Bí mật đằng sau mối quan hệ 'hòa bình' kỳ lạ giữa cá sấu và chuột lang nước ở Amazon

Bí mật đằng sau mối quan hệ 'hòa bình' kỳ lạ giữa cá sấu và chuột lang nước ở Amazon
một ngày trướcBài gốc
Capybara (tên khoa học là Hydrochoerus hydrochaeris) là loài gặm nhấm lớn nhất trên hành tinh, sống chủ yếu tại lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Khi trưởng thành, một cá thể có thể dài tới 150cm, cao khoảng 64cm tính đến vai và nặng hơn 60kg. Dù sở hữu kích thước lớn, loài gặm nhấm này vẫn giữ bản tính hiền lành và được mệnh danh là "nữ hoàng hiếu khách" của thế giới động vật vì dễ dàng kết bạn với nhiều loài, kể cả loài săn mồi như cá sấu.
Điều đáng ngạc nhiên là cá sấu – vốn thường săn capybara – đôi khi lại nằm chung chỗ nghỉ mà không hề tấn công. Nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ này phần lớn đến từ... phân của capybara. Trong rừng nhiệt đới Amazon, capybara vô tình trở thành "nhà cung cấp bữa tiệc" cho hệ động vật tại đây khi phân của chúng chứa lượng lớn xơ thực vật khó phân giải, cùng vitamin và khoáng chất quý giá.
Các nghiên cứu cho thấy hệ tiêu hóa của capybara rất mạnh mẽ, giúp chuyển hóa thức ăn thực vật thành chất thải giàu dưỡng chất. Đặc biệt trong mùa khô – khi nguồn thức ăn trở nên khan hiếm – phân capybara được nhiều loài xem như "kho báu" dinh dưỡng.
Ảnh minh họa.
Với cá sấu, thay vì vất vả săn mồi, việc tiếp cận các bãi phân chứa protein cao từ capybara trở thành giải pháp thay thế hiệu quả. Chính điều này khiến loài bò sát máu lạnh thường xuyên chọn cách sống hòa thuận với capybara để tranh thủ nguồn lợi dinh dưỡng dễ dàng.
Capybara là loài ăn cỏ, chủ yếu tiêu thụ chồi cây, thực vật thủy sinh, vỏ cây và trái cây. Do cấu tạo hàm không thể chuyển động lên xuống, chúng chỉ nhai theo chiều tiến-lùi. Đặc biệt, chúng còn có thói quen ăn phân của chính mình – một hành vi giúp tận dụng tối đa dưỡng chất có trong thức ăn đã tiêu hóa một phần. Capybara thường thực hiện hành vi này khoảng ba lần trước khi chuyển sang ăn cây tươi.
Loài gặm nhấm này có tuổi thọ từ 8 đến 10 năm, song trong tự nhiên chỉ sống trung bình khoảng 4 năm vì thường bị săn bởi báo đốm, báo sư tử, mèo gấm ocelot, đại bàng, trăn anaconda và cá sấu Caiman.
Chuột lang nước cái có thời gian mang thai kéo dài từ 130 đến 150 ngày và thường sinh khoảng 4 con mỗi lứa, dù có thể dao động từ 1 đến 8 con. Con non được sinh trên cạn và có thể ăn cỏ chỉ sau một tuần, nhưng vẫn bú sữa đến tuần thứ 16 – thậm chí từ bất kỳ con cái nào trong đàn. Mùa sinh sản của chúng rơi vào giữa tháng 4 đến tháng 5 ở Venezuela và từ tháng 10 đến tháng 11 ở Mato Grosso, Brazil.
Loài này không nằm trong danh sách bị đe dọa và có thể bị săn để lấy thịt, lông và dầu từ lớp mỡ. Chúng thường sống theo bầy gia đình, ẩn mình trong nước khi cảm thấy nguy hiểm. Với khả năng bơi lặn siêu việt và cấu trúc cơ thể tối ưu cho môi trường bán thủy sinh, capybara có thể trốn thoát nhanh chóng dưới mặt nước và lặn trong thời gian dài dưới lớp thực vật thủy sinh mà không cần di chuyển nhiều.
Mỗi khi capybara thải phân bên bờ sông Amazon, khung cảnh trở nên sinh động với đủ loài kéo đến. Khỉ, chim, côn trùng và cả cá sấu chen nhau để thưởng thức "món đặc sản" giàu dưỡng chất này. Hình ảnh chúng kiên nhẫn chờ đợi hoặc tranh nhau tạo nên một bức tranh sống động về sự cộng sinh kỳ lạ nơi rừng rậm nhiệt đới.
Bảo Ngọc (t/h)
Nguồn Doanh Nghiệp : https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-mat-dang-sau-moi-quan-he-hoa-binh-ky-la-giua-ca-sau-va-chuot-lang-nuoc-o-amazon/20250527034653491