Bài 5: Bức tranh du lịch ngày càng khởi sắc

Bài 5: Bức tranh du lịch ngày càng khởi sắc
2 giờ trướcBài gốc
Được ví như nàng tiên đẹp dịu dàng đang ẩn mình bên núi, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là bản dân tộc Mông thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Bản có cảnh quan thiên nhiên đẹp có thác trái tim, thác tình yêu; khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Người dân trong bản vẫn giữ được nét nguyên sơ của dân tộc Mông từ nếp nhà đến tập quán sinh hoạt, phương thức canh tác. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của bản rất lớn, người dân nơi đây đã đoàn kết cùng nhau làm du lịch cộng đồng.
Việc phát triển du lịch của bản Sin Suối Hồ được đẩy mạnh hơn khi HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết 59 cùng với sự kết hợp của các nguồn lực khác, bản được tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông đến bản. Trước đây, đường đến bản Sin Suối Hồ xuống cấp gây cản trở việc đi lại của người dân và du khách. Hiện nay, đường vào bản được đầu tư làm đẹp, đi lại thuận tiện nên số lượng khách đến bản ngày càng tăng. Vào những dịp cao điểm lễ, tết như 30/4 hay 2/9 các homestay hay nhà nghỉ cộng đồng du khách phải đặt lịch trước.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân, năm 2023, bản Sin Suối Hồ đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3. Đây là niềm vui, niềm tự hào của người dân bản Sin Suối Hồ nói riêng và của cả tỉnh Lai Châu nói chung góp phần tạo đà cho du lịch của tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển.
Niềm tự hào đã biến thành nguồn động lực để người dân bản Sin Suối Hồ ngày càng đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, phong cách phục vụ và các điều kiện khác, đặc biệt là chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng tốt hơn. Từ khi bản Sin Suối Hồ đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 lượng du khách đến với bản ngày càng đông hơn, góp phần làm tăng thu nhập của người dân.
Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Thời gian qua, bản Sin Suối Hồ luôn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bản vẫn giữ được truyền thống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Mông nên du khách rất thích. Bản sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và xây dựng bản Sin Suối Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Có thể nói Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu như một luồng sinh khí mới, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch từ các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết 59, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn, có định hướng cụ thể hỗ trợ xây dựng 5 bản có văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để thu hút du khách ngày càng nhiều hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu. Khi đến với Lai Châu du khách sẽ được chìm vào không gian văn hóa, du lịch của của các bản: bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Mông gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp ở bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Dao (nhóm ngành Dao đầu bằng) gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, chinh phục đỉnh Putaleng) ở bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Giáy theo hướng du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng ở bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Thái bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa ở bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ). Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Lự gắn với bản sắc văn hóa độc đáo ở bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường). Các bản sẽ được tập trung nguồn lực hỗ trợ sắp xếp không gian, xây dựng hạ tầng điểm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút khách du lịch.
Những nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp của các bản được bảo tồn như lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, kỹ thuật tạo hình trang phục, ẩm thực, sưu tầm hiện vật … Đến nay, đã có 13/13 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú, Mảng, Cống, Si La, Giáy, Lào, Lự, Kháng, La Hủ) cư trú thành cộng đồng được bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm sưu tầm, xây dựng 30 bộ sưu tập hiện vật (3 bộ sưu tập/dân tộc) với 3.221 hiện vật các loại phục vụ công tác trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch của 10 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Các hiện vật được sưu tầm chủ yếu gồm: trang phục, trang sức; công cụ và sản phẩm nghề thủ công truyền thống; công cụ, dụng cụ thực hành phong tục và tín ngưỡng tốt đẹp, trò chơi dân gian của các dân tộc: Cống, La Hủ, Hà Nhì, Si La, Lào, Lự, Giáy, Kháng, Mông, Khơ Mú.
Tỉnh đã quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một; nghiên cứu, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, xây dựng hồ sơ khoa học tri thức dân gian, ẩm thực dân tộc Thái xã Mường So, huyện Phong Thổ và Trường ca “Xa Nhà ca” dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các hoạt động này vừa góp phần lưu giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc vừa góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan tìm hiểu văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Lai Châu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện, môi trường cho ngành công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa phát triển; chú trọng khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Lai Châu gắn với du lịch, dịch vụ.
Bằng những việc làm cụ thể, cho đến thực hiện tổng thể các giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng nhiều và tốc độ tăng trưởng cao.
So với các tỉnh khác thì mức doanh thu trên là bình thường nhưng so với tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Lai Châu thì đó là con số “ấn tượng”, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đã từng bước đi vào cuộc sống, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển du lịch, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đưa Lai Châu ngày càng phát triển giàu mạnh trong tương lai.
Kim Anh - UBND tỉnh
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/b%C3%A0i-5-b%E1%BB%A9c-tranh-du-l%E1%BB%8Bch-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-kh%E1%BB%9Fi-s%E1%BA%AFc