Tờ Wall Street Journal ngày 25/7 đưa tin Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của quân đội Mỹ đã khai hỏa hơn 150 quả đạn để đối phó những đợt tập kích tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào Israel hồi tháng trước.
Lượng đạn này tương đương 1/4 tổng số tên lửa THAAD mà Lầu Năm Góc đã đặt mua.
Con số này lớn hơn nhiều so với ước tính 60-80 quả được các chuyên gia quân sự đưa ra dựa trên dữ liệu nguồn mở.
Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh được trang bị 48 tên lửa trong trạng thái sẵn sàng phóng, nghĩa là khẩu đội Mỹ triển khai ở Israel đã dùng hết hơn 3 cơ số đạn trong quá trình chiến đấu.
"Nhu cầu về đạn THAAD lớn đến mức Lầu Năm Góc từng cân nhắc kế hoạch lấy lô tên lửa mà Arab Saudi đặt mua để sử dụng tại Israel. Cuộc thảo luận này mang tính nhạy cảm cao, do các thành phố và cơ sở dầu khí tại Arab Saudi được đánh giá là cũng phải đối mặt nguy cơ bị tập kích trong xung đột Iran - Israel", một quan chức Mỹ cho biết.
Báo cáo ngân sách của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm Góc cho thấy mỗi quả đạn THAAD có giá 12-15 triệu USD, tùy lô sản xuất.
Trong năm tài khóa 2025, Mỹ chỉ sản xuất được 12 quả đạn THAAD. Dự thảo ngân sách năm tài khóa 2026 của MDA đặt mục tiêu xuất xưởng 32 tên lửa.
Điều này đồng nghĩa số tên lửa THAAD mà quân đội Mỹ khai hỏa để bảo vệ Israel trong 12 ngày xung đột có thể vào khoảng 1,8-2,2 tỷ USD và Washington có thể mất nhiều năm để bù đắp lượng đạn tiêu hao.
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến được tạo ra để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối của chuyến bay. Chúng được phát triển bởi hãng Lockheed Martin.
Trọng tâm công nghệ của THAAD là radar AN/TPY-2, hoạt động trong băng tần X quang phổ điện từ. Radar này có thể phát hiện, theo dõi và phân biệt giữa tên lửa đạn đạo và các vật thể không gây nguy hiểm.
Nó hoạt động ở hai chế độ: chế độ dựa trên phía trước để phát hiện tên lửa ngay sau khi phóng và chế độ đầu cuối để chỉ đạo các đạn của tổ hơp THAAD đánh chặn đầu đạn đang bay tới.
Tên lửa của hệ thống THAAD sử dụng công nghệ hit-to-kill, tức là dùng động năng để công phá mục tiêu thay vì đầu đạn nổ mảnh.
Hệ thống THAAD được lắp trên một bệ phóng di động, cho phép triển khai và định vị lại nhanh chóng.
THAAD tích hợp vào các chiến lược phòng thủ tên lửa rộng hơn, thường hoạt động kết hợp với các hệ thống khác như Aegis hoặc Patriot để phòng thủ nhiều lớp của Mỹ.
Tính cơ động và linh hoạt của nó đã giúp Mỹ triển khai ở các địa điểm như Guam, Hàn Quốc và Trung Đông.
Việt Hùng
Theo War Zone, AFP, AP