Bê bối Dieselgate: Cú sốc thay đổi ngành công nghiệp ô tô mãi mãi

Bê bối Dieselgate: Cú sốc thay đổi ngành công nghiệp ô tô mãi mãi
2 ngày trướcBài gốc
Khởi đầu của bê bối Dieselgate là một vụ gian lận khí thải đơn lẻ sau đó nhanh chóng leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, kéo theo hàng loạt cuộc điều tra, án phạt và những thay đổi chính sách môi trường.
Diesel từng là biểu tượng của hiệu suất cao và tiết kiệm nhiên liệu, nhưng sau bê bối Dieselgate, loại động cơ này gần như bị ruồng bỏ, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang xe điện nhanh hơn bao giờ hết.
Bê bối Dieselgate: Cú sốc thay đổi ngành công nghiệp ô tô mãi mãi
Bê bối Dieselgate bắt đầu như thế nào?
Tháng 9/2015, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) công bố một thông tin gây chấn động: Volkswagen đã sử dụng phần mềm gian lận để làm giả kết quả kiểm tra khí thải trên các dòng xe động cơ diesel của hãng. Khi chạy trên đường thử, những chiếc xe này tuân thủ mọi tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, nhưng khi vận hành thực tế, lượng NOx (oxit nitơ) mà chúng thải ra cao hơn gấp 40 lần mức cho phép.
Ban đầu, Volkswagen thừa nhận chỉ có khoảng 500.000 xe tại Mỹ bị ảnh hưởng, nhưng sau đó, con số thực tế lên tới 11 triệu xe trên toàn cầu. Cơn bão Dieselgate ngay lập tức lan rộng, kéo theo hàng loạt cuộc điều tra tại châu Âu, châu Á và nhiều khu vực khác, làm rúng động cả ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Volkswagen trả giá đắt như thế nào?
Hậu quả mà Volkswagen phải gánh chịu là không thể đong đếm. Hãng xe Đức đã phải chi hơn 30 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện, nộp phạt và chi trả cho các chương trình thu hồi xe. CEO Martin Winterkorn cùng nhiều lãnh đạo cấp cao buộc phải từ chức, một số thậm chí còn phải đối mặt với án tù.
Hậu quả mà Volkswagen phải gánh chịu là không thể đong đếm
Tại Mỹ, Volkswagen bị buộc phải mua lại hàng trăm nghìn xe bị ảnh hưởng, đồng thời chi hàng tỷ USD để tài trợ cho các chương trình phát triển xe điện như một hình thức “bồi thường” cho môi trường.
Trong khi đó, tại châu Âu, các chính phủ siết chặt tiêu chuẩn khí thải, buộc không chỉ Volkswagen mà cả ngành công nghiệp ô tô phải tái cấu trúc mạnh mẽ.
Sự sụp đổ của động cơ diesel
Trước khi bế bối Dieselgate bùng nổ, động cơ diesel là lựa chọn hàng đầu tại châu Âu, chiếm hơn 50% doanh số ô tô tại khu vực này nhờ vào mức tiêu hao nhiên liệu thấp và lượng khí CO2 thấp hơn so với động cơ xăng. Nhưng sau vụ bê bối, mọi thứ thay đổi hoàn toàn.
Các thành phố lớn như Paris, Madrid, London và Berlin bắt đầu ban hành các quy định hạn chế xe diesel, thậm chí lên kế hoạch cấm hoàn toàn xe chạy bằng diesel trong vài thập kỷ tới. Người tiêu dùng quay lưng, giá trị bán lại của xe diesel lao dốc, buộc các hãng xe phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược.
Trước khi bế bối Dieselgate bùng nổ, động cơ diesel là lựa chọn hàng đầu tại châu Âu
Volvo tuyên bố ngừng phát triển động cơ diesel từ năm 2017, trong khi Mercedes-Benz, BMW, Renault và nhiều hãng khác cũng dần thu hẹp danh mục xe sử dụng động cơ này. Tại Mỹ, thị phần xe du lịch dùng động cơ diesel vốn đã nhỏ nay gần như biến mất hoàn toàn.
Xe điện trỗi dậy sau bê bối Dieselgate
Có một điều trớ trêu là Dieselgate, dù xuất phát từ một vụ gian lận, lại chính là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xe điện. Sau bê bối, các chính phủ trên thế giới không chỉ siết chặt tiêu chuẩn khí thải mà còn đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ xe điện.
Volkswagen, từ một tập đoàn từng đặt cược lớn vào diesel, buộc phải chuyển hướng mạnh mẽ sang xe điện với chiến lược ID. Series. Hãng cam kết chi hơn 50 tỷ USD để phát triển xe điện và công nghệ pin trong thập kỷ tới, với tham vọng trở thành đối thủ số một của Tesla.
Dieselgate là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xe điện
Không chỉ Volkswagen, các hãng xe lớn như Ford, General Motors, Mercedes-Benz, BMW cũng đẩy nhanh quá trình điện khí hóa để đáp ứng những quy định khắt khe hơn về khí thải. Có thể nói, bê bối Dieselgate đã làm thay đổi hoàn toàn quỹ đạo của ngành công nghiệp ô tô.
Liệu động cơ diesel có còn tương lai?
Mặc dù thị phần xe du lịch chạy diesel sụt giảm nghiêm trọng, loại động cơ này vẫn còn chỗ đứng trong một số lĩnh vực nhất định. Xe tải hạng nặng, xe công trình, thiết bị nông nghiệp và quân sự vẫn phụ thuộc vào diesel nhờ mô-men xoắn cao và khả năng tiết kiệm nhiên liệu vượt trội.
Ngoài ra, các công nghệ mới như diesel sạch (clean diesel) hay các hệ thống xử lý khí thải tiên tiến đang giúp giảm đáng kể lượng NOx và hạt bụi mịn. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xe điện và áp lực từ chính phủ, tương lai của động cơ diesel trong ngành ô tô thương mại có lẽ chỉ còn được tính bằng năm.
Bài học từ Dieselgate: Gian lận không thể che giấu mãi mãi
Dieselgate là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô, và cũng là bài học đắt giá về đạo đức kinh doanh. Volkswagen không phải là hãng duy nhất gian lận khí thải, nhưng họ là hãng bị bắt quả tang và điều đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.
Dieselgate là một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô
Ngày nay, khi khách hàng bước vào đại lý, họ không còn phải cân nhắc giữa động cơ diesel hay xăng, mà thay vào đó là lựa chọn giữa hybrid, plug-in hybrid hay thuần điện.
Nếu không có bê bối Dieselgate, có lẽ sự chuyển đổi này sẽ diễn ra chậm hơn rất nhiều. Nhưng dù muốn hay không, vụ bê bối này đã định hình tương lai của ngành công nghiệp ô tô theo hướng bền vững hơn, nơi động cơ diesel chỉ còn là một phần của quá khứ.
Nguồn: Carbuzz
Nguyễn Kim Nhâm
Nguồn Cartimes : http://cartimes.tapchicongthuong.vn/be-boi-dieselgate--cu-soc-thay-doi-nganh-cong-nghiep-o-to-mai-mai-16751.htm