Thủ tướng yêu cầu trình nghị định sửa đổi về kinh doanh vàng trước ngày 15/7
Ngày 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 104 chỉ đạo tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì quản lý thị trường vàng hiệu quả, khẩn trương trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định 24 về kinh doanh vàng trước ngày 15/7.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt khoảng 16%.
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính được giao tiếp tục điều hành chính sách mở rộng có trọng tâm, tăng cường quản lý thu ngân sách, thúc đẩy hóa đơn điện tử, phấn đấu thu vượt 20% dự toán.
Bên cạnh đó, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch năm.
Chuẩn bị khởi công mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 8 - 10 làn xe
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành từ 4 làn lên 8 - 10 làn xe dài 21km sẽ được khởi công vào ngày 19/8/2025 và cơ bản hoàn thành trong năm 2026. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.720 tỷ đồng, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động và tổ chức thu phí hoàn vốn.
Hiện VEC đang hoàn thiện các thủ tục phê duyệt đầu tư, lựa chọn nhà thầu, đồng thời triển khai khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến trình thẩm định trước ngày 20/7. Việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện ngay sau khi dự án được phê duyệt, với nguồn vốn do VEC bố trí.
Dự án được áp dụng cơ chế “công trình xây dựng khẩn cấp” nhằm rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ, bao gồm cả chỉ định thầu và cơ chế tư vấn đặc thù. Theo quy hoạch, đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 mở rộng lên 8 làn, còn đoạn từ Vành đai 3 đến Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng 10 làn.
TP.HCM sẽ thành lập Ban chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội
UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng TP.HCM tham mưu thành lập Ban chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và xây dựng quy chế hoạt động, hoàn thành trong quý III/2025.
Đồng thời, Sở Xây dựng TP.HCM được yêu cầu đôn đốc các chủ đầu tư tập trung nguồn lực triển khai, hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã đăng ký khởi công và hoàn thành trong năm 2025.
Cũng trong quý III, TP.HCM sẽ cập nhật quỹ đất dành cho nhà ở xã hội vào quy hoạch phân khu, làm cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo. Trong tháng 7, Sở Xây dựng sẽ trình UBND TP.HCM quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định pháp luật hiện hành.
Giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM dự kiến phát triển hơn 94.000 căn nhà ở xã hội. Chỉ tiêu phân bổ tăng dần qua từng năm, cụ thể: năm 2026 là 9.438 căn, đến năm 2030 là 28.315 căn.
Việc điều chỉnh chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng về việc TP.HCM và Hà Nội mỗi địa phương hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội trước năm 2030.
TP.HCM đặt mục tiêu khởi công tuyến metro số 2 vào tháng 12/2025
TP.HCM đặt mục tiêu khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11 km vào tháng 12/2025, sớm hơn 2 năm so với các tuyến khác, nhằm mở đường cho hệ thống metro quy mô 355 km trong 10 năm tới.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) phối hợp cùng các sở ngành hoàn tất thủ tục, sử dụng thiết kế kỹ thuật FEED thay cho thiết kế cơ sở nhằm rút ngắn thời gian điều chỉnh dự án. Thành phố cũng đẩy nhanh làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc về vốn vay và điều chỉnh hiệp định với đối tác quốc tế.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 47.890 tỷ đồng. Trong bối cảnh vốn ODA chậm giải ngân, TP.HCM chủ động chuyển sang sử dụng toàn bộ ngân sách để triển khai, thể hiện quyết tâm chính trị cao.
Ngoài đoạn hiện hữu, thành phố định hướng mở rộng tuyến metro số 2 dài 48 km kết nối trung tâm TP.HCM với sân bay Long Thành, với sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân như THACO. Đây được xem là biểu tượng cho giai đoạn bứt phá hạ tầng đô thị TP.HCM.
Tiền gửi tiết kiệm của người dân đạt mức cao nhất từ đầu năm 2025
Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2025, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 7,53 triệu tỷ đồng, tăng gần 6,7% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, tương đương khoảng 500.000 tỷ đồng dòng tiền nhàn rỗi đổ vào hệ thống ngân hàng chỉ trong 4 tháng.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tuy giảm nhẹ 0,55% nhưng vẫn ở mức hơn 7,62 triệu tỷ đồng. Tổng cộng, hệ thống tín dụng đã thu hút trên 15,16 triệu tỷ đồng từ dân cư và doanh nghiệp.
Báo cáo từ Cục Thống kê cho biết, đến ngày 26/6, huy động vốn toàn hệ thống tăng 6,11%, còn tăng trưởng tín dụng đạt 8,3%.
Dù lãi suất huy động ổn định, dao động từ 4,5% đến trên 7%/năm tùy kỳ hạn, sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm vẫn duy trì nhờ tính an toàn cao. Lãi suất cho vay cũng duy trì ở mức hợp lý, bình quân từ 6,6% đến 8,9%/năm, riêng lĩnh vực ưu tiên chỉ khoảng 3,9%, dưới trần 4% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Xã rộng thứ 2 TP.HCM quy hoạch 19 khu, cụm công nghiệp đón làn sóng di dời doanh nghiệp
Xã Phú Giáo, xã rộng thứ hai của TP.HCM với diện tích hơn 192 km², đang được quy hoạch phát triển thành trung tâm công nghiệp mới, đón đầu làn sóng di dời doanh nghiệp từ khu vực phía Nam lên phía Bắc.
Theo định hướng phát triển không gian vùng theo mô hình “1 không gian, 3 khu vực” do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đề xuất, xã Phú Giáo thuộc khu vực “thủ phủ công nghiệp”, bên cạnh “thủ phủ tài chính - công nghệ cao” và “thủ phủ kinh tế biển”.
Tại đây, thành phố quy hoạch 19 khu và cụm công nghiệp, trong đó nổi bật có Khu công nghiệp Phú Giáo 4 (1.000 ha), Vĩnh Lập (750 ha), Phú Giáo 1 (550 ha) và Phú Giáo 3 (500 ha). Ngoài ra, 8 cụm công nghiệp tại các khu vực sáp nhập từ xã An Bình và xã Tam Lập cũng sẽ được hình thành.
Các khu, cụm công nghiệp ưu tiên đầu tư gồm: KCN Vĩnh Lập, Phú Giáo 4; cụm công nghiệp Tam Lập 2, 5 và An Bình 1, 4, 7. Đây là bước chuẩn bị chiến lược nhằm tiếp nhận khoảng 2.900 doanh nghiệp theo đề án di dời công nghiệp đã được triển khai từ năm 2019.
TP.HCM sắp khởi công xây mới cầu Rạch Tôm
Giữa tháng 7/2025, cầu Rạch Tôm mới trên tuyến đường Lê Văn Lương, xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè cũ), sẽ chính thức được khởi công. Đây là thông tin vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) xác nhận.
Cầu Rạch Tôm mới dài 684m, với điểm đầu cách mố cầu cũ phía TP.HCM khoảng 319m và điểm cuối cách mố cầu cũ phía Long An khoảng 301m. Cầu sẽ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, kết hợp hệ thống chiếu sáng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng mức đầu tư là 496,7 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Hiện công tác lựa chọn nhà thầu đã hoàn tất, các thủ tục chuẩn bị khởi công đang được gấp rút triển khai. Về mặt bằng, 224 tỷ đồng đã được giải ngân để bồi thường, hỗ trợ cho 111 trường hợp. Phần mặt bằng còn lại sẽ được bàn giao trước 30/9.
Cầu Rạch Tôm hiện hữu được xây dựng trước năm 1975, đã xuống cấp nghiêm trọng. Dự án mới kỳ vọng sẽ giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM.
Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng xử lý dứt điểm vướng mắc 13 dự án tại bán đảo Sơn Trà
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa có kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đà Nẵng, yêu cầu thành phố đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến 13 dự án tại bán đảo Sơn Trà.
Một dự án dang dở ở bán đảo Sơn Trà, bỏ hoang hàng chục năm nay
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đà Nẵng trong việc triển khai thực hiện Kết luận 77 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 170 của Quốc hội, đặc biệt là việc xử lý các vấn đề đất đai liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm tra và bản án. Đến nay, gần một nửa số dự án vướng mắc đã được tháo gỡ, một kết quả bước đầu quan trọng, có thể làm mẫu cho các địa phương khác học hỏi.
Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường để xử lý dứt điểm các tồn tại còn lại. Đồng thời, thành phố cần tổng hợp kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, gửi các bộ ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Đề xuất chia hộ kinh doanh thành 4 nhóm để quản lý thuế từ năm 2026
Từ năm 2026, Việt Nam sẽ xóa bỏ phương thức thuế khoán, thay bằng hình thức tự kê khai và nộp thuế dựa trên doanh thu thực tế, theo định hướng hiện đại hóa và minh bạch hóa quản lý thuế.
Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đề xuất chia hộ và cá nhân kinh doanh thành 4 nhóm theo quy mô doanh thu để áp dụng phương thức quản lý phù hợp.
Nhóm 1 (doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm) không phải nộp thuế; nhóm 2 (200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm) khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử và ghi sổ kế toán đơn giản. Nhóm 3 (doanh thu 1 - 3 tỷ đồng với sản xuất, xây dựng; 1 - 10 tỷ đồng với thương mại, dịch vụ) và nhóm 4 (từ 10 tỷ đồng trở lên) bắt buộc dùng hóa đơn điện tử và áp dụng chế độ kế toán tương ứng.
Các chuyên gia cho rằng việc bỏ thuế khoán là tất yếu, nhưng cần lộ trình cụ thể, đơn giản hóa thủ tục kê khai, hỗ trợ công nghệ và chi phí để tránh gây áp lực lên hộ kinh doanh. Hệ thống thuế thân thiện sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển, minh bạch và hội nhập vào kinh tế chính thức.
EVN yêu cầu rà soát hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng bất thường
Trước phản ánh của người dân về hóa đơn tiền điện tháng 6/2025 tăng đột biến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực và công ty thành viên khẩn trương rà soát, kiểm tra từng trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo minh bạch, chính xác trong tính toán chi phí điện năng.
EVN yêu cầu các đơn vị cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng điện tiêu thụ, giải thích rõ cách tính hóa đơn, nhất là với hộ sử dụng điện sinh hoạt. Đồng thời, phải kịp thời phản hồi, giải đáp khi khách hàng có kiến nghị; tăng cường tuyên truyền về thay đổi trong phát hành hóa đơn, thu tiền điện sau sáp nhập đơn vị hành chính.
Lãnh đạo tổng công ty và giám đốc công ty điện lực chịu trách nhiệm toàn diện trước EVN về kết quả xử lý kiến nghị. Ngoài ra, các đơn vị phải cung cấp giải pháp giám sát điện năng qua ứng dụng và hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Trước đó, nhiều khách hàng phản ánh tiền điện tháng 6 tăng gấp đôi dù nhu cầu sử dụng không tăng, gây lo lắng và bức xúc trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.
NH