Bất cập khu tái định cư vùng thiên tai – Bài 1: Dự án 'khẩn cấp'… hơn 10 năm vẫn chưa thể sử dụng

Bất cập khu tái định cư vùng thiên tai – Bài 1: Dự án 'khẩn cấp'… hơn 10 năm vẫn chưa thể sử dụng
4 giờ trướcBài gốc
Mưa lớn không dám ngủ
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to và rất to. Chính vì vậy, nước sông Lam dâng cao, đục ngầu, mấp mé mặt đường. Đây cũng là thời điểm hàng chục hộ dân tại cụm dân cư Hòa Lam (thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hưng Hòa, Tp. Vinh) vô cùng lo lắng, bất an.
Cụm dân cư Hòa Lam, thuộc thôn Thuận Hòa, nằm ngoài đê sông Lam.
Bà Ngô Thị Đào, người dân thôn Thuận Hòa cho biết, đến hôm nay người dân mới dám thở phào nhẹ nhõm. "Mấy hôm trước, đêm nằm nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà mà nóng hết cả ruột gan. Thỉnh thoảng lại phải dậy xem nước sông đến đâu rồi. Nếu nước sông dâng cao là phải bỏ lại nhà cửa, chạy để giữ tính mạng", bà Đào nói.
Cụm dân cư Hòa Lam là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân làm nghề chài lưới nơi hạ nguồn sông Lam. Do nằm ngoài đê sông Lam nên cụm dân cư này thường xuyên phải chịu cảnh ngập sâu, nhất là vào mùa mưa bão. Có năm, nước sông dâng cao lên đến nóc nhà, người dân phải sơ tán lên đê lánh nạn.
Nhiều ngôi nhà nơi đây mấp mé dòng nước.
Bà Hoàng Thị Thuyết, Trưởng thôn Thuận Hòa, cho biết, hầu hết nhà cửa của các hộ dân nơi đây đều đã xuống cấp nặng, nhưng cũng chỉ có thể vá víu tạm bợ. Vì vậy, vào năm 2012, khi nghe tin sẽ có dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa thì người dân vô cùng mừng rỡ.
Vào năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa, và giao cho Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, với tổng số tiền 36,6 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án nhằm bố trí, sắp xếp cho 58 hộ dân cụm dân cư Hòa Lam nằm trong diện chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đến khu tái định cư tập trung mới ở xóm Thuận Hòa, ngay phía đối diện trong đê sông Lam.
Sau một thời gian dài triển khai nhưng không có vốn để thực hiện, mãi đến năm 2020, dự án này mới được khởi công. "Dự án tái định cư đến nay đã xong, nhưng không hiểu vì lý do gì mà người dân vẫn chưa được di dời", bà Thuyết thở dài cho biết.
Mưa lớn khiến cả xóm bị ngập nặng phải di dời khẩn cấp vào tháng 12/2020.
Có mặt tại dự án này vào giữa tháng 9/2024, qua quan sát, phóng viên Nguoiduatin.vn nhận thấy cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa đã hoàn thành xong các hạng mục, đáp ứng đủ điều kiện để cho các hộ dân vào ở.
Thậm chí, vướng mắc trước đây là chưa có lối vào do vướng nút giao với Quốc lộ 46C cũng đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, tại đây vẫn vắng bóng người dân, chỉ thấy cây cỏ và là nơi để chăn thả trâu bò.
Sớm di dời dân vào ở trước mùa mưa bão
Điều đáng nói, vì kéo dài thời gian thực hiện nên từ mục tiêu di dời cho 58 hộ dân ban đầu, đến nay cụm dân cư Hòa Lam đã phát triển lên 82 hộ. Điều này khiến cho dự án tái định cư tiếp tục phải điều chỉnh.
Dự án tái định cư (giai đoạn 1) đã hoàn thành nhưng người dân vẫn chưa thể vào sử dụng.
Vào ngày 28/9/2023, giai đoạn 2 dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dời khẩn cấp 24 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai xóm Thuận Hòa" được UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục gặp vướng mắc. Dự án có diện tích gần 1,9 ha. Hiện đã có phương án giải phóng mặt bằng 1,3 ha. Số diện tích còn lại đang dừng lại vì tỉnh đang phải điều chỉnh lại các quy định để phù hợp Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024.
Ông Trần Trung Quân, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa xác nhận, hạ tầng khu tái định cư bố trí cho 58 hộ xóm Thuận Hòa (giai đoạn 1) xây dựng cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa được bàn giao đưa vào sử dụng. Do đó, đến nay công tác di dân vẫn chưa được thực hiện.
"Nhiều năm qua, địa phương liên tục phản ánh, đề nghị các cấp khẩn trương cho bà con cụm dân cư Hòa Lam được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm lên vị trí xây dựng tái định cư mới để ổn định cuộc sống. Thế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc", Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa nói.
Lo ngại nguy cơ khu vực dân cư Hòa Lam bị ngập sâu do nước sông Lam dâng lên sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống và tài sản của người dân mùa mưa bão, nên ngày 9/9 vừa qua, UBND xã tiếp tục đề nghị UBND Tp. Vinh chủ trì buổi làm việc với các sở, ban ngành cấp tỉnh và thành phố có liên quan để chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc.
Cây cỏ mọc um tùm nên nơi đây chủ yếu để người dân thả trâu bò.
Về việc này, ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Nghệ An (là đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và mới được nghiệm thu.
Mới đây, đơn vị đã có văn bản kiến nghị UBND Tp. Vinh tiếp nhận dự án để tiến hành di dân vào ở trước mùa mưa lụt năm 2024, và chỉ đạo các phòng ban liên quan của thành phố để hướng dẫn UBND xã Hưng Hòa trong quá trình tiếp nhận, thực hiện các bước để di dời dân đến khu tái định cư giai đoạn 1.
Song song với đó, Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND Tp. Vinh và UBND xã Hưng Hòa đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
Theo thống kê, Nghệ An hiện có 8.415 hộ/ 36.585 người sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, ngập lụt, lốc xoáy. Các hộ này chủ yếu tập trung ở các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương... Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên chính quyền địa phương chưa thể bố trí tái định cư cho các hộ dân này theo đúng kế hoạch.
Bất cập khu tái định cư vùng thiên tai – Bài 2: Chỗ có không cần, nơi cần không có
Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/bat-cap-khu-tai-dinh-cu-vung-thien-tai-bai-1-du-an-khan-cap-hon-10-nam-van-chua-the-su-dung-204240915093717493.htm