Bất động sản: Đất ven Hà Nội trầm lắng như chưa từng có cơn sốt quét qua, TPHCM kiến nghị xử lý hành vi để đất trống

Bất động sản: Đất ven Hà Nội trầm lắng như chưa từng có cơn sốt quét qua, TPHCM kiến nghị xử lý hành vi để đất trống
13 giờ trướcBài gốc
Bất động sản: Đất ven Hà Nội trầm lắng, giá đất trong dân giảm sâu. (Ảnh: Hải An)
Đất đấu giá vùng ven Hà Nội treo cao, đất trong dân lao dốc
Ra Tết, BĐS Hoài Đức, Hà Nội - điểm nóng đấu giá đất hồi tháng 8/2024 - trầm lắng như chưa từng có cơn sốt quét qua.
Giá đất đấu giá không tăng nhiều nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, giá đất tại địa phương giảm hàng chục triệu đồng/m2.
Theo Vietnamnet, tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cho thấy, đất đấu giá có diện tích từ 85m2 đến gần 95m2 đang giao dịch từ 95 đến hơn 110 triệu đồng/m2, cao hơn khoảng 5-10 triệu đồng/m2 so với thời điểm đấu giá.
Năm ngoái, huyện Hoài Đức đã tổ chức 3 đợt đấu giá đất ở Tiền Yên, mức giá trúng đợt đầu lên đến 133,3 triệu đồng/m2, còn hai đợt sau từ 91 đến 103 triệu đồng/m2.
Khảo sát cho thấy, nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá (F0) tháng 8 năm ngoái đã sang nhượng ngay sau khi trúng với mức lãi 300 triệu đồng tiền chênh cho nhà đầu tư F1. Từ đó đến nay, gần như chưa có nhà đầu tư F2 nào mua vào. Không ít F0 vẫn còn nhiều lô chưa bán được kể từ khi trúng đấu giá đến nay.
Các môi giới vẫn kỳ vọng giá đất tại đây còn tăng cao, cho rằng, khu đất đấu giá nằm ở địa thế thuận lợi về giao thông khi cách Vành đai 4 đang xây dựng vài trăm mét.
Ngoài ra, biên độ của khu đấu giá rất lớn, có thể lên tới 150 triệu đồng/m2 trong tương lai gần.
Trong khi đất thuộc diện đấu giá không tăng mạnh thì đất tại địa phương của người dân giảm sâu, hiện dao động từ 55-70 triệu đồng/m2.
Một môi giới nhà đất cho biết, giá đất thôn làng đã tụt giảm so với thời điểm xã Tiền Yên tổ chức đấu giá. Ở thời điểm đó, sức nóng từ các phiên đấu giá đã kéo giá đất tại đây và các thôn lân cận lên đến 85-90 triệu đồng/m2, có những lô đường rộng 10m lên đến gần 100 triệu đồng/m2.
Ông Lương, một người dân ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, nói rằng thời điểm huyện Hoài Đức tổ chức đấu giá, mảnh đất 80m2 ông đang đứng tên thuộc diện đất ở nông thôn tăng giá mạnh ăn theo các lần đấu giá đất.
“Khi đó, mảnh đất của tôi được nhà đầu tư trả 85 triệu đồng/m2, nhưng tôi không bán. Thế nhưng mới đây, có người hỏi mua chỉ trả dưới 70 triệu đồng/m2”, ông Lương kể.
TPHCM kiến nghị xử lý hành vi để đất trống, không sử dụng đất
Mới đây, Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý hành vi để đất trống khi giải quyết hồ sơ sử dụng đất.
Trong văn bản, Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai, gia hạn sử dụng đất, đơn vị nhận thấy có nhiều trường hợp người sử dụng đất để đất trống, bỏ đất hoang không sử dụng. Mặc dù những trường hợp này vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng không thực hiện đúng theo mục đích được giao đất, thuê đất, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Thực tế áp dụng pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định 123 quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, do đó không có cơ sở thu hồi đất theo khoản 1 Điều 81 và khoản 2 Điều 82 Luật Đất đai năm 2024.
Các trường hợp này đề nghị công nhận quyền sử dụng đất hoặc gia hạn sử dụng đất do hết thời hạn sử dụng đất mà không phải để thực hiện dự án đầu tư nên không thuộc trường hợp áp dụng theo khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai năm 2024.
Do đó, để áp dụng thống nhất khi giải quyết hồ sơ đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn làm rõ hành vi người sử dụng đất để đất trống, không sử dụng; bỏ đất hoang, không khai thác hết diện tích được giao có được coi là hành vi vi phạm đất đai hay không, có là căn cứ để thu hồi đất không, nếu có thì xử lý theo điều khoản nào của pháp luật?
Trường hợp không áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành, để thực hiện đúng quy định pháp luật và Nghị quyết số 98 của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần bổ sung quy định “hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất như để đất trống, không sử dụng, bỏ hoang, không khai thác hết diện tích được giao... vào nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cùng đó, bổ sung thêm trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo Điều 81 Luật Đất đai năm 2024, áp dụng với đất được Nhà nước giao quản lý mà để trống, không sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm.
11 dự án BĐS ở Khánh Hòa sẽ được gỡ vướng
Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 (có hiệu lực từ ngày 1/4 tới) về cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra tại TPHCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó, tỉnh Khánh Hòa có 11 dự án liên quan việc giao đất, cho thuê đất mà Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu ra hồi tháng 9/2020.
Cụ thể, 5 dự án ở TP Nha Trang là: khu liên hợp dịch vụ thương mại, khách sạn và căn hộ du lịch và văn phòng cho thuê Luna; khách sạn The Horizon Nha Trang; khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú; khu phức hợp Thiên Triều và dự án cao ốc, văn phòng, khách sạn Cat Tiger. Những dự án trên được UBND tỉnh Khánh Hòa giao, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng.
Có 6 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu thầu gồm: The Arena, Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh, Evason Ana Mandara Cam Ranh & Spa, khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang (cùng thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh), tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang (số 60 Trần Phú, TP.Nha Trang).
Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội ban hành, nhà đầu tư các dự án trên sẽ được triển khai tiếp trong trường hợp sau khi rà soát đáp ứng điều kiện về quy hoạch sử dụng đất, đô thị, an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải đáp ứng đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án theo quy định pháp luật.
UBND tỉnh Khánh Hòa phải rà soát việc xác định giá đất đối với các dự án trên, tính và thu nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước các khoản nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, nhà đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau khi xác định lại giá đất. Trường hợp dự án không đủ điều kiện sau rà soát, địa phương sẽ thu hồi đất để quản lý.
Trường hợp dự án được giao đất, cho thuê đất trước ngày 1/7/2014 thì giá đất và các nghĩa vụ tài chính tính theo bảng giá tại thời điểm ban hành quyết định giao, cho thuê đất.
Quy định về đất ở tại đô thị
Đất ở tại đô thị thuộc nhóm đất phi nông nghiệp được sử dụng với mục đích xây dựng nhà ở và các mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất thuộc khu vực đô thị. Vậy Đất ở tại đô thị hiện nay được quy định thế nào?
Điều 196 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ tháng 8/2024) quy định về đất ở tại đô thị như sau:
1. Đất ở tại đô thị là đất để làm nhà ở và mục đích khác phục vụ cho đời sống trong cùng một thửa đất thuộc khu vực đô thị.
2. Căn cứ vào quỹ đất và tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị.
3. Đất ở tại đô thị phải bố trí đồng bộ với đất sử dụng cho mục đích xây dựng các công trình công cộng, công trình sự nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
4. Việc chuyển đất ở sang đất xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn, pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(tổng hợp)
H.A
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/bat-dong-san-dat-ven-ha-noi-tram-lang-nhu-chua-tung-co-con-sot-quet-qua-tphcm-kien-nghi-xu-ly-hanh-vi-de-dat-trong-305189.html