Bạn tôi là một trong hơn 1.800 cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông (cũ) đến làm việc tại trụ sở mới từ ngày 1-7 sau khi sáp nhập tỉnh có nhu cầu về nhà ở. Dù được hỗ trợ chi phí đi lại 1,6 triệu đồng/tháng trong hai năm, cùng 2 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà nhưng áp lực về khoảng cách, tài chính, chăm sóc gia đình... khiến họ không khỏi lo lắng.
An cư cho người làm công vụ xa nhà. (Ảnh: Một dự án nhà ở xã hội / Báo Thanh niên)
Tại nhiều tỉnh sáp nhập, hàng nghìn "công bộc" cũng phải di chuyển xa tới nơi làm việc mới. Những phương án bước đầu của các địa phương như tăng cường phương tiện công cộng, hỗ trợ thuê nhà, chi phí đi lại... đã phần nào chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, việc ổn định đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc xa nhà cần có chiến lược bài bản.
Trong đó, mạng lưới giao thông kết nối giữa các trung tâm hành chính mới cần được đầu tư để thuận tiện đi lại. Chính sách hỗ trợ nhà ở cần mở rộng đối tượng được bố trí nhà công vụ, ưu tiên thuê, mua nhà ở xã hội theo hướng linh hoạt, sát thực tế, có thể lồng ghép với chương trình phát triển đô thị. Ngoài ra, cần xem xét áp dụng mô hình làm việc từ xa, bố trí luân phiên phù hợp với từng cơ quan...
Cùng với sự quan tâm của các đơn vị, địa phương, sự sát sao, tạo cơ chế phù hợp của Chính phủ sẽ là yếu tố quyết định giúp ổn định đời sống của những cán bộ, công chức, viên chức phải đi làm xa. Qua đó, các "công bộc" thêm yên tâm và có nhiều thời gian làm việc hơn, góp phần đưa bộ máy của các địa phương sau sắp xếp, sáp nhập hoạt động trơn tru, hiệu quả.
LÊ HIẾU