Sốt mò

Sốt mò
4 giờ trướcBài gốc
Minh họa/INT
Tuy chỉ là một bệnh, nhưng sốt mò lại có nhiều tên “mụ” và “biệt danh” khá thú vị như sốt triền sông Nhật Bản, sốt bụi bờ, sốt bụi rậm và… “ngầu hơn” nữa là… sốt phát ban rừng!
Điều may mắn là sốt mò không quá nguy hiểm và cũng không lây lan quá nhanh dù bệnh có khả năng bùng nổ thành vụ dịch khi có nhiều người trong cùng một cụm dân cư đồng thời mắc bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn và miền núi, hiếm gặp ở thành thị.
Ổ dịch trong… thiên nhiên
Bệnh sốt mò (Febris Orientalis/ Scrub Typhus) có ổ dịch nằm trong thiên nhiên, ấu trùng bọ ve mò là vật chủ trung gian truyền bệnh. Nguồn bệnh là các động vật hoang dã như chuột, thỏ, chồn, sóc, cầy cáo, lợn rừng…
Sau khi hút máu từ những con vật mắc bệnh, bọ ve mò nhiễm bệnh và “thoát ly” vào môi trường tự nhiên từ đó xâm nhập vào cơ thể con người và “đốt”. Qua vết thương do bọ ve mò tạo ra, vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây bệnh.
Điều đáng ngại là những ấu trùng mò nhiễm bệnh và phát triển thành mò trưởng thành mang mầm bệnh và có thể chuyển giao mầm bệnh đó qua trứng cho ấu trùng mò đến thế hệ thứ 3. Như vậy, ban đầu ấu trùng mò là vật trung gian, nhưng về sau lại trở thành vật chủ gây bệnh.
Vi khuẩn gây bệnh sốt mò thuộc họ Rickettsia và có tên Orientalis Tsutsugamushi. Do đó, bệnh sốt mò còn có tên gọi “đậm chất xứ sở hoa anh đào” là bệnh Tsutsugamushi. Về mặt lịch sử, bệnh sốt mò được phát hiện lần đầu tiên ở một triền sông của Nhật Bản, nên được đặt tên là sốt triền sông Nhật Bản. Về sau bệnh được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới và có những nơi tùy vào đặc điểm mà gọi theo cách riêng. Vì vậy, bệnh sốt mò mới có nhiều tên gọi như vậy.
Môi trường thuận lợi để gia đình họ mò định cư phát triển và ve mò sinh sôi nảy nở gây bệnh là các bụi cây, thảm cỏ ở triền sông, bờ suối, bìa rừng, nương rẫy. Nói chung là ở những nơi có nhiều bóng râm và đất ẩm.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, do tính chất công việc và cường độ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nên đối tượng mắc bệnh chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động. Bệnh sốt mò có thể gặp rải rác quanh năm, ở nước ta bệnh tập trung cao vào mùa có nhiều mưa và nắng đan xen, thường từ tháng 4 - 5 đến tháng 9 - 10, ở nhiều địa phương bệnh cao điểm ở tháng 6 và 7.
Mệt mỏi, khó chịu
Minh họa/INT
Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể có thời gian ủ bệnh dao động từ 6 - 21 ngày, trung bình là 8 - 12 ngày. Sau thời gian ủ bệnh, các biểu hiện của bệnh bắt đầu xuất hiện một cách rõ rệt và rầm rộ hơn.
Thực ra, trong vòng 24 giờ đầu tính từ khi mò “đốt”, nốt phồng nước rất “tế nhị” xuất hiện trên da tại vị trí bị đốt, nhưng khổ chủ vẫn không hay biết gì vì không đau, không ngứa và không rát. Về sau, nốt phồng âm thầm chuyển thành vết loét. Bước sang thời kỳ toàn phát, người bệnh có các biểu hiện thường thấy như sau:
- Sốt: Thường sốt nhẹ 1 - 2 ngày đầu. Rồi sốt cao liên tục. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sốt cao 39 - 40oC ngay từ đầu, nhiều trường hợp bị rét run giống như người mắc bệnh sốt rét. Sốt diễn ra từng cơn và có thể kéo dài từ 15 - 20 ngày.
- Mệt mỏi, khó chịu, nhức đầu, hoa mắt, nhức 2 hốc mắt, chóng mặt, ù tai, thậm chí đi lại không vững, lảo đảo.
- Đau nhức các cơ, vã mồ hôi, thờ thẫn, đờ đẫn, u ám và li bì trong các trường hợp bệnh nặng.
- Hạch to: Do viêm hạch khu vực nguyên phát và viêm hạch toàn thân thứ phát.
- Ban da: Xuất hiện từ cuối tuần thứ nhất, dạng dát sẩn. Kích thước thay đổi từ bằng hạt kê đến khoảng 1cm. Ban chỉ xuất hiện ở lưng ngực bụng, không có ở lòng bàn tay và bàn chân. Có khoảng 10% là ban xuất huyết. Ban da tồn tại từ vài giờ đến cả tuần.
- Vết loét: Là dấu chỉ điểm điển hình của bệnh. Vết loét dạng hình tròn hoặc bầu dục, đường kính dao động từ 1mm đến 2cm. Vết loét có thể gặp ở bất cứ nơi nào trên cơ thể.
Vì thế, khi nó xuất hiện tại các vị trí “hiểm” như nách, bẹn, háng, bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc tại các vị trí không ai ngờ tới như rốn, vành tai, mi mắt thường rất dễ bị bỏ sót. Điểm đặc biệt của vết loét là không rỉ dịch, không đau, không ngứa và không rát nên người bệnh gần như không biết gì về sự tồn tại của vết loét.
Nếu vết loét còn vảy thì vảy có màu đen, cứng phủ trên nốt sần có gờ cứng. Nếu vảy đã bong thì để lại vệt lõm, màu đỏ và khô. Sau khoảng 3 tuần, vết loét tự liền và da trở lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ngoài ra, người mắc bệnh sốt mò còn có các dấu hiệu ít gặp khác về tuần hoàn như viêm cơ tim, chảy máu cam, xuất huyết dưới da; về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, ho ra máu; về tiêu hóa như đau thượng vị, tiêu chảy, táo bón, xuất huyết tiêu hóa; về mắt như xung huyết kết mạc mắt...
Vì bệnh do vi khuẩn gây ra, nên dùng kháng sinh để diệt khuẩn. Các loại kháng sinh đặc trị thường được sử dụng là Tetracycline, Doxycycline và Chlorocide. Người bệnh cần tuân theo sự chỉ định về liều lượng thuốc và thời gian sử dụng thuốc của bác sĩ kê đơn. Nói chung, thuốc kháng sinh được sử dụng cho đến khi hết sốt 2 - 3 ngày.
Ngoài kháng sinh còn có một số loại thuốc và dịch truyền hỗ trợ khác nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng trong khi chờ hết bệnh qua việc sử dụng kháng sinh giải quyết nguyên nhân gây bệnh.
Phòng bệnh qua việc vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt mò, bẫy chuột. Tránh tiếp xúc nhiều với các vị trí nghi có mò ở đó, sử dụng tất tay và tất chân hoặc xịt thuốc chống côn trùng cắn đốt khi đi vào rừng, thăm rẫy...
Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/sot-mo-post711859.html