cơ bản không còn vướng mắc về thể chế khi Luật Đầu tư công sửa đổi chính thức có hiệu lực.
Xác định đầu tư công là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8%, trong bối cảnh nhiều khó khăn tác động, Bộ Tài chính nêu một số giải pháp.
Đối với số vốn đã phân bổ, Bộ Tài chính khuyến nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đối với số vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng về đề xuất phương án xử lý, đồng thời được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của các đơn vị để báo cáo Thủ tướng trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh.
Đối với các dự án vốn vay ODA, đề nghị các cơ quan chủ quản và chủ dự án chủ động bám sát tiến độ thực hiện và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng.
Các chủ dự án và cơ quan chủ quản dự án ODA cần phối hợp với Bộ Tài chính để trao đổi với nhà tài trợ vốn nếu có vướng mắc phát sinh.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc rút kinh nghiệm trong tổ chức triển khai, đặc biệt đối với dự án khó khăn do quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, dự án trải dài trên nhiều địa phương, có thời gian gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết, nguyên vật liệu không thuận lợi.
Qua đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ ràng trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, hướng đến mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2025 và hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào cuối năm.
Hoàng Đông