Súp lơ chứa Flavonoid giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày hiệu quả. Ảnh: Shutterstock.
Theo bác sĩ Vũ Thị Lệ, Viện Điều trị cán bộ cao cấp Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, loét dạ dày tá tràng là các vết loét hình thành trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Tình trạng này thường do vi khuẩn helicobacter pylori hoặc việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) lâu dài.
Để giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị loét dạ dày bằng các phương pháp tự nhiên, dưới đây là các loại thực phẩm người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Chất chống oxy hóa từ thực vật - Flavonoid
Flavonoid (hay bioflavonoid) là những hợp chất tự nhiên có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn H.pylori. Flavonoid không chỉ giảm tình trạng viêm mà còn bảo vệ tế bào niêm mạc khỏi tổn thương
Nguồn thực phẩm chứa flavonoid: Táo, việt quất, súp lơ, bông cải xanh, đậu hà lan, trà xanh. Cách tốt nhất để đảm bảo hấp thụ đủ lượng flavonoid là bổ sung nhiều trái cây tươi và rau quả vào thực đơn hàng ngày.
Probiotics
Probiotics là những vi khuẩn có lợi giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. Nghiên cứu cho thấy probiotics có thể giúp loại bỏ vi khuẩn H.pylori và tăng cường hiệu quả của các liệu pháp điều trị loét, cân bằng hệ vi sinh trong dạ dày và giảm tình trạng viêm.
Nguồn thực phẩm chứa probiotics phổ biến là sữa chua, dưa cải muối, kim chi.
Mật ong
Mật ong là một nguyên liệu tự nhiên có tính kháng khuẩn cao, có thể giúp chống lại H.pylori và hỗ trợ lành vết loét nhờ enzym và đặc tính kháng viêm.
Cách sử dụng: Dùng 2 thìa cà phê mật ong nguyên chất hòa cùng 200 ml nước ấm, uống vào buổi sáng sớm hoặc tối trước khi đi ngủ. Nên kiên trì thực hiện hàng ngày.
Tỏi
Hợp chất allicin trong tỏi có khả năng kháng khuẩn và ức chế vi khuẩn H.pylori, giảm nguy cơ loét dạ dày. Ăn tỏi sống hoặc bổ sung tỏi trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ loét dạ dày.
Cách sử dụng:
Chuẩn bị 2-3 tép tỏi tươi đem bóc vỏ và đập dập, cho vào hũ thủy tinh.
Đổ 100 ml mật ong nguyên chất cho ngập hỗn hợp
Đậy kín nắp và đặt nơi khô ráo thoáng mát khoảng 3 tuần
Sáng và tối pha 1 thìa mật ong tỏi cùng nước ấm hoặc xúc 2-3 tép tỏi ngâm mật ong nhai và nuốt.
Cam thảo
Cam thảo, đặc biệt là dạng cam thảo khử glycyrrhizin (DGL) là một liệu pháp tự nhiên phổ biến trong việc điều trị loét dạ dày. Nó giúp tăng cường sản xuất chất nhầy dạ dày, tạo ra một lớp bảo vệ tự nhiên cho niêm mạc.
Nghiên cứu cho thấy cam thảo DGL có thể giúp làm giảm kích thước vết loét và bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi axit dạ dày. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng, bởi dùng nhiều cam thảo DGL có thể gây tăng huyết áp.
Cách sử dụng:
Chuẩn bị 3-5 gram cam thảo khô đem rửa sạch hết bụi bẩn.
Cho cam thảo vào nồi, đổ thêm 500 ml nước đun sôi.
Khi nước sôi vặn lửa nhỏ liu riu đun thêm khoảng 10 phút để các hoạt chất tiết ra.
Vớt xác cam thảo ra, chắt lấy nước cốt chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Gừng
Gừng là một loại gia vị quen thuộc có đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Loại thực phẩm có tác dụng làm giảm lượng axit dạ dày và bảo vệ dạ dày khỏi sự tấn công của các yếu tố gây loét. Lưu ý là gừng có thể không phù hợp với người bị nhiệt hoặc loét dạ dày nặng, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Cách sử dụng:
Gừng tươi đem rửa sạch, cạo hết vỏ và thái lát mỏng.
Giã hoặc ép gừng lấy nước cốt.
Lấy 2 thìa cà phê nước cốt gừng pha cùng 200 ml nước nóng, thêm vài hạt muối.
Uống vào mỗi sáng trước khi ăn. Kiên trì sử dụng hàng ngày để thấy triệu chứng bệnh cải thiện.
Kỳ Duyên