Tối 17-4, Bệnh viện TP Thủ Đức thông tin vừa xử trí kịp thời bệnh nhi NNNY (5 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) nuốt nam châm.
Cụ thể, 18 giờ ngày 14-4, bệnh nhi nhập viện với triệu chứng mắc nghẹn, đau vùng cổ và khó thở nhẹ.
Ngay sau khi chụp X-quang phát hiện dị vật cản quang vùng cổ, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành nội soi gắp dị vật thành công.
Bé gái nuốt nam châm và dị vật cản quang vùng cổ. Ảnh: BVCC
Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Chương - khoa Thăm dò chức năng, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi.
Ở lứa tuổi này, trẻ hiếu động, tò mò nhưng chưa nhận thức đầy đủ về môi trường xung quanh. Các dị vật nguy hiểm như vật sắc nhọn, pin, nam châm, vật hút ẩm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử trí kịp thời.
Bệnh nhi nuốt nam châm hình ngôi sao trong lúc ăn cơm. Ảnh: BVCC
“Với trường hợp bệnh nhi này, dị vật có bề mặt trơn láng và mắc tại thực quản trên, chiếm toàn bộ lòng thực quản của bé. Các bác sĩ đã thực hiện phương án theo nhu động thực quản đẩy dị vật xuống lòng dạ dày, sau đó dùng vợt để lấy dị vật ra ngoài”, bác sĩ Chương thông tin.
Sau thủ thuật, bệnh nhi được theo dõi tại phòng hồi sức, có thể uống sữa bình thường. Bé được chuyển về theo dõi tại khoa Nhi trước khi xuất viện.
Mỗi năm Bệnh viện TP Thủ Đức tiếp nhận khoảng 80-100 ca dị vật đường tiêu hóa. Các dị vật đa dạng như bàn chải đánh răng, vỏ thuốc, pin, nam châm, tai nghe bluetooth, đồng xu, nhẫn, nắp chai, xương... được phát hiện ở cả người lớn và trẻ em.
Để phòng tránh các trường hợp tương tự, phụ huynh cần giám sát chặt chẽ trẻ trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, cất giữ các vật dụng nhỏ ngoài tầm với của trẻ, tránh cho trẻ vừa chơi vừa ăn. Khi gặp sự cố, đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi nghi ngờ nuốt phải dị vật.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II KIM PHÚC THÀNH, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện TP Thủ Đức
DI LINH