Bảo tàng được người Pháp xây dựng từ tháng 7/1915, đến năm 1919 thì tòa nhà đầu tiên chính thức hoàn thành. Bảo tàng được xây dựng theo ý tưởng của Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp).
Đây là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chămpa tìm thấy ở Đà Nẵng, Quảng Nam, các tháp, thành lũy Chăm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Đáng chú ý, lâu nay, Bảo tàng này vẫn được coi là nơi lưu giữ nền văn hóa cổ Chămpa duy nhất trên thế giới.
Bảo tàng hiện có hai khối nhà chính: khối nhà trưng bày được xây dựng từ năm 1915 và 1936; khối nhà trưng bày hai tầng xây dựng năm 2002. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có gần 500 hiện vật đang trưng bày bên trong Bảo tàng khoảng 300 hiện vật được trưng bày trong khuôn viên của Bảo tàng; và hơn 1.200 hiện vật đang cất giữ trong kho. Các trưng bày bên trong bảo tàng được phân chia thành các phòng trưng bày: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kom Tum. Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện là nơi lưu giữ 12 bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Chămpa.
Tượng bồ tát Tara - bảo vật quốc gia, chất liệu đồng, niên đại cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X. Năm 1978 người dân tại địa phương đã tình cờ tìm thấy một pho tượng nữ thần bằng đồng cao gần 1,15m. Tượng nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Đến tháng 12/2023, sau thời gian lưu lạc, hai hiện vật đã được bàn giao lại cho Bảo tàng lưu giữ và bảo quản.
Bảo tàng còn có những khu trưng bày giới thiệu những đồ vật và dụng cụ âm nhạc gắn liền với văn hóa Chăm. Trong ảnh là cối xay lúa.
Đài thờ Trà Kiệu - bảo vật quốc gia, chất liệu sa thạch, niên đại thế kỷ VII – VIII. Đài thờ Trà Kiệu được đưa về bảo tàng năm 1901.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm là điểm đến của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước.
Du khách có thể quét mã QR để nghe giới thiệu về các hiện vật trưng bày.
Thư Hoàng