Công ty Cổ phần 1Office chậm đóng 398 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp tháng 4/2025.
Công ty Cổ phần 1Office cũng được nhắc tên trong danh sách này. Cụ thể, 1Office chậm đóng 398 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác, thời gian chậm đóng là 2 tháng.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần 1Office được thành lập vào tháng 8/2015. Hiện ông Lê Việt Thắng là Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật, bên cạnh đó, người cũng là Co-Founder 1Office. Ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị này là tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính.
Trên website của 1Office, sau 10 năm thành lập, doanh nghiệp đã trở thành một kỳ lân công nghệ, cung cấp giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Ở thời điểm năm 2022, 1Office đã cung cấp giải pháp cho gần 450.000 người dùng từ 5.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và công ty lớn (Big Group). Mục tiêu của 1Office trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ phục vụ cho hơn một triệu người dùng với giá trị công ty là 500 triệu USD.
Đáng chú ý, tháng 8/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận 1Office là nền tảng chuyển đổi số quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Đến tháng 5/2023, 1Office huy động thành công hàng triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ nhà đầu tư Mynavi (doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về cung cấp dịch vụ nhân sự). Nền tảng của startup Việt được định giá tới hàng chục triệu USD.
Ông Lê Việt Thắng, Tổng giám đốc 1Office
Chia sẻ với báo chí vào năm 2024, ông Lê Việt Thắng, Tổng giám đốc 1Office cho biết, doanh thu của công ty đã đạt gần 100 tỷ đồng/năm. Theo đánh giá của doanh nghiệp, tại thị trường Việt, doanh thu của 1Office chỉ tăng đến khoảng 300 tỷ đồng/năm thì đà tăng trưởng bắt đầu đi ngang.
Ông Thắng dự tính khi doanh thu đạt 10 tỷ đồng/tháng thì sẽ chuyển giao cho người khác quản lý hoạt động kinh doanh trong nước, còn ông sẽ tập trung vào mảng thị trường nước ngoài.
“Chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội ở những thị trường gần mình trước, chẳng hạn như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Cứ vừa đi vừa nghe ngóng và mở đường thôi”, ông Thắng chia sẻ.
Tổng giám đốc 1Office cũng dự tính rằng, với thị trường trong nước, năm 2025 đạt doanh thu khoảng 5 - 6 triệu USD/năm, và năm 2030 đạt khoảng 20 triệu USD/năm, giữ vị trí số 1 Việt Nam về phần mềm quản trị doanh nghiệp.
Ở thị trường nước ngoài, năm 2025 sẽ có những đồng đô la đầu tiên, và đến 2030 phấn đấu doanh thu sẽ mang về Việt Nam khoảng 50 triệu USD/năm, có tên trong top 3 khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác không chỉ ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm của người lao động, mà người lao động còn không được giải quyết kịp thời các chế độ như thai sản, ốm đau…
Tại khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Đơn vị đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng
Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.
Thịnh Vượng