8 loại trà dưỡng nhan và cách sử dụng hiệu quả

8 loại trà dưỡng nhan và cách sử dụng hiệu quả
7 giờ trướcBài gốc
1. Trà có tác dụng dưỡng nhan như thế nào?
TS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt - Khoa Khám tư vấn Dinh dưỡng Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Trà thảo mộc là nguồn cung cấp dồi dào các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể.
Những hoạt chất này không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, thải độc gan mà còn góp phần ngăn ngừa quá trình lão hóa da, làm sáng da, ngừa mụn và làm chậm sự hình thành nếp nhăn.
Ngoài ra, uống trà cũng là một hình thức thư giãn tinh thần hiệu quả, giảm stress - một trong những nguyên nhân khiến da xỉn màu và lão hóa sớm.
2. Các loại trà dưỡng nhan phổ biến
2.1. Trà hoa cúc
- Tác dụng: Làm dịu da, giảm viêm, hỗ trợ điều trị mụn, làm sáng da tự nhiên.
- Thành phần chính: Chứa flavonoid và apigenin - chất chống oxy hóa mạnh.
- Cách dùng: Dùng 5-7 bông hoa cúc khô pha với 200ml nước sôi, ủ trong 5-10 phút; có thể thêm mật ong để tăng hương vị và dưỡng chất.
Trà hoa cúc.
2.2. Trà hoa hồng
- Tác dụng: Giúp lưu thông máu, làm hồng da, cải thiện nội tiết tố nữ, giảm thâm sạm, đặc biệt tốt cho phụ nữ có da khô, xỉn màu hoặc hay bị rối loạn kinh nguyệt.
- Cách dùng: 5-10 cánh hoa hồng khô pha với nước nóng, có thể kết hợp với táo đỏ hoặc kỷ tử để tăng hiệu quả.
Trà hoa hồng.
2.3. Trà atiso đỏ (hibiscus)
- Tác dụng: Làm sạch da, cân bằng độ pH, hỗ trợ giảm cân, giảm cholesterol và chống lão hóa.
- Đặc điểm: Màu đỏ tự nhiên, giàu vitamin C và acid hữu cơ.
- Cách dùng: 1-2 thìa hoa atiso đỏ khô pha với nước sôi, để ấm uống hằng ngày; không nên uống khi đói.
Trà atiso đỏ.
2.4. Trà xanh
- Tác dụng: Chống oxy hóa mạnh, làm chậm quá trình lão hóa, hỗ trợ giảm mụn và dầu thừa. Catechin có trong trà xanh giúp chống viêm và bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV.
- Cách dùng: Pha nước 70-80°C, tránh nước sôi vì dễ làm mất chất; có thể kết hợp với chanh hoặc bạc hà.
Trà xanh.
2.5. Trà kỷ tử (câu kỷ tử)
- Tác dụng: Dưỡng gan, sáng mắt, bổ máu, làm đẹp da từ bên trong, hỗ trợ điều hòa nội tiết tố.
- Cách dùng: 10-15 quả kỷ tử khô nấu với nước sôi, uống ấm; có thể dùng cùng hoa cúc hoặc táo đỏ.
Trà kỷ tử.
2.6. Trà lá sen
- Tác dụng: Giảm mỡ, thanh lọc cơ thể, hỗ trợ giảm cân, giúp da sáng khỏe hơn.
- Đối tượng phù hợp: Người có da nhờn, bị mụn do nội tiết hoặc người cần kiểm soát cân nặng.
- Cách dùng: Pha lá sen khô với nước sôi hoặc nấu lấy nước uống mỗi ngày.
Trà lá sen.
2.7. Trà cam thảo
- Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, làm sáng da, hỗ trợ cải thiện làn da bị thâm nám.
- Lưu ý: Không nên lạm dụng vì cam thảo có thể gây giữ nước và tăng huyết áp nếu dùng quá nhiều.
- Cách dùng: Dùng một ít cam thảo khô pha với các loại thảo dược khác để giảm tính ngọt và tăng hiệu quả.
Trà cam thảo.
2.8. Trà gừng và chanh
- Tác dụng: Tăng cường lưu thông máu, thải độc, làm sạch da từ bên trong, hỗ trợ tiêu hóa.
- Phù hợp: Uống vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn để tăng hiệu quả.
- Cách dùng: 1 lát gừng tươi và vài giọt nước cốt chanh pha với nước ấm.
Trà gừng-chanh.
3. Cách sử dụng trà dưỡng nhan hiệu quả
Để trà phát huy tối đa công dụng làm đẹp da, cần sử dụng đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời điểm:
- Thời điểm tốt nhất: Uống vào buổi sáng (sau ăn sáng) và buổi chiều (trước 5 giờ chiều).
- Lượng dùng mỗi ngày: Từ 1-2 tách (250-500ml), tránh uống quá nhiều.
- Pha chế đúng cách: Không dùng nước quá sôi để tránh mất dưỡng chất, nên ủ trà thay vì đun trực tiếp.
- Kết hợp dinh dưỡng: Nên kết hợp với chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây và uống đủ nước mỗi ngày.
4. Lưu ý khi dùng trà dưỡng nhan
Mặc dù các loại trà thảo mộc đều có nguồn gốc tự nhiên, nhưng không phải ai cũng có thể dùng một cách tùy tiện. Một số lưu ý dưới đây giúp bạn sử dụng trà dưỡng nhan an toàn và hiệu quả:
- Không lạm dụng: Uống quá nhiều có thể gây phản tác dụng như mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, hoặc kích ứng da.
- Nên thử trước khi dùng: Những người dễ dị ứng nên thử một lượng nhỏ trước khi dùng lâu dài.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại trà nào.
- Không uống khi bụng đói: Một số loại trà như atiso đỏ hoặc gừng - chanh có thể gây kích ứng dạ dày nếu uống lúc đói.
- Nguồn gốc trà: Nên chọn trà sạch, có nguồn gốc rõ ràng để tránh dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất độc hại.
- Không thay thế nước lọc hoàn toàn bằng trà: Trà chỉ nên là thức uống bổ sung, không thay thế được nước lọc trong ngày.
Trà dưỡng da, dưỡng nhan không chỉ là xu hướng làm đẹp an toàn, tự nhiên mà còn là thói quen sống tích cực giúp nuôi dưỡng vẻ đẹp từ bên trong. Hãy để mỗi tách trà trở thành một khoảnh khắc chăm sóc bản thân - nhẹ nhàng mà sâu sắc, chậm rãi mà đầy hiệu quả.
Có nên uống trà thảo dược giảm mỡ máu? | SKĐS
TS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/8-loai-tra-duong-nhan-va-cach-su-dung-hieu-qua-169250707175542319.htm