Bất động sản 'siêu đô thị' TP. Hồ Chí Minh thu hút giới đầu tư từ miền Bắc

Bất động sản 'siêu đô thị' TP. Hồ Chí Minh thu hút giới đầu tư từ miền Bắc
8 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh Hội thảo.
Tâm điểm thu hút đầu tư
Từ ngày 1/7/2025, TP. Hồ Chí Minh chính thức vận hành chính quyền hai cấp, hợp nhất không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển đô thị của Việt Nam, mở ra cơ hội hình thành siêu đô thị hiện đại, trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo tầm khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh đó, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là trục Đông Bắc đang đón nhận những tín hiệu tích cực và được đánh giá là tâm điểm thu hút đầu tư, nhất là phân khúc căn hộ, góp phần kiến tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại.
Nhờ thế mạnh "kiềng ba chân" gồm: kinh tế năng động, hạ tầng phát triển đồng bộ và khả năng thu hút dân số mạnh mẽ, khu vực Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh luôn "đi trước một bước" trong cuộc đua đón sóng đầu tư mới.
Chia sẻ tại Hội thảo “Bất động sản siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh: Thời cơ vàng cho nhà đầu tư Hà Nội” được tổ chức ngày 12/7, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, TP. Hồ Chí Minh hiện đang nắm giữ những lợi thế và cơ hội hiếm có để vươn mình trở thành một siêu đô thị hiện đại, đa trung tâm, mang tầm khu vực và quốc tế.
Theo đó, thành phố sở hữu không gian phát triển rộng mở, với quy mô diện tích và dân số lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 2% diện tích và 13,5% dân số toàn quốc; TP. Hồ Chí Minh được định vị là trung tâm kinh tế - tài chính - công nghiệp - công nghệ hàng đầu cả nước.
Song song đó là quá trình đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại và kết nối đa phương thức. Hàng loạt công trình trọng điểm như Metro, BRT, cao tốc và tuyến đường sắt tốc độ cao đang dần hình thành, tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt, gắn kết nội vùng, liên vùng và quốc tế.
TS. Cấn Văn Lực.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị mới, hướng đến phát triển mô hình đô thị đa trung tâm.
“Với tổng hòa các yếu tố về quy mô, chính sách, kinh tế, hạ tầng và công nghệ, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước thời cơ bứt phá mạnh mẽ để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một siêu đô thị hàng đầu, xứng đáng là hạt nhân phát triển năng động và đầu tàu tăng trưởng của cả nước”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Khu Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo ra sức bật tăng trưởng
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, sau sáp nhập, thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với sự hình thành của hàng loạt dự án chất lượng, quy mô lớn.
Cơ cấu sản phẩm sẽ đa dạng hóa và được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu thị trường đang định hình lại và tăng trưởng mạnh. Đây được xem là giai đoạn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TS. Nguyễn Văn Đính.
Dân số hiện tại của TP. Hồ Chí Minh đã vượt mốc 14 triệu người; quy mô kinh tế sau sáp nhập cũng tăng trưởng vượt bậc, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1/4 GDP, 1/3 tổng thu ngân sách và hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
“Những con số ấn tượng này không chỉ khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế mà còn là cú hích mạnh mẽ về tâm lý, niềm tin và cơ hội cho thị trường bất động sản”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng hưởng lợi sau việc sáp nhập này. Tác động này chỉ thực sự rõ nét tại những khu vực vốn có nền tảng tốt về hạ tầng, kinh tế và thu hút cư dân. Trong đó, khu Đông Bắc TP Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi sẽ tạo ra sức bật tăng trưởng tốt.
Trong bối cảnh tái cấu trúc vùng và mở rộng quy hoạch, Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh đang chứng kiến xu hướng thay đổi rõ nét. BĐS công nghiệp sẽ được tái cấu trúc đồng bộ, chất lượng, nhờ đó là điểm đến thu hút FDI và hình thành cộng đồng chuyên gia, kỹ sư, lao động tay nghề cao. Điều này kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở chất lượng cao.
“Tuy nhiên không phải cứ hạ tầng tốt là xuống tiền ngay. Trong bối cảnh thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ sàng lọc mạnh mẽ, việc lựa chọn đúng dự án không chỉ giúp đảm bảo an toàn dòng vốn mà còn tạo dư địa sinh lời dài hạn”, chuyên gia Nguyễn Văn Đính lưu ý.
Với BĐS nhà ở, nhờ quỹ đất rộng, khu vực này sẽ là nơi xuất hiện các dự án nhà ở được quy hoạch bài bản, pháp lý minh bạch, chú trọng yếu tố xanh, thông minh và tiện ích cao cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, phân khúc căn hộ được dự báo sẽ là phân khúc lên ngôi trong giai đoạn tới. Trong đó, phân khúc căn hộ trung và cao cấp dự báo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu ở thực của nhóm cư dân tinh hoa, đặc biệt tại khu vực trung tâm tài chính, công nghệ cao.
Làn sóng “Nam tiến” của các nhà đầu tư
Việc sáp nhập để tạo nên “siêu đô thị” TP. Hồ Chí Minh mới diễn ra đúng thời điểm thị trường BĐS miền Bắc đã qua giai đoạn tăng trưởng đỉnh và có dấu hiệu bão hòa về khẩu vị.
Đặc biệt, sự khác biệt rõ rệt về tiềm năng khu vực đã thúc đẩy nhiều sàn môi giới và nhà đầu tư lớn từ phía Bắc dịch chuyển hoạt động vào phía Nam.
Họ tìm kiếm những dự án chung cư có quy mô lớn và được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch như tại khu vực Đông Bắc. Làn sóng “Nam tiến” này không chỉ khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh mới, mà còn là bằng chứng cho thấy sức hấp dẫn của các dự án BĐS được định giá bằng giá trị thực.
Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đón đầu xu hướng thị trường, nhìn nhận những tiềm năng dài hạn tại thị trường Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Big Four, Giám đốc dự án La Pura, khu vực Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh mới có 4 yếu tố giúp giá trị BĐS bứt phá gồm: mở rộng QL13; hoàn thành tuyến đường Vành đai 2; hoàn thành tuyến đường Vành đai 3, dự kiến thông xe vào tháng 6/2026; tuyến metro số 2 kết nối TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương.
Trên thực tế, thời điểm hiện tại, xu hướng dịch chuyển mua nhà tại Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Chia sẻ thêm về dự án doanh nghiệp đang triển khai, ông Lê Minh Tuấn cho biết, dư án La Pura hướng tới tiêu chí phù hợp với khả năng tài chính của nhiều người trẻ đang tìm kiếm cơ hội sở hữu nhà ở gần TP. Hồ Chí Minh.
Với mức giá tầm 45-50 triệu đồng/m2, nhà đầu tư chỉ cần cần thanh toán 300 triệu đồng ban đầu cho đến khi nhận nhà. Mức giá này được đánh giá là rất cạnh tranh trong khu vực.
Theo đánh giá, trong bối cảnh giá trung bình căn hộ chung cư trên thị trường sơ cấp ở Hà Nội đang tiệm cận mức 80 triệu đồng/m2 thì mức giá này cũng được xem là lợi thế trong thu hút nhà đầu tư trên thị trường.
Liên quan vấn đề này, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam cũng nhấn mạnh hai điểm khác biệt rất đáng chú ý giữa khu vực TP. Hồ Chí Minh (đặc biệt là Bình Dương cũ) và Hà Nội.
Trong đó, về giá cả, diễn biến giá BĐS tại Hà Nội trong những năm gần đây, mặt bằng giá đã lên rất cao. Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh và đặc biệt là khu vực Đông Bắc mới như Bình Dương cũ, giá mà các chủ đầu tư vừa đưa ra chỉ dao động khoảng 40-50 triệu đồng/m2, đây là một mức giá được xem là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Chính sự chênh lệch về giá này dẫn đến sự khác biệt rõ rệt về tính thanh khoản. Giá thấp đồng nghĩa với khả năng tiếp cận dễ hơn, dễ mua dễ bán, thanh khoản thị trường vì thế cũng cao hơn.
Thu Hiền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/bat-dong-san-sieu-do-thi-tp-ho-chi-minh-thu-hut-gioi-dau-tu-tu-mien-bac.html