Bất chấp đạo đức để 'câu view': Một thứ văn hóa độc hại cần xử lý

Bất chấp đạo đức để 'câu view': Một thứ văn hóa độc hại cần xử lý
một ngày trướcBài gốc
Cuộc đối chất tình ái triệu view hay truyền thông “bẩn”?
Tối 29/3, Đặng Tiến Hoàng - một YouTube, nhạc sĩ được biết đến với nghệ danh ViruSs đã lên tiếng xin lỗi, khép lại ồn ào gây xôn xao mạng xã hội trong phiên livestream tối 28/3 về tình cảm riêng tư, kéo dài tới hơn 1 giờ sáng và thu hút tới hàng triệu lượt xem.
ViruSs trong phiên livestream gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Hàng triệu người thức đêm để xem một livestream chuyện đời tư giữa ViruSs và rapper Pháo nhân vật có sức ảnh hưởng trong giới giải trí với những lời lẽ công kích, chỉ trích nhau. Quá đông người theo dõi cũng khiến người ta lo ngại những việc như thế này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, khuyến khích việc giải quyết mâu thuẫn cá nhân công khai trên mạng xã hội.
Nhưng một số ý kiến chuyên gia cho rằng, đó không chỉ là một drama tình ái mà đang bị nghi vấn là truyền thông “bẩn”. Công thức rất đơn giản: “Sự phẫn nộ tạo tương tác và tương tác tạo ra tiền”. Bởi trên TikTok số lượt xem, lượt bình luận càng cao thì livestream càng được đẩy lên top. Người nào đăng ký bình luận thì sẽ phải nộp phí 130.000 đồng/tháng. Trong khi, trên kênh cộng đồng của ViruSs ghi nhận 635 người đăng ký (bao gồm cả những thành viên đã đăng ký từ trước).
Ngoài ra, người xem còn liên tục donate (quyên góp) cho ViruSs bằng những vật phẩm ảo như hoa hồng, sư tử, cá heo, TikTok Universe…Trong bảng giá của TikTok, những vật phẩm này sẽ quy đổi ra tiền, và sau khi trừ các khoản chi phí, số tiền này sẽ được chia “hoa hồng” cho các bên. Theo tính toán của một số chuyên gia, phiên livestream hàng triệu người xem của ViruSs có khả năng thu về hơn 100 triệu đồng.
Trước khi diễn ra buổi livestream triệu view cũng xuất hiện những dòng trạng thái úp mở của người trong cuộc, khiến MV lyrics “Sự nghiệp chướng” của Pháo bùng nổ với lượt xem, nghe. Sau 1 tuần ra mắt, MV này thu hút tới 19 triệu view, viral trên các nền tảng và hiện đang top 1 trending trên YouTube.
Mọi thứ không thể ngẫu nhiên như vậy, nhiều ý kiến nghi vấn rằng, đây là vở kịch được dàn dựng có chủ đích - một chiến dịch truyền thông theo kiểu: Tạo xung đột, thổi phồng cảm xúc và cuối cùng là kiếm tiền từ sự tò mò, hiếu kỳ. Nhưng kiểu truyền thông này thực sự gây ra nhiều hệ lụy cho giới trẻ.
Chuyên gia truyền thông - TS Lê Quốc Vinh cho biết, thời gian qua nhiều sản phẩm nội dung giải trí độc hại đã xuất hiện và thu hút sự chú ý của giới trẻ. Những video này thường nhận được hàng triệu lượt xem và tương tác, nhưng lại có tác động xấu đến nhận thức và giá trị văn hóa của giới trẻ.
“Với xu hướng chỉ tập trung vào giải trí mà không có chiều sâu, đang tạo ra những hệ quả nghiêm trọng cho văn hóa và tư duy của người trẻ. Khi nội dung chủ yếu mang tính chất hời hợt, thiếu chiều sâu, không chỉ làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống mà còn khiến cho thế hệ trẻ gặp khó khăn trong việc đánh giá và tận hưởng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng” - ông Vinh chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi những người làm nội dung bất chấp đạo đức để "câu view", và khi đám đông tiếp tục cổ vũ, chia sẻ, bàn tán như thể đó là chuyện không thể thiếu trong ngày - thì rõ ràng, chúng ta đang tiếp tay cho một thứ văn hóa độc hại.
Và nghiệt ngã hơn, nạn nhân không chỉ là những người trong cuộc, mà còn là một thế hệ trẻ đang lớn lên trong môi trường mạng. Khi người ta học cách nổi tiếng bằng tai tiếng; khi sự riêng tư không còn là điều được tôn trọng, chúng ta đang đánh mất những giá trị căn bản của một xã hội văn minh: sự tử tế, lòng trắc ẩn và cả khả năng suy nghĩ độc lập.
Trong câu chuyện này, điều khiến người ta giật mình không phải chỉ là câu chuyện tình ái riêng tư bị phơi bày, mà là cách nó bị đẩy lên thành một "bữa tiệc truyền thông", nơi hàng triệu người xúm lại không phải để tìm hiểu sự thật, mà để được giải trí bằng chuyện riêng tư của một ai đó.
Sự tiếp tay của những lượt tương tác vô cảm
Mạng xã hội phát triển từng được kỳ vọng sẽ là không gian tự do để người dân thể hiện quan điểm, thúc đẩy phản biện xã hội, lan tỏa những điều tử tế. Nhưng đáng tiếc, nó lại đang bị lạm dụng như một công cụ kiếm lời bằng cách khai thác sự tò mò của đám đông.
Nhiều người không đủ thời gian ngồi đọc một bài báo, nhưng sẵn sàng dành hàng tiếng đồng hồ để theo dõi từng dòng trạng thái, từng đoạn clip cắt ghép hay lời qua tiếng lại từ một cuộc sống riêng tư nào đó bị bới tung lên. Hoặc thay vì dành thời gian cho những hoạt động ý nghĩa như học tập lại chọn chìm đắm vào những nội dung vô bổ và cứ thế dần dần bị chi phối bởi những câu chuyện thị phi.
Nguy hiểm hơn khi việc này khiến nhiều người trẻ chạy theo sự nổi tiếng bằng bất cứ giá nào, thậm chí đánh đổi cả nhân phẩm và đạo đức. “Là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, đây mới thật sự là điều khiến tôi day dứt nhất - không phải ở những scandal ồn ào nhất thời, mà ở cái cách chúng đang ngấm dần vào tâm trí người trẻ như một "chuẩn mực thành công" mới: chỉ cần nổi tiếng, bất kể bằng cách nào” - ông Sơn chia sẻ, cho rằng khi sự nổi tiếng trở thành đích đến duy nhất, thì mọi giá trị đạo đức trở nên… có thể thương lượng. Có người chấp nhận làm trò cười cho thiên hạ, có người thản nhiên chửi bới, bịa đặt, dựng chuyện để gây sốc.
Và điều đáng sợ là chính mạng xã hội, với sự tiếp tay của những lượt tương tác vô cảm. Hiện các nền tảng như Facebook, Instagram hay TikTok thường sử dụng các thuật toán ưu tiên nội dung gây tương tác mạnh, từ đó càng khuếch đại sự lan truyền của các câu chuyện nóng hổi, scandal. Điều này cũng vô tình tiếp tay cho những trào lưu vô bổ, khiến giới trẻ bị cuốn vào vòng xoáy giải trí thiếu lành mạnh.
“Tôi không trách giới trẻ” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói vậy. Theo ông, trong một thế giới mà mọi thứ đều đang chạy thật nhanh, thật ồn ào, ai cũng khao khát được thấy, được ghi nhận, nhưng sự công nhận thực sự không bao giờ đến từ cái nhìn lướt qua của đám đông. Nó phải đến từ quá trình dài khẳng định mình bằng tài năng, bằng sự tử tế, bằng những giá trị bền vững mà không ánh hào quang ảo nào có thể thay thế được.
Còn với người tiêu thụ nội dung, tâm lý tò mò và nhu cầu giải trí là điều tự nhiên. Người trẻ không chỉ tìm kiếm tri thức mà còn cần giải trí, thư giãn. Vấn đề nằm ở mức độ và thời gian dành cho những nội dung đó như thế nào. Vì vậy, giáo dục, truyền thông, gia đình - tất cả đều cần lên tiếng để định nghĩa lại cho thế hệ trẻ thế nào là giá trị đích thực; cần trang bị tư duy phản biện để người trẻ tự biết chọn lọc đâu là nội dung có giá trị, đâu là nội dung “xấu độc”.
Luật sư Lê Hồng.
Luật sư Lê Hồng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội trong việc đảm bảo nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Việc công khai tranh cãi về đời tư, đặc biệt liên quan đến mối quan hệ tình cảm, có thể bị xem là vi phạm quyền riêng tư và gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trên mạng.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng có quy định chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức và quy định về điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền can thiệp và xử lý các trường hợp nội dung livestream không phù hợp, đặc biệt nếu nội dung đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
P. Sỹ (ghi)
Việt Hà
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/bat-chap-dao-duc-de-cau-view-mot-thu-van-hoa-doc-hai-can-xu-ly-10302669.html