75% ca tử vong sớm có thể giảm nếu kiểm soát được bụi mịn

75% ca tử vong sớm có thể giảm nếu kiểm soát được bụi mịn
5 giờ trướcBài gốc
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 24-25/4 tại Hà Nội, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP tổ chức, với mục tiêu chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những bài học thành công trong kiểm soát ô nhiễm không khí, từ đó xây dựng các giải pháp thiết thực cho Việt Nam.
“Chất lượng không khí hôm nay thế nào?”
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị đông dân khác của Việt Nam đang phải đối mặt với một thực tế đáng báo động: bụi mịn PM2.5, loại hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập vào máu, đang vượt xa ngưỡng an toàn.
Phát biểu trong phiên khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết: “Tại Hà Nội, nồng độ PM2.5 thường xuyên vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thậm chí cao hơn nhiều lần so với khuyến nghị của WHO”. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, giao thông dày đặc và hoạt động công nghiệp nằm trong số những nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí liên tục duy trì ở mức “trung bình” và có chiều hướng “kém”.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại sự kiện.
Thực trạng này không chỉ thể hiện qua dữ liệu kỹ thuật, mà còn được phản ánh rõ rệt trong cảm nhận xã hội. Khảo sát PAPI do UNDP thực hiện cho thấy, tỷ lệ người dân đánh giá tích cực về chất lượng không khí tại Hà Nội đã giảm 7%, tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 3% trong vài năm trở lại đây.
Tại nhiều nơi, câu hỏi “Chất lượng không khí hôm nay thế nào?” đã trở thành một phần quen thuộc trong các cuộc trò chuyện thường nhật, một dấu hiệu cho thấy ô nhiễm không khí không còn là mối lo xa vời, mà đã hiện diện rõ trong đời sống hàng ngày.
Slide được các chuyên gia UNDP trình chiếu tại sự kiện.
Không chỉ vậy, dữ liệu từ Google Trends cũng cho thấy mối quan tâm của người dân Việt Nam về ô nhiễm không khí tăng vọt vào mùa đông thời điểm mà nghịch nhiệt, gió lặng và đốt rơm rạ ngoài trời khiến bụi mịn gia tăng đột biến. Ngày càng nhiều người đeo khẩu trang không phải vì dịch bệnh, mà để tự bảo vệ khỏi bầu không khí độc hại bao quanh.
“Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cảm nhận cá nhân và dữ liệu quan trắc đang giao thoa nhau - Cả hai cùng nói lên một điều: ô nhiễm không khí đang là vấn đề lớn cần giải quyết ngay”, bà Ramla Khalid, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.
Từ trái qua phải: Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành, bà Ramla Khalid, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam.
Những phát hiện và cảnh báo tại hội thảo một lần nữa khẳng định rằng: kiểm soát bụi mịn không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo đảm phát triển bền vững.
Nhấn mạnh thông điệp này, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, khẳng định: “Tôi tin sâu sắc rằng trong mọi thách thức luôn có cơ hội. Và trong trường hợp này, cơ hội là vô cùng lớn. Không khí sạch sẽ cải thiện sức khỏe, cứu sống sinh mạng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Bài toán 75% đặt ra cho Việt Nam
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng khẳng định: hành động khẩn cấp để kiểm soát bụi mịn không chỉ là lựa chọn môi trường mà là một chiến lược y tế và phát triển bền vững.
Chuyên gia của WHO, ông Sandro Di Maio, đưa ra con số gây tác động mạnh mẽ: “Nếu chất lượng không khí tại Việt Nam đạt ngưỡng PM2.5 theo khuyến nghị của WHO, tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm không khí có thể giảm tới 75%”. Đây chính là cơ hội cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm.
Chuyên gia của WHO, ông Sandro Di Maio phát biểu tại phiên thảo luận.
Tác động không đều của ô nhiễm không khí cũng được nhấn mạnh. “Những người ở hai thái cực của cuộc đời, trẻ nhỏ và người cao tuổi, là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Di Maio nói. “Chỉ cần một lượng nhỏ chất ô nhiễm cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch đang phát triển của trẻ, hoặc làm trầm trọng bệnh nền của người già”.
Ngoài tác động đến sức khỏe, ô nhiễm không khí còn gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng. WHO ước tính thiệt hại toàn cầu do ô nhiễm không khí lên tới 6.000 tỷ USD mỗi năm, bao gồm chi phí y tế, suy giảm năng suất lao động, thất thu nông nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch. “Ở cấp độ khu vực, châu Á-Thái Bình Dương có thể tiết kiệm tới 4,6 nghìn tỷ USD nếu hành động một cách quyết liệt”, ông Di Maio nhấn mạnh.
Tín hiệu tích cực là Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2030 để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Song, như bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chính sách là cần thiết, nhưng hành động quyết liệt, dựa trên bằng chứng khoa học và phối hợp đa ngành, mới thực sự tạo ra thay đổi”.
Bà kể lại thời gian sống tại Bắc Kinh, nơi từng có chỉ số PM2.5 lên đến 800-900 microgram/m3, nhưng đã giảm đáng kể nhờ các chính sách kiểm soát mạnh tay và giám sát dữ liệu theo thời gian thực. “Tôi đã thấy và cảm nhận rõ sự khác biệt khi một thành phố dám hành động và Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó”.
Mô hình Bắc Kinh: Từ bầu trời xám đến bức tranh đổi màu của quyết tâm
Câu chuyện của Bắc Kinh được nhắc đến tại hội thảo như một minh chứng cho điều tưởng chừng bất khả thi: kiểm soát ô nhiễm không khí là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm chính trị, công nghệ và chiến lược phù hợp.
Từng được biết đến như “thủ đô sương mù”, tuy nhiên, nhờ vào một loạt chính sách mạnh mẽ, bao gồm hạn chế cấp biển số, loại bỏ xe cũ, phát triển xe điện, giám sát khí thải trực tuyến, chất lượng không khí tại Bắc Kinh đã được cải thiện rõ rệt chỉ sau một thập kỷ.
Slide được trình chiếu tại sự kiện về mô hình Bắc Kinh kiểm soát ô nhiễm không khí tại nguồn.
Theo Phó Giáo sư Zhang Shaojun từ Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh đã kết nối hơn 180.000 xe tải nặng vào hệ thống giám sát khí thải thời gian thực, giúp giảm tới 43% lượng khí NO2 chỉ trong 3 năm (2017-2020). “Từ China 5 đến China 6 (các cấp độ trong hệ thống tiêu chuẩn khí thải của Trung Quốc), lượng phát thải từ phương tiện đã giảm đến 95% so với 20 năm trước, nhờ vào chính sách dựa trên dữ liệu thực tế và kiểm tra nghiêm ngặt”, ông cho biết. Bài học từ Bắc Kinh không chỉ là công nghệ, mà là sự nhất quán trong chính sách và cách tiếp cận quản trị hiện đại.
Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng quan trọng: chuyển từ nhận thức sang hành động. Để chuyển hóa cam kết thành kết quả thực chất, các chuyên gia từ UNDP và WHO nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tiếp cận vấn đề ô nhiễm không khí một cách toàn diện, liên ngành và bền vững.
Slide được trình chiếu tại sự kiện cho thấy người dân Việt Nam đang ngày càng quan tâm tới ô nhiễm không khí.
Điều này đòi hỏi không chỉ các giải pháp kỹ thuật, mà còn là sự củng cố khung chính sách, pháp lý và quy định đồng bộ để tạo nền tảng hành động vững chắc. Cùng với đó, việc tăng cường hệ thống giám sát, dự báo và cảnh báo sớm chất lượng không khí không chỉ để nắm bắt dữ liệu mà còn để minh bạch hóa thông tin tới người dân. Việc điều phối giữa các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan cũng cần được đẩy mạnh để tạo sự thống nhất trong triển khai các kế hoạch hành động.
Các tổ chức quốc tế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu chuyên sâu và các diễn đàn học thuật, nơi những bằng chứng khoa học mới sẽ làm rõ tác động của ô nhiễm không khí và gợi mở chính sách phù hợp với từng địa phương.
Trên hết, sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp là chìa khóa. Không thể có môi trường sạch nếu thiếu sự đồng hành của từng trường học, từng khu dân cư, từng nhà máy.
Không khí là sự sống, và chất lượng không khí chúng ta hít thở ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Bà Ramla Khalid, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam
HẢI YẾN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/75-ca-tu-vong-som-co-the-giam-neu-kiem-soat-duoc-bui-min-post874898.html