Bên trong lăng mộ lộng lẫy của Pharaoh Tutankhamun, được mệnh danh là "Vua Tut", các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 8 hiện vật kỳ lạ, bao gồm 4 chiếc khay và 4 cây gậy, tất cả đều được đặt gần phòng chôn cất của ông. Những đồ vật này đang dần hé lộ một trong những nghi lễ cổ xưa nhất liên quan đến "Lễ đánh thức Osiris" của người Ai Cập.
Phòng chôn cất Pharaoh Tutankhamun bên trong lăng mộ gần TP Luxos - Ai Cập - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP
Nhóm nghiên cứu do nhà Ai Cập học Nicholas Brown từ Đại học Yale dẫn đầu cho rằng đây là bằng chứng quan trọng về nghi lễ này dành cho một pharaoh. Osiris, thần cai quản địa ngục trong thần thoại Ai Cập, biểu trưng cho cái chết và sự tái sinh. Trong truyền thuyết, sau khi bị anh trai Seth sát hại, Osiris được hồi sinh nhờ một phép màu kỳ diệu. Trong khoảnh khắc ấy, con trai của Osiris, Horus, đã vẫy một cây gậy về phía cha và gọi ông thức dậy.
Nghi lễ "Lễ đánh thức Osiris" có thể được tái hiện trong hình thức đổ các chất lỏng lên xác ướp của pharaoh, và trong trường hợp của Tutankhamun, 4 chiếc khay có thể chứa nước sông Nile hoặc rượu, những thứ có thể được đổ lên thi thể vua hoặc đặt bên cạnh. Trong khi đó, 4 cây gậy có thể tượng trưng cho cây gậy mà Horus đã sử dụng trong thần thoại.
Đối với người Ai Cập cổ đại, các vật chứa chất lỏng mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, vì họ tin rằng chúng có khả năng đảo ngược sự hủy hoại của cái chết, mang lại sức sống mới cho thi thể. Đặc biệt, nước từ sông Nile được xem là "mắt thần Horus", biểu trưng cho sự tái sinh và chiến thắng mọi thế lực xấu xa, bao gồm cả cái chết.
Những vật phẩm này chỉ là một phần trong kho báu vô giá được tìm thấy trong lăng mộ của Vua Tut, với vô số vàng, đá quý và những món trang sức chế tác từ vật liệu thiên thạch cực kỳ quý hiếm.
Pharaoh Tutankhamun, trị vì từ năm 1332-1323 trước Công nguyên, thuộc triều đại thứ 18 của Vương quốc Tân Vương, đã lên ngôi khi chỉ mới 9 tuổi. Mặc dù cai trị trong thời gian ngắn ngủi, ông đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo xuất sắc khi đưa Ai Cập thoát khỏi giai đoạn bất ổn, đưa đất nước trở lại thịnh vượng chỉ trong 10 năm. Ông thực hiện nhiều cải cách quan trọng, bao gồm việc dời kinh đô về Thebes, khôi phục các tín ngưỡng tôn giáo cổ truyền, tái thiết nền kinh tế và củng cố quan hệ ngoại giao, đồng thời xây dựng nhiều công trình vĩ đại.
Với tài năng và sự nghiệp chói sáng, Vua Tut đã được người Ai Cập thần thánh hóa, ngợi ca về sự thông minh cũng như vẻ đẹp hình thể. Dù chỉ sống đến 19 tuổi, nhiều nghiên cứu gần đây đã phục dựng được hình ảnh của ông, cho thấy một vị pharaoh cao lớn, có khuôn mặt sắc sảo và trí tuệ vượt trội, đặc biệt là thể tích não lớn hơn hẳn so với người bình thường.
Như Ý (t/h)