Điều trị bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng. Ảnh: BV Đặng Văn Ngữ.
Nguy cơ đến từ thói quen ăn uống
Theo thống kê từ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ – trực thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế), năm 2024 ghi nhận hơn 19.500 lượt bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó, tăng hơn 25% so với năm trước. Số ca nhiễm sán dây chó tăng tới 174%, giun đầu gai tăng 105%.
Từ năm 2020, nước ta đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng – loại ký sinh trùng từng chỉ xuất hiện ở châu Phi. Các ca bệnh này xuất hiện ở các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa. Sự xâm nhập của những ký sinh trùng này cho thấy nguy cơ đang vượt khỏi kiểm soát nếu không có biện pháp phòng ngừa quyết liệt.
Số liệu tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cũng cho thấy, tỷ lệ người mang mầm bệnh ký sinh trùng ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và ven biển miền Trung vẫn đang ở mức cao, đặc biệt trong các nhóm dân cư có thói quen ăn tiết canh, gỏi sống hoặc rau không rửa sạch.
Một ca bệnh cụ thể, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vừa tiếp nhận bệnh nhi 4 tuổi ở tại xã Tả Ngảo (Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) bị đồng nhiễm nhiều loại giun sán gan, phổi. Trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, thành bụng bên mạn sườn trái có nốt sưng phồng, không biến đổi màu sắc da, đau nhẹ khi thăm khám thượng vị, ăn ít, không quấy khóc.
Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, khoảng hai tháng trước cháu có biểu hiện đau ở vùng thượng vị, đau ở mạn sườn trái, kèm theo có sốt, nhưng do cháu đang bị sởi nên gia đình không đưa đi khám.
Gần đây cháu đau vùng thượng vị gia đình đưa khám ở Bệnh viện tỉnh Lai Châu phát hiện tổn thương gan. Sau đó trẻ được đưa đến khám tại cơ sở y tế khác của tuyến trung ương, có điều trị uống thuốc theo đơn, nhưng tình trạng trên không thay đổi. Gia đình cũng cho biết thêm, hàng ngày ngoài giờ đi trẻ cháu ở nhà chơi với các anh chị, hay có thói quen nướng cua đá ăn.
Trẻ được chỉ định làm các xét nghiệm, tổng phân tích tế bào máu 22 chỉ số, sinh hóa, miễn dịch, soi phân tập trung. Xét nghiệm các kháng thể sán lá gan lớn, sán lá phổi, siêu âm ổ bụng tổng quát, siêu âm phần mềm thành bụng bên bên trái...
Theo bác sĩ điều trị, trẻ bị áp xe gan mật và lạc chỗ trong cơ thành bụng do sán lá gan lớn đồng nhiễm sán lá phổi, giun đũa, sán lá gan nhỏ. Với trường hợp trẻ 4 tuổi có tổn thương gan và tổn thương lạc chỗ do sán lá gan lớn đồng nhiễm sán lá phổi, giun đũa, sán lá gan nhỏ, là ca bệnh sán lá gan lớn hiếm gặp. Nguyên nhân để bé 4 tuổi nhiễm sán lá gan lớn cũng không loại trừ trong sinh hoạt hàng ngày có thể bé vô tình ăn hoặc có tiếp xúc với nguồn bệnh mà không biết.
Thói quen ôm ấp thú cưng khiến bệnh do giun đũa chó mèo tăng
Không chỉ các món ăn sống mới là nguy cơ. Vật nuôi không được chăm sóc đúng cách cũng là ổ chứa ký sinh trùng nguy hiểm. Phân chó, mèo nếu vương vãi trong sân vườn, khu vui chơi, cát vệ sinh… hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho cả người lớn và trẻ nhỏ.”
TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, số lượng bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo đến bệnh viện thăm khám ngày càng tăng. “Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng, ngứa, nổi mẩn kéo dài. Thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho thấy, chỉ riêng trong năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho 15.527 người nhiễm giun đũa chó mèo. Ước tính trên phạm vi cả nước, mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị”.
Chuyên gia cho biết, chó và mèo – nếu không được tẩy giun định kỳ – có thể mang theo trứng giun đũa, giun móc và nhiều loại ấu trùng có khả năng truyền sang người thông qua tiếp xúc với phân, lông hoặc nước bọt. Nhiều trường hợp ghi nhận trẻ em bị nhiễm giun đũa chó do thường xuyên chơi đùa cùng thú cưng, sau đó vô tình đưa tay lên miệng mà không rửa sạch.
Một ca bệnh cụ thể, nữ bệnh nhân 40 tuổi (Hưng Yên) tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám với nhiều vết trầy xước trên da do gãi mỗi lần thấy ngứa. Chị đi khám da liễu nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm.
Qua xét nghiệm, bệnh nhân có chỉ số Elisa dương tính với giun đũa chó mèo và bạch cầu ái toan tăng, kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da. Khai thác tiền sử cũng cho thấy người bệnh nuôi thú cưng, thường xuyên tiếp xúc âu yếm với chó mèo. Bác sĩ nhận định đây là nguồn chính lây bệnh giun đũa chó mèo cho hai bệnh nhân.
Khuyến cáo để ngăn chặn dịch tái bùng phát
Các chuyên gia y tế cho rằng sự tái bùng phát của bệnh ký sinh trùng tại Việt Nam có liên quan mật thiết đến điều kiện vệ sinh môi trường, thói quen ăn uống chưa đảm bảo và sự chủ quan của người dân. Nhiều trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, dẫn đến việc phát hiện muộn khi ký sinh trùng đã gây tổn thương nặng nề đến các cơ quan nội tạng.
Một số chuyên gia còn cảnh báo rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu và giao thương thực phẩm xuyên biên giới ngày càng rộng mở, các chủng ký sinh trùng lạ có thể tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam, gây ra các đợt dịch mới. Điều này đòi hỏi hệ thống y tế phải nâng cao năng lực chẩn đoán, sàng lọc và quản lý các ca bệnh hiếm gặp.
Để phòng bệnh do ký sinh trùng gây ra, các chuyên gia khuyến cáo người dân không ăn thức ăn chưa nấu chín như các loại rau thủy sinh nấu chưa chín, cua đá nướng chưa chín, gỏi cá, không uống nước lã, không ăn gan động vật sống. Không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, với bát đựng thức ăn, chất thải của chó mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng, cần tới ngay các cơ sở chuyên khoa về bệnh ký sinh trùng để được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cũng đề xuất tăng cường giáo dục cộng đồng, tổ chức các chiến dịch tẩy giun định kỳ tại vùng có nguy cơ cao, lồng ghép nội dung phòng bệnh vào chương trình học đường, truyền thông đại chúng. Tại cấp hộ gia đình, người dân cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, kiểm soát thú nuôi và đặc biệt lưu tâm đến thói quen ăn uống lành mạnh.
Theo TS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, các bệnh ký sinh trùng có thể gây tổn thương đa cơ quan như gan, phổi, mắt, thậm chí hệ thần kinh trung ương. Một khi đã vào não, chúng có thể gây co giật, liệt, mù lòa, hoặc tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đức Trân