Thanh niên, trẻ em ít đọc sách giấy
Để phục vụ cho người dân đọc sách, hiện nay, nhiều làng, xã, tổ dân phố có trung tâm học tập cộng đồng đều bố trí những giá sách với đa dạng các chủ đề. Tuy nhiên, khảo sát một vài trung tâm học tập cộng đồng cho thấy, hàng ngày rất ít người đến học sách vì người lớn phải đi làm, trẻ em đi học. Chỉ trong thời gian nghỉ hè, được nghỉ học, trẻ em mới tìm đến thư viện tổ dân phố đọc sách nhưng số lượng không nhiều. Một nguyên nhân khiến ít người đọc sách ở thư viện tổ dân phố, thôn xóm là mặc dù số đầu sách đa dạng nhưng nhiều cuốn sách có nội dung không cập nhật với tình hình thực tế, chưa đáp ứng mong muốn của người đọc.
Trao đổi về việc vì sao ít người đến thư viện đọc sách, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc - Chủ tịch Hội Khuyến học phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ: “Ở phường tôi có một số thư viện sách của gia đình, thư viện sách của tập thể nhưng hoạt động còn hạn chế. Do không có nguồn kinh phí mua sách nên thư viện ít đầu sách và thiếu người làm thủ thư tâm huyết. Hơn nữa, các nhà sách ít chú ý đến xuất bản trên mạng một cách chính thống phù hợp với nhu cầu của nhóm độc giả trẻ, nếu muốn đọc sách mạng hấp dẫn lại phải mất tiền”. PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc cũng rất buồn về việc xuất bản sách không theo hướng thu nhập của người dân; họ cố gắng in sách đẹp nhưng nội dung ít mà lại bán giá cao.
Với quan điểm của nhà làm giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay khoa học công nghệ phát triển mang đến nhiều thách thức cho văn hóa đọc. Nhiều người trẻ và người lớn tuổi không còn đọc sách giấy. Vì thế, nhiều dòng họ hay các làng xã ở nông thôn xây dựng tủ sách miễn phí nhưng hiệu quả không được như ý muốn bởi người dân không đến đọc sách. “Bây giờ, mọi người muốn tìm hiểu điều gì thì hỏi ChatGPT, AI là nhận được câu trả lời ngay, thậm chí có còn làm thơ, sáng tác nhạc... Đó cũng là lý do khiến văn hóa đọc sách giấy bị mai một dần” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Trẻ em đọc sách tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố số 7 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Là một nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực thư viện ở Việt Nam và Ấn Độ, anh Nguyễn Quang Thạch cho rằng, chúng ta cần đối mặt với thực tế rằng cấu trúc giáo dục không hình thành thói quen đọc sách trong mỗi cá thể từ khi học mẫu giáo đến cấp ba. Nhiều thành viên trong xã hội không đọc sách nên khó hình thành văn hóa đọc trên bình diện toàn xã hội.
Hiện nay, học sinh vẫn xem sách giáo khoa, điểm số là thước đo kết quả học tập dẫn đến các em không đọc sách ngoài sách giáo khoa. Tệ hơn nữa, cơn lốc của mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube, game online đã và đang cuốn người lớn và trẻ em vào màn hình điện thoại, màn hình máy tính hàng giờ mỗi ngày. “Tác động của công nghệ làm cho việc đọc ngày càng yếu đi. Cá nhân tôi thực sự lo ngại về những diễn biến gần đây” - anh Nguyễn Quang Thạch bày tỏ.
Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Tất Dong - nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam có cái nhìn theo hướng khác. Theo GS Phạm Tất Dong, văn hóa học tập cũng có thay đổi theo nội dung của nó; cơ bản nhất là mọi người tự học bằng cách nào cũng được. Hiện nay, văn hóa nhìn lên ngôi thì mọi người nên ủng hộ. Chúng ta đọc sách giấy, đọc trên mạng hay xem hình ảnh cũng là đọc; điều này cũng phù hợp với thế giới đang triển khai văn hóa nhìn.
“Làm sao để cho những người ở Hà Nội có cách tự học, tự đọc trên giấy, trên mạng, hình ảnh. Thư viện sách thì cũng nên có nhưng chuyển đổi sách giấy thành bản mềm để tiết kiệm tiền, ngay cả ở trường phổ thông cũng vậy. Bởi vì in sách giấy thì đắt, còn sách bản mềm thì giá rẻ. Bản thân tôi ngày nào cũng đọc sách trên bản mềm”- GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Bắt nhịp với guồng quay của công nghệ 4.0
Là cái nôi có truyền thống hiếu học lâu đời, Hà Nội đã sớm hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS mức độ 3. Tuy nhiên, Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng thẳng thắn chỉ ra còn những hạn chế nhất định trong công tác khuyến học, khuyến tài.
Đó là việc xây dựng xã hội học tập của một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; có nơi còn lúng túng. Một số khó khăn của Hội Khuyến học chưa giải quyết được do còn vướng mắc về cơ chế; hoạt động của một số chi hội, ban khuyến học, hội cơ sở còn chung chung, hình thức, chậm đổi mới. Bên cạnh đó, việc vận động, xây dựng Quỹ khuyến học còn thấp so với tiềm năng của TP; việc xây dựng tổ chức khuyến học, đơn vị học tập còn nhiều khó khăn ở một số cơ quan, đơn vị.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức của cấp ủy Đảng, người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế và chưa thống nhất. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của TP, giữa TP với T.Ư có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học, người nhập cư tăng nhanh hàng năm, nhất là ở các quận nội thành cũng tạo thêm khó khăn, áp lực cho công tác giáo dục và đào tạo của Thủ đô.
Trong bài viết "Học tập suốt đời", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ, thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã trở thành phong trào, thành nhu cầu, thành nếp văn hóa và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có biểu hiện ngại học, không có khái niệm học thường xuyên, học suốt đời nên trở thành lạc hậu, bảo thủ, không thích nghi và bắt nhịp với “guồng quay” hối hả của nhịp sống "vũ bão" thời khoa học và công nghệ 4.0 và X.0.
Thời kỳ công nghệ hiện đại thì mọi người tiếp nhận và sử dụng công nghệ như thế nào là quyền của họ, đây là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), bởi hàng ngày ông vẫn “lướt mạng” nhiều hơn, thông tin hay thì tập trung đọc. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, chúng ta vấn phải trân trọng việc đọc sách báo, nhất là những tác phẩm văn học hay khoa học. Nếu mọi người chỉ dựa mãi vào AI thì sẽ mòn đi. Bởi vì công nghệ có hiện đại, cách đọc của mình được nhanh hơn, thuận lợi hơn chứ không thay thế được.
Thứ hai, trong thời đại chuyển đổi số, tận dụng công nghệ thì có thể một số tác phẩm tiểu thuyết nên được truyện tranh hóa, phải biến thành những nhân vật sinh động hơn để mọi người tiếp cận. Các sách văn học, sách nghệ thuật cũng phải sử dụng công nghệ để quảng bá để người dân thấy thuận lợi thì tiếp xúc. Đặc biệt, phải xây dựng cộng đồng văn hóa đọc, nhà trường, khu tập thể, khu dân cư để tạo điều kiện cho mọi người giao lưu, tổ chức thi, những ai có năng lực thì trình bày giá trị, tác dụng của tác phẩm văn học, thông qua việc chủ động sử dụng công nghệ AI. Đối với những người quản lý thư viện sách thì có thể mời các nhà thơ, nhà tiểu thuyết đến giới thiệu sách, thay vì đợi mọi người đến đọc sách.
Những người làm công tác văn hóa đọc cũng cần sử dụng công nghệ để đem đến những giá trị cho người đọc thì mới phát triển được văn hóa đọc trong thời kỳ công nghệ số. Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, các em học sinh được tham gia đóng tiểu phẩm để tự hoạt động, thay vì lúc nào cũng dùng AI. Nhà trường còn tổ chức thi, diễn đàn về những vấn đề xã hội để học sinh tự tìm sách đọc, tìm kiếm thông tin phục vụ bài thuyết trình đạt kết quả; đây cũng là cách để các em phát triển văn hóa đọc.
Thói quen đọc sách được hình thành từ trẻ em và khi lớn lên mới có văn hóa đọc. Từ thực tiễn hoạt động thư viện, anh Nguyễn Quang Thạch nêu ý kiến: ngay từ bây giờ chúng ta cần thay đổi cấu trúc giáo dục theo các nước phát triển. Khi đó, nhà trường và các tổ chức xã hội sẽ thực hiện giáo dục làm cha mẹ và cha mẹ trở thành một cấu phần giáo dục quan trọng của xã hội thì họ sẽ đọc sách cùng con, đọc sách để dạy con. Không thay đổi giáo dục thì mọi nỗ lực đưa sách đến lớp, dòng họ, xứ đạo, các nhà văn hóa thông đều trở thành vô nghĩa và lãng phí nguồn lực xã hội.
Việc đọc sách là do ý thức của từng người. Chúng ta cũng cần có quan niệm: không chỉ là đọc sách mà còn đọc những thông tin kinh tế, kỹ thuật trên mạng cũng rất bổ ích. Đối với trẻ em thì bố mẹ đọc cho con nghe truyện tranh, đó cũng là văn hóa đọc. Để thúc đẩy văn hóa đọc, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích theo hướng bán sách với giá ưu đãi, sách trẻ em có giá rẻ hơn. Các địa phương cũng cần tổ chức các phòng đọc, thự viện với những đầu sách phù hợp thì mới hấp dẫn người dân đến đọc.
PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc - Chủ tịch Hội Khuyến học
phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm
(Còn nữa)
Trần Oanh