Khi danh nghĩa 'tự vệ' trở thành hộ chiếu cho xâm phạm luật pháp quốc tế

Khi danh nghĩa 'tự vệ' trở thành hộ chiếu cho xâm phạm luật pháp quốc tế
10 giờ trướcBài gốc
Từ Gaza đến Tehran, từ Kashmir đến các cơ sở hạt nhân Iran, hàng loạt chiến dịch quân sự được triển khai với danh nghĩa “phòng vệ chính đáng”, nhưng lại kéo theo những hậu quả nghiêm trọng và đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp lẫn đạo lý. Khi sự im lặng, thỏa hiệp hoặc đồng thuận có chọn lọc của cộng đồng quốc tế dần trở thành thông lệ, ranh giới giữa bảo vệ an ninh và vi phạm luật pháp quốc tế đang ngày càng bị xóa nhòa.
Khói bốc lên sau một vụ không kích của Israel ở TP Gaza.
Không có thảm kịch nào trong năm 2025 phơi bày rõ ràng hơn sự rạn vỡ của trật tự quốc tế hiện hành như cuộc chiến tại Gaza. Hơn 36.000 người Palestine thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, hàng trăm nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa trong cảnh thiếu thốn trầm trọng về nước, lương thực và chăm sóc y tế.
Theo Văn phòng Điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA), 80% cơ sở y tế tại Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Hình ảnh các trại tị nạn bị giội bom, bệnh viện trở thành đống đổ nát, và thường dân thiệt mạng trong các đợt không kích đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu. Tuy nhiên, phản ứng chính thức từ nhiều quốc gia phương Tây lại dừng ở mức độ cầm chừng, thậm chí có lúc là biện hộ, dẫn tới những chỉ trích ngày càng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Báo cáo sơ bộ của Ủy ban Điều tra độc lập thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) cũng chỉ ra các dấu hiệu rõ ràng cho thấy Israel đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ dân thường trong xung đột.
Tuy nhiên, thay vì bị lên án toàn diện, Tel Aviv vẫn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ về chính trị và quân sự từ một số cường quốc. Nghịch lý lớn nhất, theo nhà phân tích chính trị Richard Falk, cựu Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền tại Palestine, chính là “một hệ thống luật pháp quốc tế đang bị thi hành có chọn lọc, nơi sinh mạng của người Palestine dường như không được tính bằng chuẩn mực đạo lý tương đương với các dân tộc khác”. Đây không chỉ là một khủng hoảng nhân đạo, mà là một thử thách lớn đối với tính hợp pháp và uy tín của luật pháp quốc tế hiện đại.
Không dừng lại ở Gaza, sự im lặng hoặc phản ứng chọn lọc ấy đã lan rộng như hiệu ứng domino, tạo tiền lệ nguy hiểm cho các điểm nóng khác. Tại Nam Á, sau vụ tấn công khiến 26 dân thường thiệt mạng ở khu vực Pahalgam (Kashmir), Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng cáo buộc Pakistan là bên đứng sau mà không chờ kết quả điều tra độc lập. Đêm 6–7/5, Ấn Độ phát động Chiến dịch Sindoor, không kích vào lãnh thổ Pakistan, trong đó có cả các địa điểm tôn giáo – điều vốn được luật nhân đạo quốc tế bảo vệ nghiêm ngặt. Chiến dịch này khiến 43 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Dù vậy, phản ứng từ cộng đồng quốc tế vẫn khá dè dặt. Chỉ có một vài lời kêu gọi “kiềm chế” được đưa ra, thay vì các cơ chế điều tra hoặc lên án mạnh mẽ như từng được áp dụng trong các cuộc khủng hoảng khác. Giới chuyên gia lo ngại, đây chính là biểu hiện của một trật tự quốc tế đang bị tái định hình bởi quyền lực. Tiến sĩ Zia Mian, chuyên gia an ninh hạt nhân tại Đại học Princeton, nhận định: “Ấn Độ đang học cách sử dụng biện hộ “tự vệ” như một thứ ngôn ngữ chính trị toàn cầu. Họ chứng kiến Israel làm điều đó mà không bị trừng phạt và giờ đang thử nghiệm điều tương tự trong khu vực của mình”.
Tại Trung Đông, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Israel phát động Chiến dịch “Sư tử Trỗi dậy” tấn công vào lãnh thổ Iran, với cáo buộc rằng Tehran chỉ còn vài tháng nữa là có thể chế tạo vũ khí hạt nhân - một luận điểm chưa từng được xác thực bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Điều đáng lưu ý, Israel là quốc gia duy nhất trong khu vực có vũ khí hạt nhân nhưng không tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và từ chối hợp tác với IAEA.
Đáp lại, Iran triển khai Chiến dịch “Lời hứa Thật III” trong 12 ngày liên tiếp, với hàng trăm tên lửa đạn đạo, hành trình và siêu vượt âm nhắm vào các mục tiêu quân sự của Israel. Dù không gây tổn thất quá lớn, chiến dịch này được xem là bước ngoặt quan trọng, cho thấy một thông điệp rõ ràng: không phải mọi quốc gia đều bất lực trước sự đơn phương vũ lực. Giáo sư Trita Parsi, Phó Chủ tịch Viện Quincy về Chính sách Trách nhiệm, cho rằng: “Cách Israel tấn công Iran là sự mở rộng logic chiến tranh phủ đầu - một chiến lược mà Hoa Kỳ từng khởi xướng ở Iraq. Nhưng Iran không phải là Gaza, và phản ứng mạnh mẽ của họ cho thấy giới hạn cho chiến lược này”.
Đáng lo ngại hơn cả là vai trò của Mỹ trong việc phá vỡ các rào chắn thể chế. Dưới quyền Tổng thống Donald Trump, Lầu Năm Góc đã thực hiện các cuộc không kích đơn phương vào cơ sở hạt nhân Iran (Chiến dịch Búa Đêm) bằng bom xuyên phá GBU-57 và tên lửa Tomahawk, mà không thông qua Quốc hội hoặc Hội đồng Bảo an. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, một cuộc tấn công nghiêm trọng như vậy được tiến hành mà không có bất kỳ sự chấp thuận nào từ các cơ chế kiểm soát nội bộ hoặc quốc tế.
Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) Agnes Callamard nhận định: “Hành động của Mỹ ở Iran cho thấy một sự khinh thường nghiêm trọng với nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Khi các siêu cường quyết định bỏ qua luật lệ quốc tế, thì toàn bộ hệ thống sẽ trở nên vô nghĩa”. Không những vậy, nguy cơ môi trường do các vụ tấn công vào cơ sở hạt nhân có thể gây rò rỉ phóng xạ đã được nhiều chuyên gia độc lập cảnh báo là “rất cao và chưa từng có tiền lệ”.
Trật tự quốc tế - vốn được xây dựng trên nền tảng tôn trọng luật pháp, đối thoại và bảo vệ dân thường - đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Những nguyên tắc từng được xem là bất khả xâm phạm, như không tấn công bệnh viện, nơi thờ tự, và khu vực dân cư, giờ đây trở thành điều có thể thương lượng hoặc bỏ qua nếu bên gây ra đủ mạnh hoặc có đồng minh hậu thuẫn.
Việc các thể chế như LHQ, IAEA hay Tòa án Hình sự quốc tế (ICJ) bị gạt ra ngoài, hoặc không được trao quyền hành thực chất, cho thấy hệ thống quốc tế đang vận hành ngày càng phụ thuộc vào tương quan lực lượng thay vì nguyên tắc. Sự phân biệt trong phản ứng - nơi sinh mạng của người Palestine, người Kashmir hay người Iran bị xem nhẹ hơn người dân của các quốc gia đồng minh phương Tây - đã dẫn tới một thực tế đáng báo động. Công lý quốc tế không còn là tấm màn mù lòa như biểu tượng của nó, mà là một thực thể có lựa chọn, có thiên vị. Pháp luật, trong bối cảnh ấy, không còn là công cụ bảo vệ lẽ phải, mà có thể trở thành vỏ bọc để chính danh hóa quyền lực. Tiến sĩ Michael Lynk, cựu Báo cáo viên LHQ về nhân quyền tại vùng lãnh thổ Palestine, từng cảnh báo: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mà luật pháp quốc tế chỉ tồn tại nếu các cường quốc cho phép nó tồn tại. Nếu không được củng cố bởi một ý chí chung toàn cầu, hệ thống này sẽ sụp đổ từ bên trong”.
Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công và hậu quả nhân đạo? Liệu trật tự quốc tế hiện tại có thể tự tái sinh, hay chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà quyền lực thay thế luật lệ, và chính sách đối ngoại được định hình bởi khả năng phóng tên lửa, thay vì khả năng thương lượng? Nếu sinh mạng của người dân ở Gaza, Esfahan hay Peshawar chỉ còn được tính như “thiệt hại phụ” trong các cuộc xung đột thời đại mới, thì nền hòa bình quốc tế đang bị đặt trên một nền móng đầy nguy cơ. Và khi luật pháp bị vũ khí hóa, khi đạo lý bị thương mại hóa, thì điều gì - nếu còn - sẽ giữ thế giới này khỏi trượt dài vào hỗn loạn?
Đặng Hà
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/khi-danh-nghia-tu-ve-tro-thanh-ho-chieu-cho-xam-pham-luat-phap-quoc-te-i774150/