Bài 2: Bất cập trong công tác quản lý

Bài 2: Bất cập trong công tác quản lý
9 giờ trướcBài gốc
Thiếu nhân lực bảo vệ, di tích thành nơi… hút chích
Thời gian qua, những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ di tích, di sản tại TP Huế được nhắc đến rất nhiều. Ngoài sự việc bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn bị phá hoại, một số di tích khác cũng được dư luận “điểm danh”. Trong đó có tình trạng súng thần công triều Nguyễn đặt trên Kỳ đài, hai bên hông Ngọ Môn bị du khách nhồi nhét rác thải vào họng súng… Đáng nói là Hỏa dược khố và Quan tượng đài - biểu tượng độc đáo của triều Nguyễn, minh chứng cho sự phát triển quân sự, khoa học thời bấy giờ, trở thành điểm nóng của tệ nạn hút chích khi trong khuôn viên di tích phát hiện những kim tiêm…
Trong báo cáo của UBND TP Huế gửi Bộ VHTT&DL cho thấy, kết quả kiểm tra của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã chỉ ra, tình trạng họng súng thần công ở Kỳ đài và hai bên hông Ngọ Môn bị nhồi nhét rác thải là do một bộ phận du khách chưa có ý thức bảo vệ môi trường chung cũng như tài sản công cộng. Trong khi đó, việc giám sát và xử phạt hành vi xả rác không đúng nơi quy định còn lỏng lẻo, chưa thực sự nghiêm minh.
Về tình trạng các đối tượng tập trung hút chích tại khu vực Hỏa dược khố, Quan tượng đài, theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là do những địa điểm này ít khách đến tham quan khiến các công trình trở nên vắng vẻ, ít người qua lại. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn mỏng nên việc tuần tra, kiểm soát cũng hạn chế.
Di tích Hỏa dược khố (Huế) đã sạch sẽ sau khi được thu dọn kim tiêm. Ảnh: Đăng Huy
Về biện pháp xử lý và ngăn ngừa, báo cáo của UBND TP Huế cho biết, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai lực lượng kiểm tra thường xuyên hằng ngày, cắt cử lực lượng giám sát tại khu vực có súng thần công để kịp thời theo dõi, nhắc nhở các trường hợp du khách xả rác, bỏ rác vào họng súng thần công. Trung tâm cũng tiến hành thu dọn rác thải bỏ không đúng nơi quy định tại khu vực trưng bày súng thần công; tăng cường biển cảnh báo và nội quy tham quan tại các điểm có hiện vật lịch sử dễ bị xâm hại.
Các điểm nóng tệ nạn hút chích tại Hỏa dược khố, Quan tượng đài đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế kiểm tra toàn bộ khu vực, thu gom và tiêu hủy kim tiêm. Trung tâm cũng phối hợp với Công an phường Thuận Hòa tiến hành lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát tại khu vực Quan tượng đài, Hỏa dược khố; bố trí nhân lực theo dõi tuần tra thường xuyên hằng ngày, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện phát quang cây cối rậm rạp, lắp thêm đèn chiếu sáng ban đêm tại các khu vực thiếu ánh sáng nhằm giảm các điểm tụ tập trái phép; vận động người dân địa phương, du khách cùng bảo vệ di tích, phản ánh các hành vi vi phạm thông qua đường dây nóng và các kênh tương tác. “Sau khi triển khai các biện pháp trên, tình trạng tiêm chích tại khu vực Hỏa dược khố và Quan tượng đài đã không còn diễn ra; cảnh quan và vệ sinh môi trường được cải thiện” – báo cáo của UBND TP Huế cho biết.
Hay tại tỉnh Thanh Hóa, theo kết quả rà soát các hiện vật, di vật, cổ vật đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các địa phương của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.671 hiện vật, trong đó có 29 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa... Các phòng trưng bày, lưu giữ hiện vật đều có khóa bảo vệ, nằm trong khuôn viên cơ quan có bảo vệ gác cổng 24/7 nhưng chưa có hệ thống
camera an ninh giám sát riêng. Đáng nói, hầu hết các tư liệu, hiện vật chưa được làm hồ sơ thông tin hiện vật, chưa được đánh số kiểm kê, chưa có danh mục và sổ theo dõi, phân loại cũng như bảo quản định kỳ, bảo quản chuyên sâu nên dễ bị hư hỏng bởi môi trường tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của hiện vật.
Còn đùn đẩy trách nhiệm
Không chỉ di sản, cổ vật, bảo vật, di tích bị xâm hại, những bất cập trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích cũng trở thành vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Gần đây nhất, việc phá dỡ hạng mục Nghi môn (cổng) trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đền Đuổm, xã Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên khi dự án chưa được Bộ VHTT&DL thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, dẫn đến những thông tin tiêu cực về dự án và vấp phải sự phản ứng của dư luận.
Không riêng gì di tích đền Đuổm, trong văn bản số 1218/BVHTTDL-DSVH ngày 25/3/2025 do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương ký, gửi các địa phương, Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận thực tế, trong những năm qua, bộ thường xuyên có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP tăng cường công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Qua theo dõi thực tế, Bộ VHTT&DL thấy bên cạnh việc nhiều tỉnh, TP trong cả nước đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn và của Bộ VHTT&DL, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, đứng đầu cả nước cả về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có di sản thế giới như Hoàng thành Thăng Long. Đây là nguồn lực vô cùng phong phú để phát triển Thủ đô. Những năm qua, Hà Nội đã có sự quan tâm lớn đề bảo tồn phát huy giá trị di sản, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì Hà Nội còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam
Từ câu chuyện tu bổ di tích đền Đuổm, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Lâm Biền - chuyên gia di sản văn hóa cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo nhất thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật về di sản văn hóa; phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai một cách bài bản, khoa học. “Qua việc tu bổ đền Đuổm cũng như các di tích cho thấy, cần phải thực hiện theo nguyên tắc. Trước hết là phải xác định được hiện trạng của di tích ra sao, còn mang ý nghĩa gì trong tài liệu lịch sử cũng như trong nhận thức, ứng xử của Nhân dân. Khi chúng ta hiểu được thực tế thì sẽ tu bổ di sản sao cho tương xứng, phát huy tác dụng, gắn với du lịch và những lĩnh vực khác” - PGS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về những tồn tại trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, trước đây chúng ta đã có quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, TP trong vấn đề bảo vệ di sản văn hóa trên địa phương quản lý. Tuy nhiên, thực tế, việc thực hiện còn những hạn chế nhất định, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, có những việc thuộc trách nhiệm của địa phương nhưng địa phương không giải quyết, đẩy lên Bộ VHTT&DL. “Nhiều khi di tích bị xâm phạm nhưng địa phương không phát hiện ra, không xử lý, đẩy lên cấp trên. Hay di tích bị vi phạm nhưng không phải người dân hay thanh tra phát hiện ra mà là báo chí thông tin. Tôi cho rằng phân cấp trong vấn đề quản lý di sản văn hóa là rất quan trọng” - PGS.TS Đỗ Văn Trụ nói.
Một vấn đề nữa là nhận thức về di sản văn hóa cũng còn những hạn chế nhất định. Di sản văn hóa được xác định là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ trên lý thuyết là như vậy, còn thực tế có nhiều bất cập, vi phạm. Chẳng hạn, quy định bảo vật quốc gia là những hiện vật đặc biệt của quốc gia, phải được bảo vệ, bảo quản nghiêm, cẩn thận, không bị hư hỏng, không bị mất cắp, mất trộm. “Nhưng trên thực tế tôi đi khảo sát một số bảo tàng của nước ta thì còn nhiều lỗ hổng như không có kho bảo vệ, phương tiện bảo quản đặc biệt. Ngay cả ý thức trách nhiệm, kỹ năng của người làm công tác bảo vệ, bảo quản hiện vật ở di tích cũng còn những hạn chế nhất định” - PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhận định.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có những phương tiện bảo vệ bảo vật quốc gia rất tốt với hệ thống máy móc, ánh sáng, nhiệt độ bảo đảm tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên nên hạn chế rất nhiều việc bị xâm phạm. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nghị quyết của Đảng đã xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Dù vậy trong thực tế, một bộ phận cán bộ lãnh đạo cơ sở chưa thực sự quan tâm đến di sản văn hóa, dẫn đến tình trạng di sản được xếp hạng rồi nhưng không có chương trình hành động bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị.
Việc bảo vệ di sản, đặc biệt là những bảo vật quốc gia đang trưng bày công khai, không thể chỉ dựa vào rào chắn, camera giám sát hay biển cảnh báo, mà cần có một giải pháp tổng hợp, kết hợp giữa yếu tố kỹ thuật, khoa học và an ninh. Hay ví dụ thực tế tấm văn bia của vua Thiệu Trị tại chùa Diệu Đế (Huế), vì không kiểm soát được khách đến thăm viếng nên nhiều người đã viết, khắc lên bia đá, khiến nhà chùa buộc phải rào lại, không cho vào gần nữa. Trong trường hợp này, nếu có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, có thể lắp kính cường lực 4 mặt bao quanh hiện vật. Như vậy vừa bảo vệ được di sản, vừa không mất đi tính tiếp cận của người dân và du khách.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế
(Còn nữa)
Thiên Tú - Thủy Trúc - Anh Tuấn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bai-2-bat-cap-trong-cong-tac-quan-ly.757874.html