Lên thành phố chăm cháu ngoại, tôi bị coi như giúp việc trong chính nhà con gái

Lên thành phố chăm cháu ngoại, tôi bị coi như giúp việc trong chính nhà con gái
8 giờ trướcBài gốc
Tôi tên Hạnh, năm nay 60 tuổi. Nửa năm trước, con gái gọi điện tha thiết mời tôi lên thành phố chăm cháu ngoại vì mẹ chồng nó đã già yếu, không trông nổi nữa. Con nói rõ: “Mẹ đừng ngại chuyện tiền nong. Con và chồng đã bàn bạc, mỗi tháng sẽ gửi mẹ 15 triệu. Ở nhà mình vẫn tốt hơn mẹ đi làm bảo mẫu ngoài kia.”
Lúc đầu, tôi không muốn nhận tiền vì nghĩ: là bà ngoại, chăm cháu là chuyện tự nhiên. Nhưng con rể lại kiên quyết: “Dù là người thân cũng phải rõ ràng. Mẹ nghỉ việc giúp chúng con, phải có đền đáp.”
Tôi còn thấy ấm lòng khi nghĩ con rể biết điều. Nào ngờ, chính số tiền đó lại biến tôi thành “người làm công” trong chính nhà con gái. Hóa ra số tiền ấy chính là để chăm cháu và sai khiến tôi không khác gì giúp việc
Ảnh minh họa.
Ngay những ngày đầu, con rể đưa ra một danh sách dài quy tắc: giờ ăn, giờ ngủ, cách dỗ cháu… Tôi phải làm đúng từng chi tiết, không được sai sót.
Một lần, cháu khóc đòi kẹo, thương cháu nên tôi lén cho một miếng socola nhỏ. Con rể đi làm về, bắt gặp cảnh đó liền nổi giận, quát tháo tôi ngay giữa nhà như thể tôi là kẻ làm sai.
Hôm tôi bị cảm nhẹ, xin nghỉ ngơi một buổi tối, con rể thẳng thừng: “Bọn con đi làm mệt, không trông được. Mẹ cứ đeo khẩu trang mà chăm.” Tôi cắn răng gắng gượng, rồi cháu vẫn bị lây bệnh, phải nhập viện. Khi đó, con rể quay sang trách móc tôi “không làm tròn việc”.
Tôi tự hỏi: giá mà đang làm bảo mẫu ngoài xã hội, ít ra tôi còn có quyền nghỉ ngơi, từ chối, và được tôn trọng.
Mất quyền ăn uống, bị so sánh và nghi ngờ
Trong mỗi bữa cơm, khẩu vị hoàn toàn theo sở thích ăn cay của con rể, dù tôi không ăn được. Tôi không dám gắp món đắt tiền, cũng chẳng dám nói thèm gì.
Đi chợ mua đồ ăn, tôi phải giữ hóa đơn, ghi chép chi tiêu để con rể kiểm tra. Chưa bao giờ tôi thấy mình nhỏ bé và bị thiếu tin tưởng đến vậy.
Con rể thường xuyên so sánh tôi với mẹ ruột anh ta – người từng trông cháu miễn phí và “rất tốt”, còn tôi thì bị đánh giá “có nhận tiền mà làm không ra gì”.
Đỉnh điểm là một buổi tối, con rể mời đồng nghiệp đến ăn cơm. Tôi phải chuẩn bị 10 món, làm suốt buổi chiều. Đến khi khách đến, tôi không được ngồi ăn, phải ngồi trong bếp chờ bị gọi ra lấy thêm đồ.
Một nữ đồng nghiệp khen tôi: “Cô bảo mẫu này làm việc cẩn thận thật!”
Con rể không đính chính, còn vui vẻ đáp: “Tôi được bạn giới thiệu đấy. Giờ bảo mẫu ai cũng được đào tạo bài bản.”
Tôi chết lặng. Người ngoài hiểu lầm đã đành, nhưng chính con rể – người lẽ ra phải gọi tôi là mẹ – lại xem tôi như “bảo mẫu có lương”. Tôi biết, mình không thể tiếp tục sống như vậy.
Trở lại làm bảo mẫu, nhưng được tôn trọng
Tôi nói chuyện với con gái, nhưng con bé chỉ khuyên tôi cố gắng. Tôi hiểu con không đủ mạnh mẽ để bảo vệ mẹ. Nhưng tôi không thể tiếp tục sống mà đánh mất lòng tự trọng.
Tôi thu dọn đồ, về quê. Hiện tôi làm bảo mẫu cho một gia đình khác, họ đối xử tốt, tôn trọng và trả công xứng đáng. Tôi tự chủ tài chính, không phải dựa dẫm ai.
Giờ tôi mới hiểu: "Đừng bao giờ nghĩ sẽ được trân trọng chỉ vì là người thân. Và đừng vì chút tiền hay tình cảm mà cam chịu sự coi thường, dù đến từ chính gia đình ruột thịt."
Hạ Vy (t/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/len-thanh-pho-cham-chau-ngoai-toi-bi-coi-nhu-giup-viec-trong-chinh-nha-con-gai-19032.html