Bài 3: Nhiều giải pháp mạnh đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Bài 3: Nhiều giải pháp mạnh đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
2 giờ trướcBài gốc
Hàng loạt những giải pháp mạnh đang được triển khai hướng đến mục tiêu giải ngân vốn ĐTC đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: ST
Quyết liệt chỉ đạo, điều hành nhằm tăng tốc giải ngân
Tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 08/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, tăng cường các biện pháp đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2024, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan TƯ, địa phương xác định giải ngân vốn ĐTC là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Tình hình giải ngân vốn ĐTC chậm đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý ĐTC. Cần có những cơ chế, chính sách linh hoạt, hiệu quả hơn để khuyến khích các địa phương và các đơn vị chủ động, tích cực trong việc giải ngân vốn. Bên cạnh đó, đối với các dự án chậm tiến độ, cần xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân nhanh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Theo đó, các Bộ, cơ quan TƯ, địa phương phải bám sát các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024, trong đó quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện, với phương châm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC.
Với “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu phải ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đủ điều kiện. Cùng với việc giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới giải ngân vốn ĐTC, công tác thanh toán, quyết toán vốn ĐTC phải được đẩy mạnh, không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt về giải ngân ĐTC do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng. TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh nội sinh, vai trò, vị thế đầu tầu kinh tế của cả nước, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC được giao trong năm.
Một số nội dung đang triển khai trên thực tế nhưng chưa được quy định rõ trong Luật ĐTC năm 2019 nên trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau giữa các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương, giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Nhiều trường hợp, khi được hỏi, Bộ KHĐT không có cơ sở để hướng dẫn do không được quy định cụ thể trong Luật, chẳng hạn như việc chưa quy định thẩm quyền quyết định việc kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng
Trong vai trò cơ quan tham mưu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị, cần phát huy vai trò của 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 26 đoàn làm việc của Thành viên Chính phủ với các địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, nhất là các địa phương được giao số vốn ĐTC lớn. Bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm trong giai đoạn 2026-2030, nâng cấp, mở rộng đường bộ cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ lên quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch.
Cần giải pháp đồng bộ cho trước mắt và lâu dài
Để đốc thúc tiến độ, đạt được mục tiêu giải ngân vốn ĐTC năm 2024 trên 95% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, mới đây, Bộ Tài Chính đã công khai danh mục công trình, dự án ĐTC do các Bộ, cơ quan TƯ, địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân dưới 30% so với kế hoạch năm 2024 (tính đến ngày 30/9/2024).
Hiện tại chưa có quy định cụ thể những trường hợp nào được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch ĐTC hằng năm đến hết ngày 31/12 năm sau. Vì trong trường hợp bất khả kháng tác động đến việc triển khai thi công, các dự án không giải ngân được số vốn bố trí dẫn đến bị hủy bỏ nên cần thiết phải đưa quy định trên vào Luật ĐTC (sửa đổi) lần này.
Đại diện Kiểm toán nhà nước
Báo cáo của Kho bạc Nhà nước cũng cho thấy, đến ngày 30/9/2024, còn 326 dự án của 56 tỉnh/thành phố giải ngân dưới 30% kế hoạch; đặc biệt có 82 dự án chưa giải ngân và 5 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC của tất cả các nguồn vốn: ngân sách TƯ, ngân sách địa phương và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố cần chỉ đạo chủ đầu tư, các sở, ngành, cơ quan liên quan rà soát tất cả các dự án trong kế hoạch ĐTC năm 2024, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán công trình, dự án sử dụng vốn ĐTC; chủ động rà soát, báo cáo kịp thời phương án điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi các Bộ có liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định trước ngày 15/11/2024.
Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia, các địa phương phải tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo đúng tinh thần “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”; phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao.
Những giải pháp quyết liệt trên nhằm đốc thúc tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm 2024. Đối với năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC ngay từ đầu năm; đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế. Các địa phương phải chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Về dài hạn, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật ĐTC nhằm bổ sung, làm rõ những quy định còn phát sinh vướng mắc, thể chế hóa một số nội dung mới phát sinh trên thực tế; tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền; cần cắt giảm trình tự, thủ tục và thời gian triển khai dự án ĐTC…/.
Bài 4: Phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
HỒNG THU
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/bai-3-nhieu-giai-phap-manh-doc-thuc-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-35568.html