10 ngày trước, bà X. bị đau vùng khớp vai nên đến một phòng khám tư để tiêm thuốc trực tiếp vào khớp. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà còn đau nhiều hơn. Bà chuyển sang châm cứu nhưng càng thấy đau và còn sốt cao, sưng toàn bộ vai lan xuống cánh tay phải.
Bệnh nhân tiêm khớp vai ở cơ sở y tế không đảm bảo vô trùng nên nhiễm khuẩn nặng.
Bà X. đến khám tại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán áp-xe phần mềm nghi do nhiễm khuẩn. Dù đã dùng kháng sinh, tình trạng không cải thiện; huyết áp tụt và phải duy trì thuốc vận mạch để giữ huyết áp. Do diễn biến nguy kịch, nên bệnh nhân được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Lúc nhập viện cấp cứu, bệnh nhân phải phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc vận mạch để duy trì huyết áp – dấu hiệu cho thấy tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng. Nếu huyết áp tụt sâu, khiến máu không đủ nuôi các cơ quan như gan, thận, tim dẫn đến nguy cơ suy đa tạng rất cao.
Kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị viêm lan tỏa dưới da vùng cánh tay, viêm bao hoạt dịch khớp vai và không thấy ổ nhiễm trùng ở vị trí khác, nên khẳng định vị trí tiêm là đường vào duy nhất gây ra sốc nhiễm khuẩn.
Kết quả xét nghiệm cũng phản ánh bệnh nhân bị viêm toàn thân rất nặng: Bạch cầu tăng cao (16.000/mm³, chủ yếu bạch cầu trung tính 85%), chỉ số CRP lên tới 113 mg/L — gấp 23 lần bình thường.
Các bác sĩ đã điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, hồi sức nội khoa và chăm sóc tích cực nên vài ngày sau, huyết áp ổn định, liều thuốc vận mạch giảm dần; giảm sốt và sưng nề rõ rệt.
Trao đổi với báo chí sáng 9/5, ThS.BS Trương Tư Thế Bảo (Khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết đây là ví dụ điển hình về hậu quả nghiêm trọng của việc tiêm khớp tại cơ sở không đảm bảo vô trùng. Kim tiêm là đường vào trực tiếp, nếu không đảm bảo vô trùng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mô mềm, gây viêm, nhiễm trùng máu và tử vong nếu không xử trí kịp thời.
"Với người cao tuổi, có hệ miễn dịch yếu, nguy cơ nhiễm trùng nặng càng cao. Trường hợp bà X. là minh chứng rõ ràng cho nguy cơ đe dọa tính mạng từ một thủ thuật tưởng chừng đơn giản”- BS Bảo lưu ý.
BS Bảo khuyến cáo: Người dân nên đến các cơ sở y tế được cấp phép khi cần tiêm, truyền dịch hay châm cứu. Sau tiêm, nếu thấy bị đau tăng, sốt, sưng nề hoặc tụt huyết áp… cần đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Ca bệnh này cũng là lời cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng nặng từ các thủ thuật y khoa không đảm bảo vô trùng, vì hiện ở một số nơi, bệnh nhân cũng đã phản ánh tình trạng bác sĩ tiêm trực tiếp vào khớp vai, khớp lưng rất sâu, kim tiêm rất dài, nhưng phòng khám không đảm bảo tiệt trùng như quy định.
Thanh Hằng