17 cá thể khỉ đuôi dài ở Côn Đảo bị bắt, hơn một nửa bị giết hại

17 cá thể khỉ đuôi dài ở Côn Đảo bị bắt, hơn một nửa bị giết hại
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 30-9, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng vận chuyển 17 cá thể khỉ đuôi dài (tên khoa học là Macaca fascicularis) từ bìa rừng xuống biển, chuẩn bị vận chuyền từ huyện Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) vào đất liền tiêu thụ.
Trước đó, lực lượng kiểm lâm đã theo dõi một số đối tượng nghi vấn, có biểu hiện vào rừng săn bắt động vật quý hiếm. Khoảng 14 giờ 50 phút chiều 30-9, đoàn liên ngành gồm Trạm Kiểm lâm Bến Đầm, đồn Công an Bến Đầm (huyện Côn Đảo) và Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đầm (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) phát hiện N.M.Ph. (ngụ khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo) đang vận chuyển 17 cá thể khỉ đuôi dài, trong đó 10 con đã chết, 7 con còn sống.
Số cá thể khỉ đuôi dài được phát hiện, trong đó có 10 con đã chết
Thời điểm phát hiện, Ph. đang đưa các cá thể khỉ từ khu bìa rừng xuống biển chuẩn bị đưa vào đất liền tiêu thụ. Khi làm việc, Ph. không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc của 17 cá thể khỉ đuôi dài.
Theo lời khai ban đầu của Ph., đối tượng được một người tên Tiền (không rõ họ, tên lót, quê tỉnh Hậu Giang) là hàng xóm của Ph. thuê đưa số khỉ trên xuống bờ biển để thuê đò chở ra ghe đưa về đất liền.
Ph. khai rằng không biết đây là động vật nguy cấp quý hiếm cũng không rõ nguồn gốc ở đâu ra.
Lực lượng chức năng bắt giữ và lập biên bản vụ việc
Lực lượng chức năng kiểm đếm và ghi nhận 17 cá thể khỉ có trọng lượng 33,5 kg. hiện trạm kiểm lâm Bến Đầm lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý đối tượng và tang vật theo quy định của pháp luật.
Theo Vườn Quốc gia Côn Đảo, căn cứ danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm, hiện có 5 loài khỉ bản địa ở Việt Nam gồm khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn. Đây là các loài thuộc Bộ Khỉ Hầu thuộc Nhóm IIB, nhóm động vật nguy cấp quý hiếm và đang được bảo vệ.
Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo khuyến cáo hành vi buôn bán động vật hoang dã là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này cần phải được xử lý triệt để. Cá nhân, tổ chức phát hiện đối tượng nào có hành vi này, thì cần tố giác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.
Tin, ảnh: Ngọc Giang
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/17-ca-the-khi-duoi-dai-o-con-dao-bi-bat-hon-mot-nua-bi-giet-hai-196240930204505028.htm