Vậy nguyên nhân nào khiến chó và mèo trở thành đối thủ tự nhiên? Đây chính là lời giải thích!
Để hiểu vì sao chó và mèo khó hòa hợp, cần truy về nguồn gốc tiến hóa xa xưa của chúng.
Cách đây hàng chục triệu năm, tổ tiên của chó và mèo là những loài săn mồi hoang dã, có kích thước cơ thể tương đương nhau và cùng phụ thuộc vào việc săn bắt để sinh tồn, dẫn đến cạnh tranh gay gắt về nguồn thức ăn.
Dù sau này được phân chia thành hai họ riêng biệt – họ mèo và họ chó – và được con người thuần hóa, bản năng cạnh tranh vẫn âm ỉ tồn tại, khiến chó và mèo thường khó sống chung.
Ảnh minh họa.
Một yếu tố then chốt khác là phản ứng mạnh của chó với những chuyển động nhanh.
Chó có bản năng săn đuổi rất nhạy bén, bất kỳ vật gì di chuyển với tốc độ cao cũng dễ khiến chúng phát sinh phản xạ đuổi bắt, kể cả con người hay con vật.
Mèo, với đặc tính di chuyển linh hoạt và hay cảnh giác với những đối tượng lạ, dễ rơi vào trạng thái phòng vệ và trở thành mục tiêu tự nhiên của chó.
Tuy nhiên, khi chó đã quen với sự hiện diện của mèo, phản ứng săn mồi này có thể giảm bớt hoặc mất hẳn.
Ngoài ra, chó và mèo cũng khác biệt rõ rệt trong cách thể hiện cảm xúc.
Là hai loài có hành vi xã hội riêng biệt, chúng thường diễn đạt cảm xúc theo những cách trái ngược nhau, dẫn đến hiểu lầm và khó giao tiếp.
Chẳng hạn, chó vẫy đuôi để bày tỏ niềm vui, trong khi mèo lại vẫy đuôi khi tức giận, điều này khiến mèo có thể hiểu nhầm tín hiệu thân thiện từ chó là hành động thách thức.
Hành động liếm của chó thể hiện sự phục tùng với chủ, còn với mèo, hành động này thể hiện sự coi chủ như “em út” trong gia đình.
Khi chó sủa, thường là để cảnh báo mối nguy, còn tiếng kêu của mèo lại mang tính mời gọi và gần gũi hơn.
Chính sự đối lập trong giao tiếp này khiến chó và mèo khó có thể sống hòa hợp như những loài thân thiết.
Tuy nhiên, liệu chó và mèo có bắt buộc phải là kẻ thù? Câu trả lời là không. Trên thực tế, nhiều con mèo có thể sống chan hòa với chó, miễn là được chủ nuôi rèn luyện đúng cách từ sớm.
Bảo Ngọc (t/h)