Từ một nước bước ra khỏi chiến tranh với rất nhiều khó khăn, Việt Nam (VN) đã vươn mình mạnh mẽ, viết nên hành trình đầy bản lĩnh trong thế kỷ 21. Không còn chỉ khát vọng hội nhập, VN hôm nay đã trở thành đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres vào tháng 9-2024. Ảnh: TTXVN
Đường lối đối ngoại của VN cũng không ngừng chuyển mình, từ tuyên bố “muốn làm bạn” đến khẳng định “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy” với các nước trên thế giới. Những điều này minh chứng rõ nét cho sự chuyển biến về “thế” và “lực” của đất nước trong tương quan khu vực và toàn cầu.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận góc nhìn của các nhà ngoại giao và chuyên gia quốc tế, khi cùng nhìn lại hành trình trưởng thành đáng tự hào của ngoại giao VN trong nửa thế kỷ qua.
Ngài ROGELIO POLANCO FUENTES, Đại sứ Cuba tại VN:
Ngoại giao Việt Nam “hợp lý, hợp tình”
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những cuộc xung đột nghiêm trọng, tranh chấp thương mại và những thách thức to lớn đe dọa đến sự tồn tại của nhân loại, chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển của VN ngày càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và dành nhiều thiện cảm.
Số lượng lớn các quốc gia mà VN thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng vai trò chủ động, tích cực và mang tính xây dựng tại các diễn đàn và tổ chức đa phương, là minh chứng rõ ràng cho cách thức VN thúc đẩy lợi ích quốc gia phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và khát vọng chung của nhân loại.
Chúng tôi tin tưởng rằng VN sẽ đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra. Niềm tin này được xây dựng trên nền tảng những kết quả thành công từ quá trình đổi mới suốt bốn thập niên qua, cùng với sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân VN trong việc triển khai tái cấu trúc hệ thống chính trị, đồng thời thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như những yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù trong bối cảnh quốc tế đầy bất định và phức tạp, VN đã chứng tỏ được năng lực đối mặt với các thách thức toàn cầu, bảo vệ chủ quyền, độc lập và quyền tự quyết của mình, đồng thời tiếp tục con đường phát triển mạnh mẽ theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong kỷ nguyên mới, khi dân tộc VN vươn mình mạnh mẽ trên con đường phát triển, VN luôn có thể vững tin vào tình đoàn kết và sự ủng hộ thủy chung từ những người đồng chí, những anh chị em và những người bạn Cuba nghĩa tình.
Ông VIPRA PANDEY, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM:
Hình ảnh mới của Việt Nam: Kiên cường và năng động
Hình ảnh của VN đối với Ấn Độ đã thay đổi sâu sắc trong 50 năm qua, trở thành một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và là đối tác chiến lược đầy tiềm năng hợp tác. Sự chuyển biến này phản ánh sự gắn kết ngày càng sâu rộng về mặt ngoại giao, kinh tế và văn hóa giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1972, đồng thời gắn liền với những thay đổi lớn trong bối cảnh địa chính trị và xã hội toàn cầu.
Ấn Độ đã bắt đầu cảm thấy thu hút chú ý khi VN mở cửa nền kinh tế và hội nhập vào thị trường quốc tế, đặc biệt sau khi tiến hành cải cách kinh tế vào năm 1991. Việc quan hệ hai nước được nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Hà Nội năm 2016 đã nhấn mạnh vai trò then chốt của VN trong chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hợp tác quốc phòng đã góp phần củng cố lòng tin lẫn nhau, cho thấy VN là một đối tác có năng lực trong lĩnh vực quốc phòng.
Ngày nay, VN được nhìn nhận tại Ấn Độ là biểu tượng của sự kiên cường, năng động về kinh tế và có tầm quan trọng chiến lược. Sự thay đổi này không chỉ phản ánh hành trình chuyển mình của VN, mà còn thể hiện tầm nhìn toàn cầu ngày càng sâu rộng của Ấn Độ trong suốt nửa thế kỷ qua.
Việt Nam bước ra thế giới với sự thận trọng nhưng không hề sợ hãi; không quên quá khứ và cũng không để nó níu chân tương lai.
Ông AGUSTAVIANO SOFJAN, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM:
Đối tác đáng tin cậy trong mắt bạn bè quốc tế
Trong cuộc gặp cấp cao tại Jakarta ngày 11-3, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto nhấn mạnh rằng VN tiếp tục là một đối tác quan trọng đối với Indonesia và Tổng Bí thư Tô Lâm cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
VN hiện là một đối tác kinh tế đang phát triển với nhiều tiềm năng đầu tư đáng chú ý, bao gồm công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, an ninh lương thực, kinh tế số, chất bán dẫn, sản xuất phục vụ xuất khẩu và hạ tầng. Đây đều là những lĩnh vực mà cả hai quốc gia cùng hướng tới. Trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng Indonesia và VN sẽ tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn nữa nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, đặc biệt trong việc củng cố hợp tác kinh tế ở các lĩnh vực chiến lược và ưu tiên, cũng như tăng cường giao lưu, hợp tác xã hội và văn hóa giữa nhân dân hai nước.
Chúng tôi cũng rất vui mừng trước những hợp tác hiệu quả giữa Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM và các cơ quan hữu quan của VN trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn về tương lai, tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác tích cực giữa hai quốc gia chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ông KHAMHOUNG KOU CHANTHAVONG, Ban Đối ngoại Trung ương đảng Nhân dân Cách mạng Lào:
Niềm tự hào đang lan tỏa khắp đất nước Việt Nam
Không khí hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang rất sôi nổi và tràn đầy tự hào trên khắp VN. Đặc biệt tại TP.HCM, nơi sẽ diễn ra lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia, không khí càng trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Tôi hình dung được sự háo hức, chờ đợi của người dân TP khi chứng kiến những đoàn diễu binh hùng tráng, gợi nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc VN. Cùng với đó là niềm vui, sự xúc động khi cả nước cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, trân trọng những hy sinh của thế hệ cha anh để có được non sông thống nhất, hòa bình và phát triển như ngày hôm nay.
Trên phạm vi cả nước, tôi cảm nhận được sự lan tỏa của tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau, từ các buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử, triển lãm, chiếu phim tư liệu đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tất cả đều hướng về một mục tiêu chung là ôn lại truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ và khẳng định ý chí vươn lên của dân tộc VN. Đây thực sự là những ngày có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để mỗi người dân VN thêm yêu quý, tự hào về lịch sử vẻ vang, về đất nước anh hùng, dũng cảm của mình. Tôi tin rằng những hoạt động kỷ niệm trang trọng và ý nghĩa này sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tạo thêm động lực để VN tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.
Tôi kỳ vọng mối quan hệ đặc biệt và tin cậy giữa hai Đảng và hai Nhà nước sẽ ngày càng được củng cố và phát triển lên một tầm cao mới. Sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế, sự phối hợp nhịp nhàng trong các diễn đàn đa phương sẽ giúp nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế. Tôi mong muốn các cơ chế hợp tác hiện có sẽ tiếp tục được phát huy hiệu quả, đồng thời có thêm những sáng kiến mới để giải quyết các thách thức chung và tận dụng những cơ hội mới. ĐẠI THẮNG
GS PIERRE ASSELIN, ĐH San Diego State (Mỹ):
Vượt qua nỗi đau chiến tranh, mở lòng với bạn bè quốc tế
Tôi thực sự khâm phục những gì VN đã làm được. Chiến tranh, dĩ nhiên để lại những vết thương không dễ gì xóa nhòa. Nhưng kể từ năm 1975, VN đã chứng minh một điều phi thường: Mong muốn khép lại quá khứ, vượt qua nỗi đau chiến tranh để nối lại những sợi dây tưởng chừng đã đứt. Việc từng bước hàn gắn, nâng cao tầm vóc quan hệ với rất nhiều quốc gia không chỉ là một thành tựu ngoại giao mà còn là biểu hiện của tinh thần khoan dung, bản lĩnh và khát vọng vươn ra thế giới. Người Việt có quyền tự hào về điều đó.
Tôi đặc biệt ấn tượng với khái niệm “ngoại giao cây tre” - mềm mại nhưng không yếu đuối, linh hoạt nhưng không đánh mất bản sắc. Đó là một nghệ thuật ứng xử, nơi người ta biết khi nào cần khiêm nhường để bảo vệ điều lớn hơn và khi nào cần vững chãi để gìn giữ điều không thể đánh đổi. Không chỉ là một đường lối, đó còn là thông điệp của một dân tộc từng chịu nhiều đau thương nhưng vẫn chọn cách bước đi giữa thế giới với một tâm thế “mở cửa”.
Lẽ ra, sau những năm dài chiến tranh, VN có thể chọn cách khép mình, giữ một khoảng cách an toàn với thế giới. Nhưng không, đất nước này đã chọn mở lòng. VN bước ra với sự thận trọng nhưng không hề sợ hãi; không quên quá khứ nhưng cũng không để quá khứ níu chân tương lai. Sự tỉnh táo, linh hoạt và tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên mọi ý thức hệ trong chính sách đối ngoại chính là nét khác biệt làm nên diện mạo VN hôm nay. Đó không chỉ là điều tích cực cho đất nước này, mà còn là một đóng góp lớn cho sự ổn định và hợp tác của cả khu vực.
GS CARLYLE THAYER, ĐH New South Wales (Úc):
Nghị quyết 13 - nền tảng của ngoại giao Việt Nam hiện đại
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào tháng 12-1986, khi chính sách Đổi mới được thông qua, VN đã định hướng lại chính sách đối ngoại theo hướng nhấn mạnh hơn vào ngoại giao thực tiễn và mở cửa với thế giới. Tháng 5-1988, VN ban hành Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị “về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”. Nghị quyết này đặt ưu tiên vào phát triển kinh tế và lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “lợi ích dân tộc”. Trọng tâm mới của VN là “giữ vững hòa bình, tận dụng điều kiện thuận lợi của thế giới” nhằm ổn định tình hình trong nước và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế trong 10-15 năm tiếp theo.
VN theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa với mục tiêu “thêm bạn, bớt thù”. VN bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991 và với Mỹ vào năm 1995. Cùng năm 1995, VN gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiếp đó là APEC vào năm 1998 và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
VN cũng đẩy mạnh đàm phán thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước có quan hệ truyền thống như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Theo thời gian, VN xây dựng được hệ thống quan hệ đối tác ba tầng gồm: 14 đối tác toàn diện ở cấp cơ sở, 8 đối tác chiến lược ở cấp trung và 12 đối tác chiến lược toàn diện ở cấp cao nhất, tổng cộng là 34 đối tác. VN cũng đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), với 2 FTA đang chờ hoàn tất.
Việc mở rộng quan hệ chính trị - ngoại giao giúp VN ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế. VN hai lần được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021.•
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31-12-2024 ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Ảnh: VGP
Vương quốc Anh tiếp sức TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế
Báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Alexandra Smith (ảnh) về góc nhìn và kinh nghiệm từ Vương quốc Anh - nơi có Trung tâm tài chính quốc tế London đứng tốp đầu thế giới - trong việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Những gợi mở từ Vương quốc Anh
. Phóng viên: Theo bà, TP.HCM có thế mạnh gì và cần ưu tiên điều gì để tạo ra bản sắc riêng và sức cạnh tranh trên bản đồ tài chính khu vực?
+ Tổng lãnh sự Anh Alexandra Smith: Việt Nam (VN) là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, còn TP.HCM là trung tâm của sự phát triển kinh tế đó và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
TP.HCM có nguồn nhân lực tuyệt vời, với dân số trẻ, năng động, sẵn sàng tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp, có xu hướng hội nhập quốc tế. Ngoài ra, vị trí địa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong thương mại. VN có bờ biển dài, nhiều cảng biển gần TP.HCM và có sân bay sắp đưa vào khai thác, sẽ giúp TP kết nối tốt hơn với khu vực Đông Nam Á.
Tôi cũng khuyến khích TP.HCM nói riêng và VN nói chung tiếp tục tận dụng quan hệ thương mại với Anh, đặc biệt thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại quốc tế dựa trên luật lệ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp giao dịch xuyên biên giới.
. Bà có gợi ý gì để TP.HCM thu hút dòng vốn quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để từng bước trở thành một trung tâm tài chính quốc tế?
+ Khi nói đến trung tâm tài chính quốc tế thì điều quan trọng là trung tâm tài chính quốc tế được thiết kế như thế nào. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và quy định phù hợp với kỳ vọng và tiêu chuẩn toàn cầu sẽ giúp thương mại xuyên biên giới trở nên dễ dàng. Đây sẽ là một yếu tố then chốt khi doanh nghiệp quyết định mức độ tham gia vào thị trường VN.
Một yếu tố quan trọng khác là các hiệp định thương mại giữa Anh và VN, gần đây nhất là CPTPP. Hiệp định này đưa VN, Anh cùng với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore và Malaysia vào một nhóm đối tác rất quan trọng về thương mại, giúp việc kinh doanh xuyên biên giới dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn đa quốc gia trước đây chưa có mặt tại VN, giờ đây có thể sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường này hơn.
Động lực từ hợp tác Việt - Anh
. Trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, VN, mà cụ thể là TP.HCM, rất cần những sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm như Anh. Tinh thần từ phía Anh ra sao, thưa bà?
+ Anh rất vinh dự được hỗ trợ VN trên chặng đường xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Việc chia sẻ kinh nghiệm với VN là một điều vinh hạnh và chúng tôi đang thực hiện điều này bằng nhiều cách.
Trước tiên là thông qua The CityUK - tổ chức đại diện cho ngành dịch vụ tài chính của Anh bao gồm các doanh nghiệp, chuyên gia từ các lĩnh vực tài chính, chia sẻ kiến thức chuyên môn với phía VN.
Chúng tôi cũng đã đón các đại diện của Chính phủ VN đến London để trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm. Trong năm nay chúng tôi rất mong được đón đại diện Bộ Tài chính VN đến London. Ngoài ra, tại TP.HCM, chúng tôi và các doanh nghiệp Anh hoạt động lâu năm ở đây cũng đang hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo chính quyền để chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
. VN và Anh sẽ hợp tác ra sao trong đào tạo nguồn nhân lực - vốn được coi là “chìa khóa” để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?
+ Anh và VN có mối quan hệ lâu dài trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ ở giáo dục ĐH và đào tạo kỹ năng, mà còn ngay từ giai đoạn đầu của hành trình giáo dục, từ mầm non đến việc dạy tiếng Anh.
Đào tạo tiếng Anh sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trung tâm tài chính quốc tế, vì ngôn ngữ chính thức ở đó sẽ là tiếng Anh. Do đó, các tổ chức giáo dục Anh như British Council, Pearson đang hỗ trợ đào tạo tiếng Anh tại VN.
Bên cạnh đó, đào tạo về kỹ năng cũng là lĩnh vực mà Anh có thể hỗ trợ VN rất hiệu quả. Anh có các tổ chức, định chế được công nhận, đảm nhiệm việc thiết lập các tiêu chuẩn và hỗ trợ triển khai các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt liên quan đến dịch vụ tài chính như kế toán.
Tại VN, các tổ chức của Anh như Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) là những đơn vị đang đào tạo kỹ năng về lĩnh vực này. Một khía cạnh hợp tác nữa là chương trình liên kết giáo dục. Hầu như mỗi tuần tôi đều có dịp thăm các trường ĐH tại TP.HCM cũng như các tỉnh khác và chứng kiến sự hợp tác giữa ĐH Anh và VN, đưa giáo dục Anh đến gần hơn với sinh viên VN. Như vậy, đây là một mối quan hệ hợp tác lâu đời và sẽ trở nên cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
. Xin cảm ơn bà.
ĐỨC HIỀN
DƯƠNG KHANG - THẢO VY