Bệnh giun rồng là gì, có nguy hiểm không?

Bệnh giun rồng là gì, có nguy hiểm không?
9 giờ trướcBài gốc
Gần đây tôi nghe nói có nhiều ca mắc bệnh giun rồng, tôi rất thắc mắc bệnh này lây thế nào, nguy hiểm không, biểu hiện ra sao và làm sao để phát hiện sớm, phòng tránh hiệu quả? ( Hoàng Phương, Tây Ninh).
Ai dễ mắc bệnh giun rồng?
Bệnh giun rồng hay còn gọi là giun Guinea, tên khoa học là Dracunculus medinensis, là một loại giun tròn, được xem là dài nhất trong nhóm ký sinh trùng gây bệnh ở người.
Loại ký sinh trùng này chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua nguồn nước bị ô nhiễm hoặc qua đường tiêu hóa khi ăn phải thực phẩm chứa giáp xác nhiễm ấu trùng. Người và cả động vật như chó, mèo có thể bị nhiễm nếu ăn thủy sản sống hoặc chưa được nấu chín kỹ.
Ngoài ra, người dân có thể bị nhiễm ấu trùng giun rồng nếu uống phải nước có chứa giáp xác mang ấu trùng, đặc biệt là từ các nguồn nước chưa qua xử lý như ao tù, suối, sông hoặc vũng nước đọng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có nơi ghi nhận tỷ lệ mắc lên đến 60%.
Triệu chứng và biến chứng
Sau khi xâm nhập, giun sẽ ẩn trong cơ thể từ 9 đến 14 tháng. Trong thời gian này, giun cái trưởng thành có thể dài tới 1 mét. Trước khi trồi lên da, chúng tạo ra các nốt phồng rộp gây đau rát và ngứa.
Triệu chứng thường chỉ rõ rệt khi giun bắt đầu chui lên da và phá hủy mô, lúc này người bệnh có thể xuất hiện sốt nhẹ, chóng mặt, buồn nôn, phát ban và ngứa.
Đặc biệt, nếu giun bị đứt trong mô, người bệnh có thể phản ứng dị ứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Khi giun trồi ra khỏi da, vùng da tổn thương có thể kèm theo sưng nề, đau rát và loét, dễ bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn xâm nhập.
Bệnh giun rồng không gây tử vong trực tiếp nhưng có thể dẫn đến tử vong gián tiếp do các biến chứng như nhiễm trùng huyết, áp xe lạnh, nhiễm trùng khớp, tổn thương thần kinh, liệt nửa người hoặc viêm tủy sống.
Cần ăn chín, uống sôi và thói quen sinh hoạt sạch sẽ
Việc phòng bệnh giun rồng cần được thực hiện nghiêm túc và liên tục. Người dân nên ăn chín, uống sôi; sử dụng riêng biệt các dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín như thớt, dao, máy xay…; rửa tay sạch sau khi chế biến thực phẩm sống.
Khi sử dụng thủy sản như cá, tôm, ếch, cần nấu chín kỹ. Các phần nội tạng, ruột, đầu… sau khi làm cá, tôm cần được chôn, đốt hoặc rắc vôi bột để tránh phát tán nguồn lây. Không cho chó mèo ăn thực phẩm thủy sinh còn sống. Nước uống cần được đun sôi hoặc lọc qua hệ thống đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không để nước tù đọng, ao hồ ô nhiễm gần khu vực sinh sống cũng là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế sự phát triển và lan truyền của giáp xác nhiễm ấu trùng giun rồng.
Việc nâng cao ý thức trong ăn uống và sinh hoạt là biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng ngừa căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh này.
BS Võ Bùi Cao Thiện – Khoa Khám bệnh chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng TP.HCM
DI LINH (ghi)
Nguồn PLO : https://plo.vn/benh-giun-rong-la-gi-co-nguy-hiem-khong-post858640.html