Bài học từ vụ không kích Osirak năm 1981 đối với cả Israel và Iran

Bài học từ vụ không kích Osirak năm 1981 đối với cả Israel và Iran
5 giờ trướcBài gốc
Kể từ khi Israel và Mỹ kết thúc chiến dịch không kích nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran hồi tháng 6, các cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh câu hỏi liệu Tehran cần vài tháng hay vài năm để khôi phục. Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng hơn là chiến dịch không kích này sẽ định hình lại thế cân bằng quyền lực nội bộ và cách tiếp cận an ninh quốc gia của Iran như thế nào.
Thay vì xóa bỏ tham vọng hạt nhân của Iran, chiến dịch của Israel và Mỹ có thể đã khiến chính quyền Tehran quyết liệt hơn trong việc chấm dứt mọi hình thức hợp tác quốc tế và tăng tốc chương trình hạt nhân. Các cuộc tấn công cũng đã tạo ra một tình thế đầy bất định về bước đi tiếp theo của Tehran – một kịch bản có nhiều điểm tương đồng với hậu quả của vụ Israel không kích lò phản ứng Osirak của Iraq năm 1981.
Lò phản ứng nghiên cứu Osirak ở Iraq sau cuộc không kích của Israel năm 1981. Ảnh: Creative Commons
Bài học từ vụ không kích Osirak ở Iraq
Cuối những năm 1970, khi Iraq đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh nhờ nguồn thu dầu mỏ dồi dào, nước này đã quyết định khởi động chương trình hạt nhân. Năm 1976, Iraq mua từ Pháp một lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu dân sự có tên Osirak và đây được xem là nền tảng ban đầu cho chương trình hạt nhân của Baghdad.
Việc Pháp cung cấp cho Iraq lò phản ứng Osirak cùng lượng urani được làm giàu ở mức 93% đã dấy lên lo ngại rằng Baghdad có thể chuyển hướng sử dụng chúng để sản xuất plutoni nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thiết kế lò phản ứng Osirak khiến việc đó trở nên rất khó khăn về mặt kỹ thuật, hơn nữa cơ sở này quá nhỏ và được giám sát chặt chẽ, không đủ điều kiện để phục vụ chương trình vũ khí. Trên thực tế, chương trình của Iraq thời điểm đó chủ yếu mang tính thăm dò và các nhà khoa học chưa nhận được mệnh lệnh chính trị rõ ràng về việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngày 7/6/1981, Israel bất ngờ tiến hành không kích và phá hủy lò phản ứng Osirak. Israel coi đây là một thắng lợi vang dội và nhanh chóng biến vụ tấn công thành hình mẫu cho chiến lược triệt tiêu mối đe dọa hạt nhân đang manh nha.
Tuy nhiên, câu chuyện “thành công” đó đã làm lu mờ hậu quả thực sự của vụ không kích: Thay vì chặn đứng tham vọng hạt nhân, cuộc tấn công lại khiến chương trình của Iraq bùng nổ mạnh mẽ hơn. Chế độ Baath, vốn luôn ám ảnh về vấn đề an ninh, đi đến kết luận rằng họ buộc phải phát triển năng lực răn đe hạt nhân và để thành công, họ phải làm điều đó trong bí mật. Vụ không kích cũng thúc đẩy đội ngũ cán bộ kỹ thuật và kỹ sư thực hiện nhiệm vụ được coi là cấp thiết để bảo vệ đất nước.
Chỉ vài tháng sau vụ không kích, Tổng thống Saddam Hussein phê chuẩn việc triển khai một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật với mức đầu tư lớn, bất chấp cuộc chiến với Iran đang diễn ra. Một chương trình vốn còn rời rạc, thiếu định hướng chính trị rõ ràng đã thành ưu tiên hàng đầu. Giai đoạn 1983–1991, số lượng nhân sự tham gia tăng từ 400 lên 7.000 người, còn ngân sách hàng năm tăng vọt từ 400 triệu USD lên 10 tỷ USD.
Dưới sự dẫn dắt của các nhà khoa học hạt nhân mới được trao quyền, chương trình chuyển hướng từ sản xuất plutoni sang làm giàu urani, một lựa chọn tốn kém và phức tạp hơn về mặt kỹ thuật, nhưng không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và dễ che giấu hơn. Để có được công nghệ cần thiết, Iraq xây dựng một mạng lưới mua sắm bí mật sử dụng các công ty bình phong và nhân viên ngoại giao để mua thiết bị từ các nhà cung cấp ở Đức, Áo và Nhật Bản.
Cuối những năm 1980, chương trình đã gần đến giai đoạn hoàn thiện. Giới chức Iraq kỳ vọng có thể bắt đầu thử nghiệm lạnh thiết bị hạt nhân vào năm 1993 và sản xuất đủ urani làm giàu cao để chế tạo một quả bom mỗi năm từ năm 1994.
Cuối cùng, chính những quyết định mang tính rủi ro cao của Tổng thống Saddam Hussein, hơn là cuộc không kích của Israel, đã khiến Iraq không thể đạt mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân. Sau khi mở chiến dịch quân sự tại Kuwait năm 1990, ông Saddam đã thúc đẩy một chương trình hạt nhân khẩn cấp với mục tiêu hoàn tất chế tạo vũ khí trong vòng 6 tháng, một kế hoạch mà chính giới chuyên gia hạt nhân Iraq lúc đó hiểu rõ là khó khả thi.
Sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, theo các điều khoản đình chiến, Iraq buộc phải cho phép thanh sát viên vũ khí quốc tế vào làm việc. Không lâu sau đó, các nhóm thanh sát đã phát hiện chương trình hạt nhân của Iraq khi đó đã tiến rất gần ngưỡng năng lực chế tạo vũ khí.
Iran hiện nay không giống Iraq năm 1981
Cũng giống như hệ quả của vụ không kích Osirak, chiến dịch không kích nhằm vào chương trình hạt nhân tháng 6 vừa qua có thể đẩy một đối thủ trong khu vực rút vào hoạt động bí mật và tăng tốc phát triển. Với phe cứng rắn ở Iran, bài học có thể rất rõ ràng: Chỉ vũ khí hạt nhân mới có thể ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.
Dù các cuộc không kích có thể buộc Iran thay đổi cách tiếp cận, nhưng chúng nhiều khả năng đã củng cố quyết tâm vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Iran ngày nay tất nhiên không giống Iraq năm 1981, song những điểm tương đồng là không thể phủ nhận. Giống như vụ Osirak đã tạo ra đồng thuận chính trị trong nội bộ Iraq và mở đường cho các nhóm kỹ sư hạt nhân đầy tham vọng, những phát biểu gần đây của lãnh đạo Iran cho thấy các cuộc tấn công đã tiếp thêm động lực cho phe cứng rắn ở nước này.
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng cuộc xung đột hiện nay đang thúc đẩy một sự dịch chuyển quyền lực trong nội bộ Tehran, từ tầng lớp giáo sĩ sang các tướng lĩnh quân đội. Những nhân vật lãnh đạo mới này có thể hành xử lý trí hơn, song cũng tỏ ra quyết đoán, dè dặt với ngoại giao và có xu hướng ưu tiên năng lực răn đe thay vì đối thoại. Trong bối cảnh đó, giới khoa học hạt nhân Iran có thể cảm nhận rõ hơn tính cấp thiết của nhiệm vụ mà họ đang theo đuổi — tương tự cách mà vụ không kích Osirak từng tạo động lực cho các kỹ sư hạt nhân Iraq trước đây.
Chính quyền Iran hiện không còn nhiều lý do để quay lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân và cũng có rất ít động lực để làm vậy. Bài học đối với một số chính quyền trong khu vực cho thấy ngoại giao hạt nhân hiếm khi mang lại kết quả có lợi. Sau khi nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông trở thành mục tiêu của chiến dịch không kích do NATO dẫn đầu. Tại Iraq, chương trình hạt nhân đã không còn hoạt động trước thời điểm Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự năm 2003, song Tổng thống Saddam Hussein vẫn bị lật đổ, đưa ra xét xử và chịu án tử hình. Đối với Tehran, những tiền lệ như vậy có thể được nhìn nhận như một cảnh báo rõ ràng về rủi ro của việc từ bỏ năng lực răn đe.
Kịch bản Osirak có lặp lại ở Iran?
Những cuộc không kích cũng một lần nữa đánh đổi cái đã biết để lấy cái chưa biết. Giống như cách chương trình bí mật của Iraq phát triển âm thầm sau Osirak, việc Iran rút khỏi cơ chế giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ khiến cộng đồng quốc tế gần như không thể phát hiện các cơ sở hạt nhân bí mật trong tương lai.
Xét đến những khác biệt giữa Iraq trước đây và Iran hiện tại, quyết định tấn công dường như tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Dân số Iran hiện gấp 6 lần Iraq thời điểm đó, kinh tế lớn gấp 10 lần. Iran cũng có trình độ công nghệ cao hơn, tổ chức tốt hơn và năng lực bảo vệ chương trình hạt nhân tốt hơn nhiều. Bất chấp thiệt hại đối với các cơ sở hạt nhân và việc một số nhà khoa học bị ám sát, Iran vẫn nắm toàn bộ chuyên môn kỹ thuật cần thiết để khôi phục chương trình nếu muốn.
Tất nhiên, Iran cũng có những điểm yếu đáng kể. Chiến dịch của Israel cho thấy các cơ quan nhà nước của Iran đã bị tình báo nước ngoài thâm nhập nghiêm trọng. Phản ứng trước tình trạng này, Tehran được cho là đang tiến hành một chiến dịch thanh lọc nội bộ, bao gồm hàng loạt vụ bắt giữ và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những người bị cáo buộc liên quan. Iran hiện cũng bị cô lập hơn so với vài năm trước, với các đồng minh truyền thống hay các lực lượng ủy nhiệm chỉ thể hiện sự ủng hộ mang tính biểu tượng.
Tuy nhiên, về lâu dài, ngay cả những bất lợi này cũng có thể củng cố thêm cho lập luận cần có vũ khí hạt nhân, khiến giới lãnh đạo Iran tin rằng chỉ vũ khí nguyên tử mới có thể đảm bảo tồn tại của chế độ. Hơn nữa, giới lãnh đạo Iran hẳn cũng không bỏ qua thực tế rằng Triều Tiên, một quốc gia được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn duy trì được sự tồn tại của chế độ bất chấp sức ép kéo dài suốt nhiều thập kỷ.
Các cuộc không kích thường tạo cảm giác quyết đoán trong ngắn hạn, song những hệ quả gián tiếp và lâu dài lại thường bộc lộ dần theo thời gian. Phản ứng từ phía Iran có thể sẽ không xuất hiện ngay lập tức, nhưng có khả năng được thể hiện thông qua những bước đi âm thầm: rút khỏi tiến trình ngoại giao, khôi phục các cơ sở trong bí mật và theo đuổi điều mà họ xem là yếu tố then chốt để bảo đảm sự tồn tại.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Foreign Policy, Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/ho-so/bai-hoc-tu-vu-khong-kich-osirak-nam-1981-doi-voi-ca-israel-va-iran-post1213166.vov