Âm vang cồng chiêng giữa lòng phố núi

Âm vang cồng chiêng giữa lòng phố núi
3 giờ trướcBài gốc
Giữa cao nguyên hùng vĩ, phố núi Pleiku ẩn chứa một nội lực sống vững bền bởi sự vun đắp của các trầm tích văn hóa, của sự nỗ lực dựng xây bao đời nay được nối dài từ nhiều thế hệ.
“Truyền lửa” đam mê cho lớp trẻ
Truyền lại niềm đam mê cồng chiêng cho lớp trẻ là tâm huyết cả đời của nghệ nhân Ksor H’nao (làng Kép, phường Đống Đa). Thế hệ đi trước dẫn đường, người trẻ đi sau “tiếp lửa”, cho nên âm thanh của nguồn cội vẫn còn vang lên đầy sức sống qua những đôi bàn tay khéo léo của lớp trẻ.
Nghệ nhân Ksor H’nao đã dạy cho thanh niên trong làng biết đánh chiêng thành thạo. Mỗi buổi luyện tập, tất cả đều miệt mài, say sưa thả hồn vào những âm thanh lúc trầm, lúc bổng của cồng chiêng.
Nghệ nhân Ksor H’nao cho hay: “Từ năm 2000, đội cồng chiêng của làng đã được nhiều người biết đến. Tiếng chiêng đã vang lên ở nhiều sự kiện văn hóa của tỉnh cũng như khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Làng Kép hiện có 2 đội cồng chiêng già và trẻ”.
Nghệ nhân Siu Thưm (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ) truyền dạy cách đánh đàn t’rưng cho các em thiếu nhi. Ảnh: P.T.T.T
Nhiều năm qua, nghệ nhân Siu Thưm (làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ) luôn tận tâm “truyền lửa” cho lớp trẻ về tình yêu và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng truyền thống của người Jrai. Anh Thưm hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku. Ngoài công việc chính, anh Thưm đã thành lập đội cồng chiêng-nhạc cụ dân tộc tại làng Pleiku Roh.
Anh chia sẻ: “Mình rất đam mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Sau một thời gian tập luyện, mình mê nó lúc nào không hay và ngày càng hiểu rõ giá trị của cồng chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Jrai nói riêng, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung.
Vậy nên, mình luôn mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo này”. Cũng theo anh Thưm, bây giờ, làng Pleiku Roh đã có đội cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc với hơn 30 thành viên.
Nghệ nhân Ak (làng Chuet 2, phường Thắng Lợi) cũng vậy. Ông luôn mong muốn và khát khao truyền dạy cho lớp trẻ biết trình diễn cồng chiêng. Năm 2018, Đoàn phường đã thành lập đội cồng chiêng. Nhờ có già Ak trong vai trò “người giữ lửa”, đội cồng chiêng ngày càng thu hút thêm nhiều bạn trẻ tham gia.
Trong thanh âm dòng chảy của cuộc sống hiện đại nơi phố núi Pleiku, người Jrai ở làng Chuet 2 luôn tự hào vì đã có thêm những tiếng chiêng ngân nga hòa quyện với điệu xoang mềm mại, uyển chuyển của lớp trẻ trong làng.
Già Ak tâm sự: “Để lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống, phải bắt đầu từ con cháu trong nhà mình. Vì thế, có đứa con, đứa cháu nào trong dòng họ, mình cũng tìm cách để chúng tiếp cận và dần dần nuôi dưỡng niềm yêu thích đối với các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhờ đó, hầu hết con cháu của già giờ đây cũng bắt đầu nối nghiệp ông cha, biết đánh chiêng, biết xoang”.
Để nhịp chiêng vang mãi
Không chỉ là mạch nguồn văn hóa của cộng đồng, tiếng cồng chiêng Tây Nguyên còn vang vọng khắp các vùng miền, chinh phục du khách trong và ngoài nước. Những chàng trai, cô gái Bahnar, Jrai vốn mộc mạc, chân chất trong trang phục truyền thống đã chinh phục du khách trong tiếng cồng tiếng chiêng ngân vang cùng những vòng xoang bất tận.
Vượt lên giá trị đơn thuần của một loại nhạc cụ, cồng chiêng trở thành linh hồn của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Tiếng cồng tiếng chiêng theo suốt cuộc đời người dân Tây Nguyên từ lúc mới sinh ra, trưởng thành và cho đến khi về với Atâu.
Đoàn nghệ nhân phường Yên Đỗ (TP. Pleiku) trình diễn trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Minh Châu
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Thông qua âm vang tiết tấu, mọi sắc thái tâm tư, tình cảm được thể hiện, những thông tin cần thiết được đưa đi và đón nhận. Nếu là lễ thổi tai cho đứa trẻ chào đời thì tiếng chiêng êm dịu, thanh thoát; lễ pơ thi thì tiếng chiêng nặng nề, chậm chạp, trầm buồn, chắc nịch như chia sẻ nỗi buồn, khiến dân làng xích lại gần nhau hơn, đoàn kết, thương yêu nhau hơn.
Thành phố Pleiku hiện có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số với 28.000 người, chiếm 12,6% tổng dân số thành phố. Những năm qua, thành phố luôn quan tâm đầu tư, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các thiết chế văn hóa, các di sản văn hóa, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng.
Hiện nay, thành phố có 23 đội văn nghệ, 25 đội cồng chiêng, 81 bộ cồng chiêng với khoảng trên 500 nghệ nhân cồng chiêng, xoang. Hàng năm, thành phố tổ chức các hội thi văn nghệ quần chúng và hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số, liên hoan cồng chiêng và hát dân ca, mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số.
Từ đó, phát hiện thêm nhiều nhân tố mới trong phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng. Đây đồng thời cũng là bệ phóng, giúp việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của cồng chiêng ngày một hiệu quả, chất lượng hơn.
Nhịp cồng chiêng âm vang giữa lòng Phố núi. Ảnh: Đức Thụy
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Những năm qua, chính quyền TP. Pleiku luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng.
Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân, nhất là thế hệ trẻ biết trân trọng và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa về cồng chiêng, tạo không gian đúng nghĩa để duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, tiếp tục mở các lớp dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số”.
PHAN THỊ THANH TRUYỀN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/am-vang-cong-chieng-giua-long-pho-nui-post300776.html