Bác sĩ hướng dẫn cách giảm thiểu tác dụng phụ khi điều trị ung thư vú

Bác sĩ hướng dẫn cách giảm thiểu tác dụng phụ khi điều trị ung thư vú
8 giờ trướcBài gốc
TS.BS. Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị A - BV K Trung ương
1. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị ung thư vú
Đối với xạ trị
Tác dụng phụ của xạ trị phổ biến nhất là tác dụng phụ trên da tại các trường chiếu xạ và có thể gây ra những triệu chứng khác như mệt mỏi. Ngoài ra, tùy theo trường chiếu vào vú bên nào mà cũng có thể ảnh hưởng đến cơ quan lân cận như gây ra các triệu chứng xơ/viêm phổi do xạ trị hoặc cũng có thể ảnh hưởng đến tim.
Tuy nhiên với tiến bộ của xạ trị hiện nay, bằng việc tối ưu hóa liều tại vị trí tổn thương và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến mô lành đã có thể giảm thiểu được những biến cố không mong muốn do xạ trị.
Đối với hóa trị
Những tác dụng phụ do hóa trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại phác đồ, liều lượng của thuốc, thời gian điều trị hoặc cả những vấn đề về khả năng dung nạp của người bệnh.
Những tác dụng phụ phổ biến hay gặp là: cảm giác mệt mỏi, ăn uống kém, nôn, buồn nôn, rụng tóc, đi ngoài, viêm niêm mạc miệng, ảnh hưởng trên da, thay đổi các chỉ số về máu, có thể ảnh hưởng đến các chức năng gan thận hoặc có thể gây ra tình trạng sốt nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch.
Tuy nhiên, cũng tương tự như xạ trị, ở thời điểm hiện tại chúng ta có những thuốc hỗ trợ hoặc kiểm soát tác dụng phụ tương đối tốt như các thuốc chống nôn hoặc những thuốc dự phòng phản ứng thuốc, dự phòng hạ bạch cầu, các thuốc kích thích tăng sinh các dòng tế bào máu. Do đó, việc điều trị hóa trị hiện nay đã giảm thiểu được tối đa tác dụng phụ và trong một số trường hợp bệnh nhân dung nạp kém các bác sĩ có thể thay đổi kế hoạch điều trị, có thể tạm dừng điều trị, hoặc giảm liều hoặc thay đổi sang cái liệu trình khác.
2. Một số điều người bệnh có thể làm để cảm thấy dễ chịu hơn
Ngoài những vấn đề về thuốc men hỗ trợ, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân các cách để giảm thiểu ảnh hưởng của tác dụng phụ. Ví dụ trong trường hợp bệnh nhân mệt mỏi nên nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn, hạn chế những công việc nặng.
Đối với những tác dụng phụ liên quan đến buồn nôn thì ngoài thuốc chống nôn thì người bệnh có thể dùng thêm những thuốc về an thần kinh hay trà gừng có thể giảm buồn nôn.
Đối với những tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa có thể hướng dẫn người bệnh giữ gìn vệ sinh ăn uống, rửa tay, uống đủ nước để giảm thiểu các nguy cơ gây ra nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Để phòng những biến chứng về sốt nhiễm khuẩn, người bệnh nên tránh chỗ đông người để đề phòng lây nhiễm bởi vì cơ thể người bệnh do ảnh hưởng của hóa trị sức đề kháng không được tốt.
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên theo dõi chặt chẽ, nếu xuất hiện các tác dụng phụ cần thông báo với bác sĩ điều trị để được theo dõi, đánh giá và có hướng xử trí phù hợp.
Uống trà gừng giúp giảm tác dụng phụ buồn nôn khi điều trị ung thư vú.
Tóm lại, ung thư vú có tiên lượng tốt, đặc biệt đối với người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm. Một số bệnh nhân có quan niệm bệnh ung thư là bản án "tử hình" nhưng thực tế, đặc biệt là bệnh ung thư vú giai đoạn sớm, với thành tựu y học hiện nay thì có thể điều trị triệt để.
Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn muộn hơn thì với những tiến bộ hiện tại cũng có thể giúp duy trì được chất lượng cuộc sống, kiểm soát được bệnh và người bệnh có thể sống chung với bệnh ung thư như là một bệnh mạn tính, vẫn tham gia được các sinh hoạt cuộc sống và công việc bình thường. Điều quan trọng là người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan để cùng với bác sĩ để chiến thắng bệnh tật.
TS.BS. Phạm Tuấn Anh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bac-si-huong-dan-cach-giam-thieu-tac-dung-phu-khi-dieu-tri-ung-thu-vu-169250707170450131.htm