Bài 1 - Hành trình thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bài 1 - Hành trình thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
4 giờ trướcBài gốc
Vươn mình từ những con số
Là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, với địa hình ven biển đặc thù, Sóc Trăng từ lâu vẫn được nhắc đến như một "vùng đất nghĩa tình" có cộng đồng người Khmer gắn bó lâu đời.
Theo thống kê, đến cuối năm 2024, Sóc Trăng có 495.935 người thuộc các DTTS, chiếm 35,3% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Khmer là lực lượng đông nhất, chiếm đến hơn 30%.
Đường giao thông xã Vĩnh Quới (nay là phường là Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) – nơi có hơn 30% dân số là đồng bào Khmer, ngày càng khang trang, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN
Bài toán thoát nghèo và phát triển vùng đồng bào DTTS chính vì thế luôn được đặt lên hàng đầu trong định hướng chính sách của tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 là cánh tay nối dài của Chính phủ trong việc cụ thể hóa nguồn lực đầu tư trực tiếp đến với người dân.
Gần 1.306 tỉ đồng đã được phân bổ trong giai đoạn này, trong đó vốn Trung ương chiếm hơn 1.170 tỉ đồng, còn lại là vốn địa phương.
Hiệu quả của chương trình không chỉ được nhìn thấy trên giấy tờ hay con số, mà lan tỏa bằng những thay đổi thật sự trong đời sống. Năm 2024, toàn tỉnh giảm được 4.096 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống chỉ còn 1,32%.
Đồng bào DTTS góp phần rất lớn trong bức tranh tăng trưởng này với sự giảm mạnh số lượng hộ nghèo và cận nghèo. Đặc biệt, hộ nghèo Khmer giảm rõ rệt, cho thấy hiệu quả từ sự can thiệp đúng và trúng.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào được cải thiện đáng kể: 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm; hơn 87% khóm, ấp có đường ô tô thuận tiện đi lại; 80/80 xã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%, trong đó nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đạt 64%.
Hạ tầng vững chắc không chỉ kết nối giao thông, điện, nước. Nó còn mở ra những cánh cửa mới cho y tế, giáo dục, thương mại và tạo thêm cơ hội phát triển sản xuất.
Sự hiện diện của điện lưới quốc gia đến từng bản làng xa xôi không chỉ thắp sáng mái nhà, mà còn thắp sáng khát vọng đổi thay, khơi dậy ý chí vươn lên của người dân nơi vùng khó.
Sóc Trăng đã và đang thúc đẩy thực hiện chương trình một cách toàn diện. Các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và xã khu vực I đều có sự thay đổi về chất.
Các chỉ số phát triển tiếp tục được cải thiện, trong đó GRDP bình quân đầu người đạt 66,5 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng ngày càng tăng ở các khu vực công nghiệp, dịch vụ.
Không chỉ có vậy, người dân vùng đồng bào DTTS còn từng bước nâng cao nhận thức, tăng khả năng tiếp cận thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất, dần hình thành nếp sống mới phù hợp với điều kiện phát triển.
Những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo dựng sinh kế bền vững cho hàng ngàn hộ dân.
Những con số tưởng chừng khô khan nhưng lại là bằng chứng sống động cho thấy, một vùng đất nghèo khó đang chuyển mình mạnh mẽ từng ngày, từ những con đường, dòng điện, giọt nước sạch đến cơ hội tiếp cận sản xuất, sinh kế và giáo dục.
Mở đường, tháo gỡ, tổ chức thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia với 9/10 dự án được triển khai đã tác động rõ nét đến nhiều mảng lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, việc làm, hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu không hề dễ dàng.
Người dân Khmer tại Sóc Trăng phấn khởi khi được hỗ trợ con giống từ các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Văn Sông
Một trong những vướng mắc lớn là sự chậm trễ và thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản hướng dẫn từ Trung ương. Nhiều quy định được ban hành muộn, chưa rõ ràng, dẫn chiếu nhiều văn bản khác nhau, khiến địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Chẳng hạn, quy định tại Quyết định 861/QĐ-TTg quy định các xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ chuyển khu vực chính sách, nhưng thời gian công nhận thường diễn ra cuối năm, không trùng khớp với chu kỳ phân bổ vốn, gây khó khăn trong việc lập kế hoạch, giao vốn, đầu tư công.
Hay như hỗ trợ phát triển sản xuất, theo quy định, mức hỗ trợ cụ thể phải do cơ quan chủ quản ban hành. Nhưng UBND tỉnh không đủ thẩm quyền ban hành định mức hỗ trợ chính thức, dẫn đến việc nhiều dự án không có căn cứ pháp lý triển khai, dù nhu cầu thực tiễn rất cấp thiết.
Trong bối cảnh đó, Sóc Trăng đã chủ động tháo gỡ bằng cách kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình từ tỉnh đến tận cơ sở. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1225/QĐ-UBND, với quy chế hoạt động rõ ràng. Sở Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan thường trực, chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị địa phương triển khai đồng bộ.
Đến cấp huyện, thị xã, thành phố, các Ban Chỉ đạo cấp huyện được thành lập, cùng với Ban quản lý chương trình cấp xã, Ban phát triển ấp. Bộ máy điều hành được tổ chức thống nhất theo chiều dọc, tức là từ tỉnh đến cấp huyện, xã, ấp; đồng thời mở rộng theo chiều ngang thông qua sự phối hợp liên ngành và sự tham gia của người dân, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư.
Mô hình tổ chức này tạo điều kiện để các chính sách đi vào cuộc sống nhanh hơn, sát hơn với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, trong công tác rà soát, lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo hay xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất, người dân được tham gia góp ý, giám sát, phản biện, từ đó phát huy tinh thần chủ động, minh bạch và đồng thuận xã hội.
Sóc Trăng hôm nay vẫn còn không ít khó khăn, nhưng điều quan trọng là tinh thần quyết tâm, là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động.
Đồng bào Khmer, Hoa và các dân tộc khác không còn là đối tượng thụ hưởng chính sách mà đã trở thành chủ thể phát triển, tự vươn lên bằng chính nội lực của mình, với sự tiếp sức đúng lúc từ Nhà nước.
Hành trình phía trước còn dài, nhưng mỗi công trình được khánh thành, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, mỗi lớp học khang trang nơi vùng sâu... đều là những bước chân cụ thể, vững chãi trên con đường phát triển bền vững, toàn diện và nhân văn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng.
(Còn tiếp)
NAM HƯNG - NGUYỄN LINH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/bai-1-hanh-trinh-thay-doi-dien-mao-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-149991.html