51% nguyên liệu đầu vào của Nhựa Bình Thuận là nguyên liệu tái chế.
Những ngày đầu tháng 4, Công ty CP Nhựa tái chế Duytan xuất hiện tại thành phố Amsterdam, Hà Lan, để giới thiệu công nghệ tái chế hiện đại, trong khuôn khổ một triển lãm về ngành tái chế nhựa khu vực châu Âu.
“Khách quốc tế rất kinh ngạc về sự phát triển của ngành tái chế Việt Nam”, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Nhựa tái chế Duytan, trả lời nhanh, khi đang bận chuẩn bị bài diễn thuyết tại một sự kiện ngành nhựa quốc tế.
Nhựa tái chế Duytan là “cuộc chơi” mới của đại gia ngành nhựa Trần Duy Hy, được giới thiệu như sự kết hợp giữa kinh nghiệm của những chuyên gia, doanh nhân có hàng chục năm kinh nghiệm sản xuất nhựa với công nghệ tái chế hiện đại đến từ Áo.
Hàng chục nghìn tấn hạt nhựa tái sinh của Duytan hiện đang xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu, giúp một số nhà sản xuất tại các thị trường này đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường ngày càng gia tăng về tính bền vững nhưng vẫn sử dụng vật liệu nhựa.
Ở mảng nhựa xây dựng, mới đây, Công ty CP Nhựa Bình Minh, công ty con của Tập đoàn SCG, chính thức trở thành doanh nghiệp nhựa đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận Sản phẩm xanh Singapore ở cấp độ cao nhất - Dẫn đầu, cho hai dòng sản phẩm là ống, phụ tùng ống bằng nhựa PVC-U và PP-R.
Đây là kết quả của một loạt giải pháp được Nhựa Bình Minh triển khai suốt thời gian qua như sử dụng động cơ, máy làm mát tiết kiệm điện, hiệu suất cao, giảm tiêu hao trong sản xuất và tăng cường tuổi thọ sản phẩm.
Hiện tại, Nhựa Bình Minh đang chiếm lĩnh thị trường ống nước xây dựng với khoảng 27% thị phần. Ngành xây dựng đang bước vào cuộc đua đáp ứng chứng chỉ bền vững như LEED, Edge Certified nhằm thu hút nhà đầu tư ngoại, mở ra động lực và cũng là áp lực cho các nhà cung ứng, bao gồm cung ứng nhựa, phải thực hiện các giải pháp chuyển đổi.
Ngành nhựa tìm cơ hội
Dù có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm lên đến hai con số, ngành nhựa vẫn phải đối diện với thách thức khi 70% nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo ông Hoàng Đức Vượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), tăng cường tái chế là giải pháp quan trọng giúp ngành nhựa tăng tỷ lệ tự chủ đối với nguồn nguyên liệu.
Thương hiệu nhựa sinh học AnEco được bảo hộ tại Hoa Kỳ.
Chiến lược đó được Công ty CP Nhựa Bình Thuận áp dụng bằng cách nâng dần tỷ lệ vật liệu tái chế trong cơ cấu vật liệu đầu vào. Tính đến hiện tại, khoảng 51% nguyên liệu đầu vào của Nhựa Bình Thuận là nhựa tái chế, dùng trong sản xuất 68% lượng sản phẩm của doanh nghiệp này.
Công ty hướng đến sử dụng 100% hạt nhựa tái sinh đầu vào để đáp ứng xu thế tiêu dùng và tuân thủ các quy định tại thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh tái chế, một số doanh nghiệp nhựa tìm thấy cơ hội để bền vững hóa chuỗi cung ứng và xâm nhập thị trường thông qua nhựa sinh học, điển hình như Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings, đơn vị sở hữu thương hiệu nhựa phân hủy sinh học AnEco đang được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ.
Tham gia vào mảng nhựa phân hủy sinh học nhằm “đón đầu xu thế” tiêu dùng xanh tại thị trường quốc tế, năm 2021, An Phát Holdings thành công đăng ký thương hiệu AnEco tại Hoa Kỳ và nhanh chóng nâng doanh số bán sản phẩm lên gấp 27 lần chỉ sau ba năm, thông qua nền tảng thương mại điện tử Amazon.
“Xu hướng tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn đang lên ngôi tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… là cơ hội lớn để ngành nhựa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Chủ tịch VPA Đinh Đức Thắng nhận xét.
Bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, giảm dần phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và phát triển cơ cấu sản phẩm bền vững, doanh nghiệp nhựa đang mở ra những cánh cửa mới, trong bối cảnh nhựa bị điểm tên như một “thủ phạm gây ô nhiễm môi trường”.
Phạm Sơn