6 đại kị cần nhớ khi đi tạ mộ cuối năm và những hình thức tạ mộ

6 đại kị cần nhớ khi đi tạ mộ cuối năm và những hình thức tạ mộ
15 giờ trướcBài gốc
Ý nghĩ tạ mộ cuối năm
Tạ mộ cuối năm là nghi lễ cổ truyền được lưu truyền bao đời nay trong các gia đình Việt. Do đó, mỗi dịp cuối năm vào ngày tốt là các nghĩa trang nhộn nhịp vì nhiều người dân đổ về làm lễ tạ mộ cuối năm.
Theo người xưa, âm phần vốn là nơi an nghỉ của tổ tiên - là những người đã khuất. Vì thế, việc tạ mộ là cách thể hiện cho lòng thành kính hướng tới gia tiên, cầu mong con cháu được "âm siêu dương thái".
Theo dân gian, mộ phần có các vị tôn thần quản lý. Vì vậy, nghi thức tạ mộ được coi như bày tỏ lòng cảm tạ thần linh đã hộ trì cho âm phần được mồ yên mả đẹp, che chở cho các hương linh gia tộc được an ổn. Nhưng rất nhiều người nhầm lẫn về lễ tạ mộ cuối năm. Vậy thì, lễ tạ mộ có gì khác so với lễ tảo mộ.
Lễ tảo mộ thời điểm khác với lễ tạ mộ
Theo Chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương, có thể phân biệt 2 lễ này dễ dàng thời điểm như sau:
Lễ tảo mộ (khác lễ tạ mộ) vì thường vào đầu năm - khoảng từ ngày mùng 3 tháng Ba (Âm lịch), hay tiết Thanh minh. Dịp này, các gia đình cử người tới nghĩa trang, mộ phần để dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới và thắp nén tâm nhang hướng tới gia tiên, người thân đã khuất.
Lễ tạ mộ
Lễ tạ mộ thường vào thời gian cuối tháng Chạp âm lịch (nhất là từ sau dịp cúng Ông Công, Ông Táo) hay thời điểm cận kề đón tết Nguyên đán. Vào dịp này, các gia đình người Việt sẽ chuẩn bị lễ phẩm, đồ cúng, dâng hương tại nhà cũng như thăm viếng âm phần, duy tu mộ táng, thỉnh cầu gia tiên tiền tổ về đón năm mới.
Cả hai nghi thức tảo mộ (đầu năm) và tạ mộ (cuối năm) đều nhằm bày tỏ lòng thành kính của gia chủ và các con cháu thế hệ sau. Song, mục đích, ý nghĩa, cũng như mốc thời gian, nghi thức, văn khấn có khác.
Còn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán và mùa tạ mộ cuối năm đã tới. Ngày nay giao thông phát triển nên từ thời điểm này nhiều người đi làm ăn xa đã lên lịch tính ngày về quê tạ mộ cùng gia đình, dòng họ, thực hiện việc tạ mộ thần linh, gia tiên đã phù hộ, độ trì cho con cháu được khỏe mạnh, bình an, làm ăn may mắn, sai tài, đắc lộc... suốt năm qua.
Tạ mộ cuối năm nếu có điều kiện cần sửa sang mộ phần cho quang quẻ, mới mẻ. Ảnh internet
Có mấy hình thức tạ mộ và làm sao cho đúng?
Theo Chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương, xét về tục lệ truyền thống, người Việt có nhiều lễ cúng tạ mộ như sau:
- Lễ tạ mộ cuối năm;
- Lễ tạ mộ đầu năm (lễ tảo mộ Thanh minh);
- Lễ tạ mộ khánh thành mới xây xong;
- Lễ tạ mộ kết phát;
- Lễ tạ mộ tam đại (hay lễ tạ, cúng tổ tiên 3 đời);
- Lễ, văn khấn tạ mộ 3 ngày;
- Lễ tạ mộ ngày giỗ;
- Lễ tạ mộ cúng rằm tháng Bảy âm lịch;
- Lễ tạ mộ của dòng họ, tộc.
Tùy theo phong tục vùng miền mà lễ tạ mộ cuối năm được tiến hành ở quy mô gia đình, hoặc theo chi họ.
Đầu tiên gia chủ cần chọn ngày giờ phù hợp để tiến hành đi tạ mộ tại nghĩa trang.
Tiếp đó dâng hương kính cáo nơi ban thờ gia tiên tại nhà, rồi bắt đầu di chuyển tới nghĩa trang, mộ phần gia tiên.
Khi đã đến nghĩa trang, mộ phần gia tiên, trường hợp có miếu thần linh hay sơn thần, thổ địa thì cần dâng hương và đồ lễ tại đây - nhằm thể hiện lòng thành kính của gia chủ hướng tới chư vị thần linh cai quản cả khu vực, xin phép tiến hành tạ mộ.
Sau khi đã sắp lễ, dâng hương rồi mới xin phép sửa sang, quét dọn, chỉnh trang nơi phần mộ của gia đình. Cần chú ý trong quá trình thực hiện tránh để vương vãi vật liệu, hay giẫm đạp lên mộ phần xung quanh.
Tiếp đó, tiến hành cúng khấn nguyện, mời chân linh tổ tiên nội, ngoại về đón Tết Nguyên đán cùng gia đình (nhiều người quê xa phải đi tạ mộ sớm, nhân dịp này mời gia tiên tới 30 Tết con cháu thỉnh về cùng vui Tết).
Khi thắp hương cho gia tiên nhà mình, hãy thắp hương những ngôi mộ "hàng xóm" xung quanh - thể hiện lòng thành kính với bề trên và các vong linh.
Tạ mộ cuối năm nếu có điều kiện nên sửa sang mộ phần cho quang quẻ, mới mẻ. Do đó, tạ mộ cuối năm từ xa xưa đã trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp, tỏ lòng tôn kính, hiếu thuận, đạo lý uống nước nhớ nguồn với tổ tiên.
Tạ mộ cuối năm là phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt. Ảnh internet.
6 đại kị cần biết khi đi tạ mộ cuối năm
Để lễ tạ mộ cuối năm thuận cả về tâm linh và phong thủy, các gia chủ cần lưu ý vài điểm liên quan như sau:
1. Lễ hay nghi thức tâm linh nằm ở lòng thành. Vì vậy, với nghi thức tạ mộ tránh phô trương, hay tổ chức linh đình, nhất là không đốt quá nhiều vàng mã.
2. Tùy điều kiện, thời tiết thuận lợi và sức khỏe mà gia chủ chọn thời điểm tiến hành lễ tạ thuận tiện nhất.
3. Tránh đi tạ mộ quá sớm, hay quá muộn trong ngày - bởi cuối năm âm thịnh thường lạnh giá, không có lợi cho sức khỏe.
4. Không nên tùy tiện ngồi lên bia mộ, hay giẫm đạp, vứt bừa rác, vật liệu xây dựng vào mộ phần xung quanh.
5. Tuyệt đối tránh các hành xử bất kính, ồn ào nơi nghĩa trang.
6. Mộ phần nếu là bé đỏ, trẻ nhỏ chỉ nên thắp hương, không nên bày nhiều bánh kẹo, đồ chơi… Muốn cúng riêng thì về nhà làm lễ.
Ngọc Hà
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/6-dai-ki-can-nho-khi-di-ta-mo-cuoi-nam-va-nhung-hinh-thuc-ta-mo-172241220185127851.htm