Bài 1: Thách thức mới, yêu cầu phát triển mới

Bài 1: Thách thức mới, yêu cầu phát triển mới
5 giờ trướcBài gốc
TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Nếu giai đoạn 30 năm đổi mới đầu tiên từ 1986 - 2015 là sự thức dậy về tư duy, đổi mới về cơ chế, chủ động trong hội nhập toàn cầu, thì giai đoạn 30 năm Đổi mới tiếp theo tới năm 2045 phải được định hình bởi những cố gắng phi thường của cả dân tộc đột phá về đổi mới tầm nhìn chiến lược, trỗi dậy toàn diện, đồng bộ sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và Nhân dân hạnh phúc, với khát vọng Việt Nam hùng cường, giữ vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Hơn bao giờ hết, hiện nay, “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”(1), như yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, càng đòi hỏi Đảng ta về tầm nhìn mới, trước sứ mệnh mới, với mục tiêu mới, bằng sự chuẩn bị toàn vẹn thực lực mới và hành động với phương lược lãnh đạo, cầm quyền phù hợp với thời kỳ mới, trong tầm nhìn 2030 và 2045.
Ba nhận thức xung quanh đổi mới vị thế lãnh đạo, cầm quyền tất yếu của Đảng
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Trong thời kỳ mới của thế giới, trước trọng trách phát triển mới của đất nước, Đảng phải thật sự là một đảng lãnh đạo, cầm quyền khoa học, dân chủ, cách mạng, chân chính và nhân văn.
Xét một cách tổng thể, toàn bộ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với xã hội 79 năm qua có thể hình dung gồm 3 nhóm công việc chính yếu. Một là, hoạch định đường lối chính trị (đối với Đảng) và chính sách, pháp luật (đối với Nhà nước) đúng đắn nhằm phát triển đất nước không ngừng. Hai là, tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối chính trị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Ba là, kiểm tra, giám sát, thanh tra toàn bộ việc thực hiện đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách dân chủ và chặt chẽ.
Đó cũng chính là những lĩnh vực, là môi trường, thước đo hiệu quả năng lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong các trọng sự đó, vấn đề tiếp tục nhận thức đột phá, mới mẻ, phù hợp, lựa chọn đúng, trúng và hiệu quả phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đặt ra rất cấp bách. Ở đây, có ba công việc cần phải khu biệt: Lãnh đạo, quản lý và cầm quyền.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Trước hết,về lãnh đạo và quản lý.Xét về hình thức, lãnh đạo và quản lý là hai công việc khác nhau. Và, xét từ bản chất, mang chức năng khác nhau, tuy có điểm chồng lấn, đan xen nhau. Nếu sự lãnh đạo xuất hiện bất kỳ khi nào một người hoặc tổ chức dẫn dắt, tác động hoặc chi phối hành vi của một cá nhân, một nhóm người hay rộng hơn là đất nước, bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào, thì quản lý là quá trình làm việc cùng với và thông qua các cá nhân, nhóm xã hội và những nguồn lực khác (như thiết bị, vốn, công nghệ...) để đạt được những mục đích của tổ chức.
Yêu cầu cuối cùng của sự lãnh đạo là mục tiêu của chính người lãnh đạo, hoặc của ban lãnh đạo, hoặc của đối tượng, hoặc nhóm đối tượng, và những mục tiêu này cũng có thể “đồng dạng” hoặc không “đồng dạng” với mục tiêu của tổ chức, trong khi sự quản lý được áp dụng cho các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội (doanh nghiệp, cơ quan giáo dục, tổ chức chính trị, quân đội…); và để thành công, các tổ chức này đòi hỏi những nhà quản lý phải có những kỹ năng làm việc giữa cá nhân con người với nhau.
Đó chính là công việc lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, hai chủ thể khác nhau, với nhiệm vụ khác nhau và không thể nhầm lẫn. Sự khác nhau quan trọng giữa lãnh đạo và quản lý nằm ở mục tiêu của tổ chức dẫn dắt. Song, xét theo một ý nghĩa nào đó, quản lý là một loại hình lãnh đạo chuyên biệt, ở những phạm vi cụ thể, riêng biệt tương đối. Nói cách khác, việc đạt được các mục tiêu của tổ chức dẫn dắt thể hiện và thông qua sự quản lý chính là sự lãnh đạo. Theo đó, mỗi người trong tổ chức lãnh đạo, có thể là một nhà quản lý trong một số hoạt động nhất định.
Thứ hai, về lãnh đạo và cầm quyền. Xét về hình thức, hai công việc lãnh đạo và cầm quyền là mối quan hệ giữa tổng thể và bộ phận, do đó, xét về bản chất, lãnh đạo và cầm quyền thống nhất trong nhau. Cầm quyền là sự tiếp nối của sự lãnh đạo và thuộc sự lãnh đạo ở không gian rộng nhưng định vị cụ thể.
“Cầm quyền” là bộ phận của “lãnh đạo”, là sự tiếp nối của chức năng và vai trò lãnh đạo trong điều kiện có chính quyền. “Cầm quyền” thành công sẽ củng cố vai trò lãnh đạo. Ngược lại, nếu cầm quyền kém hiệu quả hoặc thất bại sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo”(2).
Đảng ta đảm nhiệm vai trò lãnh đạo kể từ ngày thành lập (3.2.1930) cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám năm1945 đến nay, Đảng đảm nhiệm cả hai vai trò: lãnh đạo cầm quyền.
Từ toàn bộ điều đó, có thể khẳng định, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là toàn bộ những phương pháp, cách thức và tập trung cao nhất là nghệ thuật nắm lấy chính quyền nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân. Thông qua đó, khẳng định quyền uy của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trực tiếp chi phối, quyết định sự phát triển của đất nước, bằng quyết sách chính trị, tổ chức bộ máy và đội ngũ đảng viên của Đảng, bằng thực lực sức mạnh hữu hình, vô hình và bằng uy tín của Đảng trong thực tiễn dẫn dắt phát triển của đất nước, phù hợp với thời đại.
Nói một cách hình ảnh, đó là nghệ thuật Đảng hóa thân trong Nhà nước và các thành viên hệ thống chính trị, dẫn dắt đất nước phát triển theo chủ kiến và chiến lược bằng thực lực, uy tín của mình và nương theo xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
5 phương diện cơ bản của phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Công việc của Đảng là người lãnh đạo, người cầm quyền và làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, chứ không phải Đảng hóa Nhà nước và hệ thống chính trị hay ngược lại, càng tuyệt đối không làm những công việc không thuộc nhiệm vụ của mình đối với Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, tập đoàn kinh tế...
Nhìn tổng thể, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gồm 5loại công việc chủ yếu.
Một là, cầm “Thời”, đây chính là tầm nhìn thời cuộc của Đảng. Ở đây, hội tụ khả năng tiên liệu thời thế mang tầm nhìn chiến lược, sự mẫn cảm thời cuộc trong Đảng, trong nước và trên thế giới một cách toàn cục và sâu sắc, là một trong những tiền đề xây dựng quyết sách chính trị chiến lược đúng đắn, lộ trình, bước đi và hệ giải pháp lãnh đạo, cầm quyền then chốt và chủ yếu nhất của Đảng... là nhân tố có ý nghĩa căn bản.
Về điều cầm “Thời” này, hơn 750 năm trước Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế”; và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1942, trong bài thơ Học dịch kỳ (Học đánh cờ), Người đã viết: “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế/ Kiên quyết thời thời yếu tấn công/ Thác lộ song xa dã một dụng/ Phùng thời nhất tốt khả thành công” (Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công/ Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công).
Có thể nói rằng, Đảng giỏi cầm quyền là ở chỗ ưu thời mẫn thế, ở chỗ hiểu thấu, biết nắm lấy và hành động phù hợp với thời thế. Và rằng, được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn.
Hai là, cầm “Đạo”, đó chính là giữ con đường mà Đảng phải đi, nền tảng mà Đảng phải giữ, nguyên tắc mà Đảng phải nắm lấy và phát triển bằng mọi giá, nếu Đảng muốn lãnh đạo, cầm quyền đúng đắn và thành công: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng chính trị là chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu, phát triển những tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu cho nền tảng tư tưởng chính trị đó, hiện diện bằng cương lĩnh và tất cả quyết sách chính trị của Đảng phát triển đất nước một cách một cách toàn diện, xuyên suốt và cụ thể.
Chỉ có như vậy, Đảng mới thật sự là Đảng chân chính, cách mạng và nhân văn. Nói cụ thể, tất cả điều này khẳng định tính chính danh, địa vị pháp lý cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đây là vấn đề cơ bản, có tính bất biến, chi phối đối với (và trong) công việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Ba là, cầm “Cương”, đó là toàn bộ những nguyên tắc căn bản và chủ yếu của Đảng bao quát toàn bộ các lĩnh vực phát triển của đất nước, làm nên rường cột bảo đảm cho Đảng được tổ chức và hoạt động một cách chính danh, khoa học và tất yếu trên vị thế, vai trò là một đảng lãnh đạo, cầm quyền toàn diện, ngang tầm yêu cầu phát triển đúng đắn của đất nước, chịu trách nhiệm lịch sử trước Nhân dân về sự cầm quyền của mình, xét trên cả hai phương diện pháp lý và đạo lý. Đây là công việc chính trị có nghĩa rường cột.
Về hệ thốngtổ chức cơ chế vận hành bộ máy trong Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ bao trùm và xuyên suốt theo hướng tinh, gọn, liên thông, hiệu quả, không chồng chéo, không rõ vị trí, chức năng (đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy); giải thể những bộ máy song trùng giữa Đảng và các thành viên khác trong hệ thống chính trị. Về cơ chế vận hành bộ máy đảng trong hệ thống chính trị, hoàn thiện mối quan hệ Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ theo hướng Đảng hóa thân trong bộ máy nhà nước và các thành viên khác của hệ thống chính trị. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát theo Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Đảng và các quy chế trong Đảng (đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức của Đảng trong toàn hệ thống chính trị) thống nhất với pháp luật, chứ không phải là người đứng bên trên hay bên cạnh hay bất cứ đặc quyền nào.
Điều cần khẳng định và kiên quyết thực thi ở đây là, trên phương diện pháp lý, không một ai, một tổ chức nào của Đảng được phép đứng ngoài hay đứng trên Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đứng ngoài hay đứng trên Hiến pháp và pháp luật, đứng ngoài sự giám sát của Nhân dân.
Bốn là, cầm “Tướng”, phương thức Đảng cầm quyền trên phương diện tổ chức, thiển nghĩ là phải cầm “Tướng”, chứ không phải cầm quân. Đây là công việc có ý nghĩa then chốt của then chốt. Vì, Đảng là người mang sứ mệnh và trọng trách lãnh đạo, dẫn dắt và chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi Đảng tự nhiên phải nắm lấy và không thể nhường hay buông công việc then chốt của then chốt là cầm “Tướng” với cương vị là người lãnh đạo, cầm quyền; và Đảng phải ra những quyết sách chính trị chi phối quyết định đối với các “tướng” cầm quân ở các thành viên khác trong toàn bộ hệ thống chính trị nước ta, xét trong toàn bộ sự cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, về cán bộ cấp chiến lược và các cấp, trên cơ sở pháp lý và Điều lệ Đảng.
Đảng không làm thay những việc của những vị “tướng” cầm quân ở các thành viên khác của hệ thống chính trị, mà chỉ cầm nắm lấy đội ngũ “tướng”, ở bất cứ phương diện nào dù kinh tế hay chính trị, quốc phòng hay đối ngoại, dù là thành viên nào của hệ thống chính trị Việt Nam.
Năm là, cầm “Tâm”, một trong những sức mạnh vô địch của Đảng là sức mạnh trí tuệ, văn hóa, đạo đức và uy tín của Đảng. Và, chính điều này góp phần làm nên vị thế lịch sử của Đảng và được Nhân dân trao cho “đứa con nòi” của mình vai trò lãnh đạo Nhân dân và Dân tộc, giữa trùng điệp các đảng phái chính trị đủ loại khác nhảy ra mưu đoạt vũ đài lịch sử với Đảng lúc sinh thời và những bước ngoặt cam go mất còn nhất của lịch sử nước nhà 94 năm qua. Ấy là cái “Tâm” của Đảng tỏa sáng trong cái Tín và cái Tâm của Nhân dân và Nhân dân tin tưởng, sống chết bảo vệ “đứa con nòi” của mình. Đến lượt mình, cái Tín của Nhân dân vun đắp cái Tâm, cái Tín trong Đảng làm nên cái Tín của đồng chí, bạn bè quốc tế đối với Đảng và Dân tộc. Tất cả làm giàu thêm và nhân lên sức mạnh vô địch của cái Tâm, danh dự vô song của cái Tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong Đảng, ai cũng phải lấy cái “tâm” làm gốc, giữ nguyên tắc đảng làm đầu, giữ bổn phận tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, phải “giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, để tôn vinh và bảo vệ đại đoàn kết toàn dân tộc và thắt chặt đoàn kết quốc tế. Đảng phải cầm lấy “tâm”, nâng niu “tín” ở tầm chiến lược, dù ở đâu, ở lúc nào hay dù với ai, và nhất quyết “không gây thù oán với một ai”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Đảng mất lòng tin ở bạn bè, đồng chí, đối tác là mất lớn, mất lòng tin ở Nhân dân có nguy cơ lâm vào vòng sinh tử và mất tất cả. Có Tâm mới có Tín, cầm Tâm mới cầm được Tín, mới thu phục được Trí! Mỗi vị tướng mà Đảng “cầm” phải là và xứng đáng là một tấm gương sáng về Tâm - Trí - Tín… Nhân dân sẽ chỉ tin yêu, tự nguyện soi vào gương ấy mà đồng hành với Đảng! Vì vậy, cầm Tâm để nâng tầm Tín là phương lược lãnh đạo, cầm quyền mang ý nghĩa tồn vong, thành bại đối với Đảng mà hiện nay cần kíp hơn bất cứ lúc nào.
Có thể nói, đó là những phương diện căn bản, rường cột, cốt yếu hợp thành phương thức lãnh đạo, cầm quyền vừa không bỏ sót quyền của chính mình, vừa khắc phục sự “cầm” nhầm quyền của người khác, của các thành viên khác trong hệ thống chính trị, bảo đảm Đảng thật sự vừa là đội tiền phong lãnh đạo chính trị ngang tầm trọng trách lịch sử vừa thật sự là “đứa con nòi” cầm quyền sống chết vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự vẻ vang của đất nước mà Đảng dứt khoát phải nắm lấy thật toàn vẹn, thật chắc chắn, quyết không mơ hồ.
(1) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, Báo Đại biểu Nhân dân, số ra ngày 17.9.2024.
(2) Xem Nguyễn Văn Đáng: Tầm nhìn 2045 và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, VietnamNet, số ra ngày 1.2.2023)
Nhị Lê
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bai-1-thach-thuc-moi-yeu-cau-phat-trien-moi-post391923.html