3 người đàn ông ở Hưng Yên cấp cứu sau bữa sáng với lòng lợn, tiết canh

3 người đàn ông ở Hưng Yên cấp cứu sau bữa sáng với lòng lợn, tiết canh
6 giờ trướcBài gốc
Trong chùm ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở Hưng Yên vào ngày 6/7, đã có 2 người tử vong sau khi ăn phở lợn.
Ngoài ra, 3 trường hợp đã được đưa vào cấp cứu tại Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Các bệnh nhân đều ăn tiết canh lợn sáng 6/7 tại 3 quán ở Quỳnh Phụ, Hưng Yên, với nguồn lợn từ cùng một lò mổ.
Trường hợp thứ nhất (nam, 63 tuổi) nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Theo người nhà, sau khi ăn tiết canh, ông bị đau gối, mệt mỏi, tụt huyết áp, buồn nôn. Tình trạng xấu đi nhanh chóng với triệu chứng lơ mơ, yếu chân tay. Tại Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm dịch não tủy xác định bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Sau 36 giờ điều trị kháng sinh và hồi sức tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, rút được ống thở nhưng vẫn cần theo dõi.
Bệnh nhân đang được các bác sĩ khám. Ảnh: Nguyên Hà.
Trường hợp thứ hai (nam, 38 tuổi) khởi bệnh 3 ngày sau khi ăn tiết canh với triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội. Ban đầu nghĩ bị cúm thông thường, anh tự uống thuốc hạ sốt nhưng không cải thiện. Sau đó, nam bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Hiện anh còn di chứng nghe kém, mắt mờ.
Trường hợp thứ ba (nam, 43 tuổi) có triệu chứng nhẹ hơn, được điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai và xuất viện sau 3 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần theo dõi do nguy cơ di chứng.
Phó giáo sư Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai - cho biết, liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) lây qua đường tiêu hóa, chủ yếu từ tiết canh hoặc thịt lợn chưa nấu chín, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não, suy đa tạng, với tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Không có vắc-xin phòng bệnh, cách duy nhất để tránh nguy cơ là ngừng ăn tiết canh và thực phẩm sống.
Bác sĩ Hoàng Quốc Thái Bình cũng nhấn mạnh không phải ai cũng may mắn thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" như các bệnh nhân trên. Bác sĩ Bình khuyến cáo, thói quen xem tiết canh là “đặc sản” cần được xóa bỏ. Ngoài liên cầu khuẩn lợn, thực phẩm sống còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, nhiễm giun sán. Để bảo vệ sức khỏe, hãy nấu chín thực phẩm, đảm bảo nguồn gốc an toàn và vệ sinh trong chế biến. Một bữa ăn không an toàn có thể trở thành “bữa ăn cuối cùng”.
Phương Thúy
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/3-nguoi-dan-ong-o-hung-yen-cap-cuu-sau-bua-an-sang-voi-long-lon-tiet-canh-2422367.html