Người tham gia giao thông tại thành phố Hưng Yên chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu
Quy định xử phạt mới bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Ghi nhận của phóng viên trong sáng 2/1 - ngày đi làm trở lại sau nghỉ Tết Dương lịch tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh với đường Hải Thượng Lãn Ông (thành phố Hưng Yên), mặc dù lượng phương tiện qua nút giao lớn nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn tại nút giao. Người tham gia giao thông cơ bản chấp hành nghiêm hiệu lệnh đèn tín hiệu, không đi ngược chiều... Thượng úy Hoàng Văn Trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hưng Yên) cho biết: Đối với hành vi vượt đèn đỏ, bên cạnh việc bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng (đối với xe máy), người điều khiển phương tiện sẽ bị tước giấy phép lái xe và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe. Nếu vượt đèn đỏ 3 lần trong vòng 12 tháng, người điều khiển phương tiện phải tiến hành kiểm tra lại nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thi lại lý thuyết) để đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đa số người dân đồng tình ủng hộ việc tăng mức phạt vi phạm giao thông, bởi vi phạm giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Anh Nguyễn Minh Tuấn ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông là cần thiết. Đi trên đường thấy mọi người có ý thức chấp hành quy định giao thông hơn. Thực tế trước đó, việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông một cách nghiêm minh đã từng bước tạo thói quen “đã uống rượu, bia, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
Trung tá Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian đầu khi quy định mới có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm nhằm tạo ý thức tự giác chấp hành cho người tham gia giao thông. Phần lớn người dân chấp hành quy định, nhưng vẫn còn một số trường hợp cố tình vi phạm, trong đó tập trung ở các lỗi đi ngược chiều, điều phương tiện không đội mũ bảo hiểm hay không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Trong 2 ngày đầu áp dụng xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) theo Nghị định 168, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 1 tỷ đồng. Quá trình xử lý, phần lớn người vi phạm đều nhận thức được hành vi của mình là trái quy định và nắm được thông tin tăng mức xử phạt nhưng vẫn cố tình vi phạm với rất nhiều lý do biện minh. Lực lượng CSGT khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, trước hết là để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người khác, góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh.
Việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe, mà còn xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự, an toàn giao thông. Để các quy định tại Nghị định 168 thực sự phát huy hiệu quả, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông, bắt đầu từ trong gia đình và ở nhà trường bằng việc nêu gương và giáo dục trẻ em, học sinh xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông từ khi còn nhỏ. Lực lượng cảnh sát giao thông cần tập trung rà soát các tuyến đường phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm giao thông, nhất là những hành vi cố ý. Cần ưu tiên sử dụng hệ thống camera giám sát cố định, camera di động để ghi hình tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng môi trường, văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Phạm Đăng