Bảo đảm an toàn đê bối và không gian thoát lũ

Bảo đảm an toàn đê bối và không gian thoát lũ
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều đê bối bị sự cố, sạt lở
Đê bối và không gian thoát lũ có vai trò làm chậm lũ, giảm áp lực lũ trên sông, giữ cho đê chính an toàn. Theo ngành chức năng, toàn tỉnh có 48 tuyến đê bối với chiều dài hơn 180 km, tập trung ở các địa phương như: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, thị xã Việt Yên. Hệ thống đê bối còn bảo vệ khu vực dân sinh của hàng nghìn hộ dân cùng hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, công trình khác có giá trị.
Lực lượng chức năng xử lý giờ đầu đối với sự cố sạt trượt mái đê bối Đồng Việt (Yên Dũng).
Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua, nước trên các sông dâng cao khiến nhiều tuyến đê bối của tỉnh bị tràn bờ, phá vỡ kết cấu; một số vị trí bị xói lở nghiêm trọng gây chia cắt giao thông cục bộ, thiệt hại lớn cho địa phương có đê. Đáng chú ý, hầu hết các tuyến đê trên được xây dựng từ lâu, nhiều năm nay ít có mưa bão lớn nên một số đơn vị, địa phương chủ quan, chưa quan tâm, cải tạo, gia cố thường xuyên. Vì vậy, khi mưa bão, lũ lớn xảy ra, sức nước mạnh xoáy thẳng vào bờ đã gây nhiều sự cố; để khắc phục cần rất nhiều kinh phí và thời gian.
Đê bối có vai trò làm chậm lũ, giảm áp lực lũ trên sông và giữ cho đê chính an toàn. Theo ngành chức năng, toàn tỉnh có 48 tuyến đê bối với chiều dài hơn 180 km, tập trung ở các địa phương như: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Nam, thị xã Việt Yên.
Huyện Yên Dũng có chiều dài đê bối lớn nhất tỉnh với hơn 40 km. Thống kê mới nhất của UBND huyện, bão số 3 và mưa lũ khiến địa phương bị thiệt hại khoảng 374 tỷ đồng; trong đó có 17 đoạn, vị trí đê bị sự cố, nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Nhiều xã nằm trong vùng thoát lũ nên khi nước dâng cao, những tuyến đê bối ở khu vực này đã phát sinh sự cố. Điển hình như đê bối Lãng Sơn bị vỡ 3 đoạn với tổng chiều dài 500 m kéo dài từ trạm bơm đến cầu qua kênh tiêu; đê Thắng Cương bị vỡ khoảng 150 m.
Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Địa phương gặp nhiều khó khăn do số lượng sự cố đê xảy ra lớn, trong khi ngân sách khó khăn. Vì vậy, huyện đang đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí cho địa phương tổ chức cải tạo, nâng cấp, xử lý các đoạn bị sự cố, vị trí xung yếu. Trong đó, ưu tiên xử lý trước các công trình sạt lở nghiêm trọng thuộc tuyến đê bối Thắng Cương, Đồng Phúc, Đồng Việt, Trí Yên, Lãng Sơn”.
Để có số liệu đầy đủ, chính xác về hiện trạng các công trình đê bối, Sở Nông nghiệp và PTNT đang hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá, báo cáo hiện trạng từng tuyến như: Cao trình, bề rộng mặt đê, hệ số mái đê, các cống dưới đê. Đối với các tuyến đê chưa có tràn sự cố, tiến hành rà soát, lựa chọn vị trí xây dựng tràn, cống qua đê để chủ động cho nước vào khi mực nước sông vượt mức báo động II. Đề xuất các giải pháp để bảo đảm vận hành công trình an toàn. Lập danh sách các công trình xây dựng, nhà ở… trong phạm vi bảo vệ đê cấp IV, cấp V.
Nâng cao năng lực thoát lũ
Đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, chức năng của đê bối là điều tiết nước lũ trên sông lớn. Bởi sau đê bối đã có đê bao chính ngăn nước sông tràn vào các khu vực thành thị và nông thôn khác. Do đó, trong phòng, chống lụt bão, địa phương phải thực hiện nghiêm việc phân, thoát lũ vào các vùng đã được quy hoạch, trong đó có các vùng sau đê bối. Sau mưa bão, nhiều khu vực xảy ra sự cố lún, nứt, sạt trượt cần khắc phục sớm để tiếp tục thực hiện chức năng bảo vệ vùng dân cư, hoa màu của bà con.
Thời điểm này, huyện Tân Yên đã hoàn thành công tác kiểm tra, xác định có 5 tuyến đê bối cần khắc phục, gia cố. Huyện cũng xây dựng phương án kỹ thuật mở rộng mặt đê, kè chống sạt lở đối với đê Phú Khê, đê Hàng Cơm. Tại huyện Lục Nam, sau hơn 10 ngày khẩn trương rà soát, huyện đề nghị tỉnh cho phép sửa chữa lớn đối với 3 đê bối là: Vũ Xá - Đan Hội; Đồi Ngô - Huyền Sơn và Cương Sơn.
Để xử lý các sự cố trên, địa phương cần khoảng 50 tỷ đồng trong khi ngân sách eo hẹp chỉ có thể đối ứng một phần nhỏ. Theo đó, huyện đề xuất UBND tỉnh trích nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố nói trên. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá, các địa phương chủ động bố trí kinh phí thực hiện duy tu, sửa chữa những hư hỏng vừa và nhỏ; đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT - đơn vị được giao quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh được biết, từ các nguồn nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, đến nay, Quỹ có khoảng 90 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định trích Quỹ này gần 10 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục một số sự cố đê điều. Trên cơ sở báo cáo đánh giá của các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương tu bổ, cải tạo đối với sự cố lớn, nâng cao năng lực cho các tuyến đê.
Để nâng cao năng lực thoát lũ của hệ thống đê bối cần nhiều giải pháp cấp bách xử lý trước mắt và lâu dài. Theo đó, các địa phương căn cứ theo thẩm quyền bố trí kinh phí thỏa đáng định kỳ cho việc duy tu, nâng cấp, gia cố đê bối. Lực lượng chức năng địa phương phối hợp với Hạt Quản lý đê tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; tuyên truyền người dân bảo vệ đê. Đồng thời chủ động phương án, kịch bản ứng phó nếu xảy ra mưa bão, lũ lớn có nguy cơ ảnh hưởng các tuyến đê và hành lang thoát lũ.
Qua ứng phó với bão số 3 và mưa lũ vừa qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao một số địa phương đã chủ động bám sát quy định, tình hình thực tiễn để chỉ đạo, triển khai các giải pháp xử lý sự cố đê. Điển hình như việc ứng phó, bảo vệ đê bối Tiên Sơn - Vân Hà (thị xã Việt Yên). Thời điểm nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ tràn qua mặt đê, để bảo vệ tuyến đê bối này, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng và nhân dân dừng ngay việc đắp đê, đồng thời dùng bạt chuyên dụng đắp bảo vệ thân đê... Nhờ vậy giúp giảm thiểu tình trạng ngấm nước, xói lở gây vỡ đê khi nước tràn bờ.
Bài, ảnh: Hải Vân
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/bao-dam-an-toan-de-boi-va-khong-gian-thoat-lu-083638.bbg