Ấn Độ chủ động nâng cấp tiêm kích Su-30MKI

Ấn Độ chủ động nâng cấp tiêm kích Su-30MKI
4 giờ trướcBài gốc
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với FlightGlobal, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của nhà sản xuất máy bay Ấn Độ HAL - ông D.K. Sunil đã nói về triển vọng của tiêm kích Su-30MKI trong lục lượng không quân nước này.
Theo ông Sunil, Su-30MKI sẽ được Không quân Ấn Độ sử dụng cho đến giữa thế kỷ. HAL đã sản xuất 222 chiếc theo giấy phép tại nhà máy của mình ở Nashik; hiện công ty đang được giao nhiệm vụ nâng cấp 84 máy bay.
Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa phê duyệt các chi tiết của công việc, nhưng máy bay được cho là sẽ sớm nhận hệ thống cảm biến và tác chiến điện tử cải tiến.
Một đơn đặt hàng cho 12 máy bay mới cũng đã được ký vào tháng 12/2024. Do HAL đã ngừng sản xuất Su-30MKI tại Nashik vào năm 2019, nên sẽ cần rất nhiều nỗ lực để lấy chứng nhận từ các cơ quan chức năng.
Dự báo sẽ mất từ 18 tháng đến 2 năm để khởi động lại dây chuyền sản xuất.
Theo thỏa thuận cấp phép, HAL tiếp tục cung cấp động cơ cho Su-30MKI - loại Saturn AL-31FP từ nhà máy Koraput của mình. New Delhi đã đặt hàng 240 động cơ vào tháng 9/2024 và chiếc đầu tiên đã được giao một tháng sau đó. Việc sản xuất sẽ tiếp tục cho đến năm 2032.
"Mặc dù năm 2024, việc cung cấp linh kiện từ Nga cho phi đội Su-30MKI gặp khó khăn,song tình hình đã ổn định và HAL đã bắt đầu nhận được phụ tùng cùng với linh kiện".
"Nga có một số vấn đề vì các nhà máy của họ đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu bản thân, nhưng chúng tôi thường xuyên liên lạc với họ và nhận được các vật liệu cần thiết", ông Sunil giải thích.
Trước đó vào tháng 2/2025, Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) bên lề Triển lãm hàng không Aero India 2025 đã tiết lộ về một trạm radar hàng không nội địa được phát triển dành cho tiêm kích Su-30MKI.
Hệ thống radar này được DRDO giới thiệu là ví dụ điển hình về trạm radar trên không 4 tọa độ (4D) với ăng ten mảng pha quét chủ động ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Nhà phát triển đặc biệt chú ý đến việc radar mới sử dụng bóng bán dẫn gali nitride vốn được biết đến với hiệu suất cao, đi kèm mức tiêu thụ điện năng thấp và hạn chế phát sinh nhiệt ở mức tối thiểu.
Ăng ten mảng pha này có đường kính lên tới 950 mm chứa 2.400 module thu phát, theo đại diện DRDO, sẽ cải thiện đáng kể tốc độ quét và cho phép theo dõi mục tiêu hiệu quả hơn, bao gồm cả tiêm kích sử dụng công nghệ tàng hình.
Phạm vi phát hiện mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu được cho là khoảng 300 - 400 km, không hơn so với loại radar đang lắp đặt nhưng có độ chính xác cao hơn nhiều.
Vào thời điểm này, quá trình phát triển trạm radar nói trên đã hoàn tất và được giới thiệu dưới tên gọi Virupaksha. Giai đoạn tiếp theo đối với các chuyên gia DRDO là tạo ra nguyên mẫu, sau đó lên kế hoạch thử nghiệm, dự kiến công việc sẽ hoàn thành vào năm 2028.
Không quân Ấn Độ từ lâu đã lên kế hoạch sử dụng một trạm radar mới trên tiêm kích đa năng Su-30MKI, trong đó 84 chiếc sẽ được hiện đại hóa tại công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL).
Tiêm kích Su-30MKI hiện đang sử dụng radar N011M Bars của Nga với ăng ten mảng pha quét thụ động (PESA) được phát triển vào những năm 1980, đã tỏ ra khá lạc hậu so với công nghệ ngày nay.
Bạch Dương
Theo FlightGlobal
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/an-do-chu-dong-nang-cap-tiem-kich-su-30mki-post616814.antd