Bị ngứa vào ban đêm, đi khám mới biết chỉ còn sống được 8 tháng

Bị ngứa vào ban đêm, đi khám mới biết chỉ còn sống được 8 tháng
4 giờ trướcBài gốc
Nhiều bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn đầu nên người bệnh dễ bỏ lỡ thời kỳ vàng điều trị.
Một phụ nữ ở Mỹ thường xuyên tỉnh dậy lúc nửa đêm với cảm giác ngứa ngáy khắp người không chịu nổi. Không ngờ, khi đi khám, bà được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn 4. Các bác sĩ ước tính rằng bà có thể chỉ còn sống được 8-11 tháng.
Theo đó, bà Barbara Green, ở Mỹ, bắt đầu có triệu chứng ngứa từ tháng 7/2022. Trước đó, bà không gặp vấn đề gì về sức khỏe và có lối sống năng động, thường xuyên đi du lịch khắp thế giới, tập yoga và đi bộ mỗi ngày. Cơn ngứa khiến bà cảm thấy khó chịu nhưng cho rằng chỉ là vấn đề về da liễu nên Barbara không quá lo lắng.
Tuy nhiên, tình trạng ngứa ngáy kéo dài suốt nhiều tháng, giống như hàng nghìn vết côn trùng cắn lan ra toàn cơ thể. Lo lắng, bà Barbara quyết định đi khám bác sĩ, mong được kê đơn một loại thuốc hoặc kem bôi để giảm tình trạng này. Tại cuộc hẹn khám, bà cũng báo cáo thêm triệu chứng nước tiểu sẫm màu và phân có màu sáng.
Bác sĩ chỉ định làm sinh thiết và phát hiện, men gan của bà Barbara cao đến mức nguy hiểm. Kết quả chụp CT vài ngày sau cho thấy một khối u trên tuyến tụy, đã ở giai đoạn 4, di căn đến mạc nối ở bụng. Do đó, bà Green không thể thực hiện phẫu thuật.
Thông thường, với những trường hợp như thế này, bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 8 đến 11 tháng sau khi được chẩn đoán.
Bà nhanh chóng làm hóa trị và may mắn đáp ứng tốt với thuốc. Khối u sau đó đã thu nhỏ đến mức gần như không thể nhìn thấy trên kết quả chụp quét.
Bà Green bắt đầu điều trị duy trì bằng thuốc uống, thay vì truyền hóa chất. Đã 15 tháng kể từ khi bà được thông báo sẽ còn sống dưới một năm nữa. Sau những cuộc hẹn không ngừng nghỉ với bác sĩ, bà chú ý hơn đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Ung thư tuyến tụy được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng" do triệu chứng ban đầu không rõ ràng và khó phát hiện.
Ảnh minh họa.
Ngoài ngứa, bà Green trước đó chưa từng có cảm giác đau đớn hay bất thường, đủ để phát hiện bệnh.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ngứa có thể là triệu chứng của tình trạng khối u tuyến tụy chặn ống mật, gây tích tụ bilirubin. Đây là chất nâu sẫm sinh ra trong gan, giúp phân hủy chất béo, cuối cùng thải ra ngoài cơ thể theo phân.
Khi ống mật tắc nghẽn, bilirubin gây vàng da và làm ngứa ngáy cơ thể. Quá trình này cũng khiến nước tiểu có màu sẫm, phân màu nhạt.
Trong khi đó, theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI), tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư tuyến tụy sau 5 năm chỉ là 12,5%. Nếu tế bào ung thư di căn thì tỉ lệ sống sót sẽ trực tiếp giảm xuống còn 3%.
Tuy nhiên, NCI cũng chỉ ra rằng, mặc dù ung thư tuyến tụy khó chẩn đoán nhưng không thực sự không có triệu chứng, nhiều bệnh nhân thường có triệu chứng đau bụng, chán ăn, sụt cân, vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hoặc nổi, mệt mỏi, ngứa ngáy… Nếu các triệu chứng trên kéo dài, bạn có thể cân nhắc đến bệnh viện khám để tránh bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Bên cạnh đó, mọi người cần cố gắng duy trì thói quen tập thể dục, tránh hút thuốc và uống rượu, tránh ăn quá nhiều cá và thịt cũng như ăn quá nhiều thịt đã qua chế biến, phát triển thói quen sinh hoạt tốt thì sẽ tránh xa, hạn chế được bệnh tật.
Theo các bác sĩ, nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy ở người thừa cân cao gấp 7 đến 10 lần so với người bình thường, những người nghiện thuốc lá và rượu cũng dễ bị viêm tụy mãn tính tiến triển thành ung thư tuyến tụy, cần phải đặc biệt chú ý.
Minh Hoa (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/bi-ngua-vao-ban-dem-di-kham-moi-biet-chi-con-song-duoc-8-thang-204240717194435949.htm