Bảo vệ lợi ích của các chủ thể trong môi trường kinh doanh số

Bảo vệ lợi ích của các chủ thể trong môi trường kinh doanh số
2 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa, nguồn sưu tầm
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022). Quy mô thị trường bán lẻ TMĐT tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ đô la Mỹ năm 2014 lên đến 25 tỷ đô sau 10 năm, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 10% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2024.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, TMĐT đang phát triển rất nhanh, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu quản lý, đòi hỏi tư duy mới.
“Cần quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi số; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay, vừa khuyến khích, kiến tạo phát triển, thúc đẩy kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số, vừa thiết kế công cụ để quản lý, kiểm tra, giám sát, trong đó có quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý thuế, hạn chế được những mặt trái của thương mại điện tử, phòng chống buôn lậu, lừa đảo, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, sự thay đổi thói quen ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến trên môi trường TMĐT của người tiêu dùng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hoạt động, tối ưu trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa phương thức thanh toán.
Đặc biệt, với đặc thù linh hoạt, quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số, TMĐT giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận khách hàng toàn quốc, thậm chí toàn cầu, mở rộng thị trường, kênh phân phối hàng hóa với chi phí thấp hơn nhiều so với kênh truyền thống.
Bên cạnh đó, TMĐT còn giúp kinh tế tư nhân tăng hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành và nhanh chóng thích ứng với biến động thị trường. Do đó, hoàn thiện thể chế, bổ sung các chính sách về phát triển TMĐT nói chung và cho khu vực kinh tế tư nhân là một nhu cầu cấp thiết để kinh tế tư nhân bắt kịp xu thế, phát huy tiềm năng và khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số.
Dự thảo Luật được thiết kế bao gồm 7 Chương, 55 Điều, tập trung vào một số nội dung như:
Quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng trong thương mại điện tử, xác lập quy định đầy đủ về quá trình giao kết hợp đồng điện tử như: đề nghị, xác nhận, thời điểm giao kết, chấm dứt hợp đồng.
Bổ sung các quy định về giao kết hợp đồng thông qua chức năng “đặt hàng trực tuyến” trên các nền tảng thương mại điện tử. Dự thảo Luật TMĐT hiện đang hướng đến 02 trụ cột chính là: (i) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về TMĐT nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thất thu thuế, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; (ii) Phát triển TMĐT xanh, bền vững, tạo sự cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp trong nước; các yếu tố hỗ trợ cho TMĐT phát triển.
Hai trụ cột trên được thể hiện qua 6 nhóm chính sách, bao gồm: (1) Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động TMĐT. (2) Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động TMĐT xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam, người bán nước ngoài có hoạt động TMĐT tại Việt Nam. (3) Quy định loại hình và trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số đa dịch vụ, mạng xã hội có hoạt động TMĐT. (4) Quy định về dịch vụ hỗ trợ TMĐT và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. (5) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao kết hợp đồng trong TMĐT. (6) Thúc đẩy phát triển TMĐT xanh và bền vững.
Với các nhóm chính sách nêu trên, dự thảo Luật TMĐT đặt trọng tâm giải quyết một số vấn đề tồn đọng hiện nay là: Kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, đặc biệt trong việc định danh người bán, truy vết và xử lý vi phạm; Tránh thất thu thuế từ hoạt động TMĐT bao gồm cả TMĐT xuyên biên giới; Nâng cao công tác bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT và xây dựng các chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT trong giai đoạn tới.
Dự kiến, Luật TMĐT sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 10 năm 2025.
Ngọc Tú
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/bao-ve-loi-ich-cua-cac-chu-the-trong-moi-truong-kinh-doanh-so.html