Bài 1: Hiệu quả từ những “van giảm áp” trong nửa đầu năm
Biến động giá xăng dầu có thể ảnh hưởng đến biến động giá nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, từ sản xuất đến giao thông, tiêu dùng... Ảnh minh họa: H.Dịu
“Làm mềm” các cú sốc
Trong cơ cấu chi phí của nền kinh tế, xăng dầu và điện được ví như những “mạch máu” lưu thông. Bất kỳ sự biến động đột ngột nào của 2 mặt hàng này đều có khả năng tạo hiệu ứng domino, lan tỏa áp lực chi phí từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đến vận tải và tiêu dùng hằng ngày.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm quy định mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2026, với việc tiếp tục giảm 50% so với quy định cũ.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần làm giảm chỉ số CPI, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, từ đó góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều này có thể thấy ngay trong diễn biến giá tiêu dùng của tháng 6/2025. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá của nhóm giao thông tăng mạnh nhất trong các nhóm hàng hóa, với mức tăng 1,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm %.
Trong đó, chỉ số giá dầu diezen tăng 5,37%; xăng tăng 4,12% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo sát diễn biến thị trường thế giới.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42%, tác động làm tăng CPI chung 0,27 điểm %.
Trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 5,0% do nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết nắng nóng và từ ngày 10/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện sinh hoạt.
Chính vì mang nhiều tác động, nên công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu luôn được chú trọng để giúp “làm mềm” các cú sốc. Đơn cử, đối với xăng dầu, việc điều hành giá được liên Bộ Công Thương - Tài chính bám sát diễn biến thị trường thế giới thông qua các kỳ điều chỉnh định kỳ, đảm bảo tính thị trường.
Điểm khác biệt của Việt Nam là sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các công cụ thuế, phí. Khi giá thế giới tăng cao, việc trích sử dụng Quỹ hoặc giảm thuế bảo vệ môi trường đã trở thành "bộ đệm", ngăn chặn đà tăng sốc của giá trong nước.
Theo Cục Quản lý giá, tính đến kỳ điều hành ngày 26/6/2025, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 26 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng E5 RON 92 có 16 lần tăng, 10 lần giảm; xăng RON 95 có 15 lần tăng, 11 lần giảm; mặt hàng dầu diesel có 14 lần tăng, 12 lần giảm; dầu hỏa có 16 lần tăng, 10 lần giảm; dầu mazut có 13 lần tăng, 13 lần giảm.
Nguồn: Liên Bộ Công Thương - Tài chính
So với đầu năm 2025, giá hầu hết mặt hàng xăng dầu đều tăng từ 583 - 952 VND/lít tương đương tăng từ 3,10 - 5,08% (trừ mazut tăng 7,27%), nguồn cung xăng dầu vẫn được đảm bảo, không bị gián đoạn.
Tương tự, việc điều hành giá điện hay các dịch vụ công cũng theo một lộ trình được tính toán cẩn trọng và công bố từ sớm, tránh tăng giá đồng loạt gây sốc tâm lý thị trường. Các cơ quan chức năng, đơn vị thực hiện cũng đã công khai, minh bạch giá các mặt hàng thiết yếu, hạn chế kỳ vọng lạm phát tự phát trong xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cũng tăng cường kiểm soát nguồn cung, bình ổn thị trường trong những đợt cao điểm hay mưa bão…
Trụ cột chiến lược cho đa mục tiêu
Không chỉ những mặt hàng và dịch vụ thiết yếu nêu trên, trong nền kinh tế thị trường, các công cụ tiền tệ như tỷ giá và lãi suất cũng có tác động mạnh đến việc kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả thị trường.
Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, việc giảm thuế giá trị gia tăng và miễn giảm thuế nhập khẩu đầu vào giúp giảm giá thành hàng hóa và dịch vụ, từ đó hạn chế lạm phát chi phí đẩy, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu thế giới diễn biến phức tạp.
Hơn nữa, các chính sách gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất đang hoạt động như “tín dụng tài khóa 0%” - hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp mà không gây áp lực tăng cung tiền, qua đó tránh tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Trong đó, tỷ giá ổn định là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đồng thời ngăn chặn “nhập khẩu lạm phát”, nhất là khi thị trường tiền tệ quốc tế biến động mạnh trước chính sách của các quốc gia lớn.
Mặc dù đồng USD mạnh lên khiến VND mất giá khoảng 3,2%, nhưng nhờ can thiệp kịp thời qua dự trữ ngoại hối và thị trường mở, tỷ giá vẫn trong biên độ kiểm soát.
Mặt bằng lãi suất dù đang neo giữ ở mức thấp, nhưng với viêc mở rộng cung tiền, tín dụng tăng trưởng mạnh gần 10% trong 6 tháng đầu năm cũng đang tạo nhiều áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát.
Vì thế, câu chuyện về sự phối hợp chính sách giữa tài khóa và tiền tệ không còn mới và đang được các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng.
Nhưng theo phân tích của TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, với chủ trương điều hành linh hoạt, chính sách tài khóa của Việt Nam năm 2025 không còn giới hạn trong vai trò hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, mà đang được định hình như một trụ cột chiến lược, chủ động và tích hợp - vừa tạo động lực tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô và kiểm soát hiệu quả mặt bằng giá cả.
TS. Nguyễn Như Quỳnh cũng nêu, việc chuyển đổi số hóa quản lý thuế, hóa đơn điện tử cũng thúc đẩy tính minh bạch, kiểm soát tốt chuỗi giá cả từ gốc.
Do vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27%, lạm phát cơ bản tăng 3,16%, trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng vẫn duy trì đà tăng 9,7% - phản ánh hiệu quả điều tiết giá cả từ chính sách tài khóa.
Có thể thấy, công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát từ những mặt hàng thiết yếu cần “bàn tay” góp sức từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng chính sách tài khóa đã và đang thể hiện vai trò nổi bật. Tuy vậy, dư địa của các chính sách đều không còn nhiều, trong khi áp lực lên điều hành giá còn rất lớn, nên cần tiếp tục đổi mới, tăng cường minh bạch trong công tác quản lý.
Hương Dịu