Bài 5: Những đảo xanh giữa biển trời quê hương

Bài 5: Những đảo xanh giữa biển trời quê hương
6 giờ trướcBài gốc
Chiến sĩ tăng gia sản xuất, trồng rau trên đảo An Bang.
Trong trí tưởng tượng của chúng tôi, Trường Sa chỉ có cát, đá, bốn bề sóng biển nhưng quả thật, năm tháng trôi qua, Trường Sa đang ngày một xanh hơn bằng sự kiên trì, bền bỉ của quân và dân nơi đây, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào cả nước luôn hướng về biển đảo quê hương.
Xanh ngát những vườn rau
Trong nhiều cái thiếu: thiếu điện, thiếu nước ngọt, thiếu về cơ sở vật chất,…. những bữa ăn thiếu rau xanh là một trong những tâm tư của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên nhiều đảo. Thế nhưng, vượt những trở ngại đó, những vườn rau luôn mọc lên xanh mát mặc cho nắng gió bỏng rát, khắc nghiệt của thời tiết.
Đại úy Nguyễn Duy Khánh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A cho biết, vào mùa thời tiết thuận tiện, tận dụng những thùng xốp, hộp nhựa, anh em đơn vị tăng gia được những khóm rau nhỏ để cải thiện bữa ăn nhưng vào mùa nắng, nhiều tháng liền không mưa thì việc trồng rau là rất khó.
Quân và dân đất liền thích thú với vườn rau xanh của cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/20.
Tuy vậy, anh em trong đơn vị vẫn luôn kiên trì, tận dụng từng không gian nhỏ để gieo lên những mầm xanh dù là nhỏ nhất. Bởi mỗi cọng rau xanh trở nên rất đỗi quý giá với người lính.
Trên mỗi hòn đảo, được chứng kiến mỗi vườn rau xanh mát mọc lên là điều hết sức ý nghĩa. Đặc biệt, với nhiều cán bộ, chiến sĩ, chăm sóc vườn rau còn giúp họ trưởng thành, học được nhiều bài học giá trị trong cuộc sống.
Với chiến sĩ trẻ Bùi Thanh Tài, quê Thành phố Hồ Chí Minh là một trường hợp như thế. Sau mỗi giờ huấn luyện, Tài cùng các đồng đội cần mẫn chăm sóc cho vườn tăng gia của đơn vị. Nhờ được học những kỹ thuật cơ bản, cùng với sự siêng năng nên vườn rau của cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn xanh tươi mặc cho thời tiết nhiều tháng trong năm luôn khắc nghiệt.
Thanh Tài chia sẻ, hôm rồi em gọi về khoe ba mẹ mình và các đồng đội trồng được cả một vườn rau, ba mẹ không tin vì lúc còn ở nhà, em chưa từng làm điều này. Mẹ em như muốn khóc, một phần vì nhớ em, phần nữa mẹ vui vì thấy em đã trưởng thành hơn.
Chiến sĩ Bùi Thanh Tài (bên phải) cùng các đồng đội tưới rau sau giờ làm việc.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, khẳng định, hoạt động tăng gia là nếp sinh hoạt quan trọng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Không chỉ bảo đảm tự cung cấp nguồn rau xanh mà đây cũng là địa chỉ để kết nối, gắn kết tình cảm đồng đội, quân dân trên đảo.
Ai đã đến thăm vườn rau của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/20 thì càng thán phục những đôi tay khéo léo của bộ đội. Với khuôn viên rộng chừng 20m2 trên “tầng thượng” của nhà giàn, chúng tôi đếm được chừng hơn 10 loại rau xanh “chen” nhau trên các chậu đất.
Nào là rau muống, mồng tơi, cải xanh, bông ngót, dấp cá,… chậu nào cũng xanh rì, tươi tốt. Nhiều người đùa vui rằng, đây có lẽ là vườn rau có “view” đẹp nhất, độc nhất vô nhị giữa biển khơi.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trồng cây xanh trên đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: THANH VŨ)
Chia sẻ về vườn rau “đỉnh chóp” này, Thượng tá Đào Hồng Thắng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật, Vùng 4 Hải quân, cho biết, để vườn rau luôn giữ “phong độ”, các chiến sĩ đã phủ lưới bên trên để tránh tác động quá lớn từ điều kiện thời tiết bên ngoài.
Hằng ngày, sau giờ công tác, các chiến sĩ thay phiên tưới, tỉ mỉ theo dõi “sức khỏe” cho các loại rau. Khi có các chuyến tàu công tác, các chiến sĩ nhà giàn lại thu hoạch và chia sẻ cho các anh em ở đảo khác. Giữa khoảng cách, điều kiện đi lại, vận chuyển khó khăn giữa đất liền và nhà giàn, vườn rau trở thành niềm tự hào, niềm vui của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Màu xanh kiên trung giữa trùng khơi
Với quyết tâm xanh hóa Trường Sa, mỗi tấc đất đều được các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo tận dụng để gieo lên những mầm xanh.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên phó đảo An Bang cho biết, các đoàn viên hằng tháng đều tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị, tư tưởng gắn chặt với thực tiễn công tác, nhiệm vụ trên đảo.
Trong đó, các hoạt động xung kích như tăng gia sản xuất, chăm sóc vườn ươm thanh niên luôn được chú trọng để duy trì các mảng xanh trên đảo. Các chiến sĩ chủ động chọn, chiết giống các cây có tính thích ứng với điều kiện thời tiết để chung tay xanh hóa Trường Sa. Thời gian qua, mô hình vườn ươm thanh niên được thực hiện hiệu quả khi các chiến sĩ chọn, nhân giống nhiều giống cây để gửi đến các đảo khác.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa lớn đọc sách bên gốc cây cổ thụ.
Quá trình sinh hoạt, các loại chai nhựa, vỏ lon đều được thu gom và để vào đúng nơi quy định nhằm giữ vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan trên đảo. Mô hình này cũng được cán bộ, chiến sĩ thực hiện ở nhiều đảo khác.
Thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa” của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, giai đoạn 2021-2024, Bộ Tư lệnh Vùng 4 đã ươm, chiết và huy động hỗ trợ hơn 500 nghìn cây xanh, 400 tấn phân bón và gần 3.000 tấn đất dinh dưỡng.
Gần 90 nghìn cây dừa, phi lao, bàng ta, mù u, bàng vuông,… đã được trồng trên các đảo. Trong giai đoạn tiếp theo (2025-2027), đơn vị tiếp tục quy hoạch khu vực trồng cây, mở rộng vườn ươm để phủ xanh các diện tích khác trên các đảo.
Những gốc cây xanh nhiều năm tuổi vững chãi, can trường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên đảo Sinh Tồn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền nam, công tác phủ xanh trên các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, đảo Đá Tây A,… cũng được đơn vị chú trọng thực hiện nhiều năm qua.
Trước đây, nhiều đảo chỉ là những đảo trắng, cây cối rất khó sinh trưởng. Công tác nghiên cứu chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật được triển khai liên tục đã giúp các đơn vị đạt được những kết quả tích cực.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các cơn bão mạnh thường xuyên đổ bộ, không ít lần, các đảo đã bị thời tiết tàn phá, gây thiệt hại về cây xanh nhưng khi bão qua đi, những mầm xanh kiên trung lại tiếp tục mọc lên từ các phong trào trồng cây xanh, phong trào thi đua của quân và dân trên đảo.
Phút sinh hoạt, nghỉ ngơi của quân và dân đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dưới bóng cây xanh trên đảo Sinh Tồn.
50 năm sau Ngày Giải phóng Trường Sa, trong hành trình giữ gìn quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hành trình xanh hóa Trường Sa, những người con đất liền cũng đã góp công không ít để Trường Sa xanh nhanh hơn. Hàng chục nghìn cây xanh các loại, hàng trăm tấn đất, hàng chục tấn phân bón, giống cây, vườn ươm của mô hình “Vì Trường Sa xanh” đã theo những chuyến tàu ra đến các đảo.
Những mảng xanh lớn, vững chãi trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa lớn, Sinh Tồn Đông, Sơn Ca, Nam Yết... ngày nay chính là thành quả của nhiều năm liền bền bỉ như thế.
Ở phía cực nam của Tổ quốc, những Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Côn Đảo, Phú Quốc,... cũng đang vươn mình mạnh mẽ, hiên ngang trước sóng gió của biển cả. Những hòn đảo tiền tiêu xinh đẹp, yên bình rải đều dọc dải đất hình chữ S càng tô điểm thêm cho đất nước Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Những cây di sản ở Trường Sa
Đến nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã cấp Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho một số cây trên đảo Trường Sa (cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, cây mù u trên đảo Sơn Ca, cây bàng vuông 8 nhánh trên đảo Nam Yết,…). Trong đó, có nhiều cây có tuổi đời hơn 300 năm.
Cây Mù U được công nhận là cây di sản trên đảo Sinh Tồn.
Theo VACNE, việc công nhận và cấp bằng cho các cây Di sản ở Trường Sa không chỉ khẳng định ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, giáo dục truyền thống và sự có mặt của người Việt trên đảo Trường Sa mà còn minh chứng với thế giới rằng, quần đảo Trường Sa là mảnh đất bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Nguồn: VACNE
Bài và ảnh: QUANG QUÝ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nhung-dao-xanh-giua-bien-troi-que-huong-post874976.html