Người dân giải quyết thủ tục, chính sách bảo hiểm tại Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Trường
Theo đó, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu thu cho cơ quan BHXH cấp huyện, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn và cán bộ chuyên quản thường xuyên nắm thông tin, bám sát, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp đóng nộp tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đầy đủ theo quy định; đơn giản hóa các quy định, quy trình liên quan đến công tác thu của ngành, tạo thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp.
Theo báo cáo, đến hết năm 2024, tổng số thu của BHXH tỉnh đạt 8.408 tỷ đồng, tăng hơn 755 tỷ đồng so với năm 2023, đạt 101,2% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, cố gắng lớn của ngành BHXH trong điều kiện khó khăn như năm 2024.
Về công tác giảm nợ BHXH, BHYT được BHXH tỉnh triển khai biện pháp quyết liệt đôn đốc, tuyên truyền thu hồi nợ đọng; tăng cường thanh tra, kiểm tra đơn vị vi phạm, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia; đăng tải đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và tỉnh. Hiện, số tiền chậm đóng toàn ngành BHXH tỉnh là 2,18% so với tổng số thu của năm.
Về công tác phát triển đối tượng tham gia các chế độ bảo hiểm, BHXH tỉnh đã thực hiện rõ ràng, minh bạch chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho BHXH cấp huyện và giao cụ thể đến từng cán bộ của ngành; chỉ tiêu này được đưa vào bình xét thi đua của năm. Hàng tháng, BHXH tỉnh chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung rà soát, phân loại các nhóm đối tượng tiềm năng, xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT để tuyên truyền vận động tham gia.
Đến nay, tổng số người tham gia BHXH trong toàn tỉnh là 303.832 người, chiếm 47,55% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, có 266.500 người tham gia BHXH bắt buộc, 254.700 người tham gia BHTN, số người tham gia BHXH tự nguyện là 37.332 người. Năm 2024, toàn tỉnh có trên 1,3 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,56% dân số của tỉnh.
Công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN được BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường quản lý, giám sát người thụ hưởng, bảo đảm việc chi trả kịp thời, đúng người hưởng. Năm 2024, BHXH tỉnh giải quyết cho hơn 14.000 người hưởng chế độ BHXH hàng tháng và hưởng chế độ BHXH 1 lần; xét duyệt chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho gần 206.000 lượt người. Toàn tỉnh có trên 2,7 triệu lượt người tham gia khám, chữa bệnh BHYT với tổng số tiền chi trả là 2.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân hưởng chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các địa phương trong tỉnh.
Năm 2024, Quảng Ninh có gần 126.000 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM, đạt tỷ lệ 85,27% tổng số người thụ hưởng. Riêng ở khu vực đô thị, số người thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là gần 120.000 người, đạt 87% chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao.
Năm 2024, BHXH tỉnh đã thực hiện việc sắp xếp giảm 1 đầu mối cấp phòng theo quy định, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng. Trong năm, BHXH tỉnh đã tiếp nhận trên 236.000 hồ sơ và thực hiện trả kết quả giải quyết cho hơn 232.000 hồ sơ liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia.
Năm 2025, BHXH sẽ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình nghiệp vụ của ngành, giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hoàng Anh