Bảo đảm đồng bộ, hài hòa, thống nhất trong hệ thống pháp luật
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là 2 dự luật rất quan trọng. Việc sửa đổi lần này nằm trong Chiến lược cải cách thủ tục thuế, pháp luật về thuế. Trước đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế theo một lộ trình vừa bảo đảm công cụ quản lý của nhà nước vừa bảo đảm nguồn thu, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển; chống thất thoát nguồn thu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10. Ảnh: Minh Trang
Bên cạnh đó, cũng phải bảo đảm công bằng và thỏa đáng đối với các đối tượng nộp thuế, kể cả tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đối tượng là người nước ngoài, tổ chức thương mại trong nước hay nước ngoài... cũng phải phù hợp với các thông lệ quốc tế. “Đây là việc hết sức quan trọng, không chỉ với hai dự án luật này mà nhiều luật về thuế khác đã, đang sửa đổi và sắp tới cũng sẽ phải sửa để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế...”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét rất kỹ lưỡng, tiến hành thảo luận nhiều lần về hai dự án luật nêu trên. Ngay sau khi có kết luận về nội dung phiên họp, Chính phủ đã tiếp thu, thể hiện những nội dung này trong hồ sơ dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Minh Trang
Để hoàn thiện các dự luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu một số nội dung liên quan tới vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, vấn đề nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế tối thiểu doanh nghiệp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) còn chưa thống nhất về phạm vi các ngành, lĩnh vực được hưởng ưu đãi so với quy định của Luật Đầu tư và một số luật chuyên ngành cũng như một số dự thảo luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét ban hành ngay trong Kỳ họp này.
Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để quy định đồng bộ, hài hòa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cân nhắc kỹ lưỡng việc đánh thuế đồ uống có đường
Quan tâm đến việc quy định mức thuế suất 10% đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu rõ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bệnh lý thận, tiết niệu, ảnh hưởng đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến hệ xương răng do tăng lượng đường nạp vào cơ thể nhiều hơn nhiều lần mức cần thiết.
Để góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, đại biểu bày tỏ đồng tình đối với chính sách nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhấn mạnh mức tiêu thụ đường càng nhiều và lượng đường trong nước giải khát càng cao thì càng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị tính toán lại mức thuế suất “cứng” là trên 5g/100ml thì áp dụng mức thuế suất 10%; đồng thời, cần rà soát, đánh giá tác động để nghiên cứu quy định các ngưỡng cụ thể và tăng dần mức thuế suất (tính tối thiểu là 10%) như mặt hàng rượu, bia.
ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Minh Trang
Ở góc nhìn khác, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, không nên đánh thuế đồ uống có đường, giảm tiêu thụ nước ngọt không đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ béo phì vì người dân vẫn tiêu thụ đường thông qua nhiều loại đồ uống, thực phẩm khác. Bên cạnh đó, ước tính nếu ngành đồ uống giảm sản lượng sẽ tác động đến khoảng 20 ngành liên quan, gây thiệt hại về kinh tế.
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị quy định giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc ít nhất thời điểm áp dụng từ năm 2027 với lộ trình tăng là mỗi năm là 1/3 thuế suất dự kiến tăng đối với xe pick up chở hàng cabin kép.
Theo đại biểu, thuế ở mức cao làm giảm lợi thế so sánh giữa thị trường ô tô Việt Nam với các nước, đồng thời cũng làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phần lớn mặt hàng này so với các doanh nghiệp khác. Chúng ta cần duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch theo quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh và thông lệ quốc tế về môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng khuyến nghị Chính phủ không nên ban hành quy định mà tạo thuận lợi hoặc hạn chế cạnh tranh của nhóm đối tượng này so với đối tượng khác. “Đặc biệt, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pickup chở hàng cabin kép cũng không giúp tăng thu ngân sách về tổng thể”, đại biểu nói.
Minh Trang